Bao giờ vì dân?

Bao giờ vì dân?

Thống kê sơ bộ của Sở NN-PTNT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, đợt cá chết từ đêm 10-10 đến nay của người dân tại xã đảo Long Sơn (TP Vũng Tàu) đã gây thiệt hại khoảng 29 tỷ đồng. Như vậy, trong vòng 13 tháng qua, người dân xã đảo nuôi cá tại đây đã thiệt hại khoảng 55 tỷ đồng (cá chết đợt 1 vào tháng 9-2015, thiệt hại 18 tỷ đồng; đợt 2 vào tháng 8-2016, thiệt hại 8 tỷ đồng). Nếu cộng cả 3 đợt rồi chia đều cho số hộ đang sống bằng nghề nuôi cá lồng bè ở Long Sơn thì bình quân mỗi hộ hoặc doanh nghiệp bị thiệt hại hơn 220 triệu đồng, một số vốn không nhỏ với đa số người dân xã đảo.

Cá chết trắng bè trong tháng 9-2015, khiến nông dân ở xã Long Sơn thiệt hại hàng chục tỷ đồng. Ảnh: T.L

Điều đáng nói ở chỗ, vụ cá chết đợt 1, người nuôi vẫn chưa nhận được tiền bồi thường từ các cơ sở chế biến hải sản gây ra nên nhiều hộ rơi vào cảnh điêu đứng vì nợ nần chồng chất.

Theo Sở NN-PTNT Bà Rịa - Vũng Tàu, nguyên nhân khiến cá chết hàng loạt vừa qua (đợt 3) là do mưa lớn, lượng nước đổ về sông Chà Và nhiều làm giảm độ mặn, lượng ôxy trong nước cũng giảm đột ngột. Hiện tượng này diễn ra đã nhiều năm, chủ yếu xảy ra vào mùa mưa và nuôi càng nhiều thì số cá chết càng lớn…

Kết luận trên chưa làm hài lòng người dân Long Sơn vì nhiều người cho rằng, đã có sự tác động của hoạt động xả thải từ các cơ sở chế biến hải sản “chui” và sự làm ngơ của các cơ quan chức năng. Một người dân có thâm niên nuôi cá lồng bè tại Long Sơn cho biết: “Nước sông Chà Và có màu xanh kỳ lạ và bọt cũng nhiều hơn, chứng tỏ hàm lượng chất Clo trong nước tăng cao bất ngờ”. Ngày 13-10, lãnh đạo Sở TN-MT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng nêu giả thuyết, cá chết có thể do tồn dư chất xả thải từ trước, cộng hưởng với các nguồn nước khác, trong đó có nước mưa.

Do đó, dù nguyên nhân do đâu thì sự quản lý lỏng lẻo của ngành chức năng về môi trường và chính quyền địa phương, đang đặt việc mưu sinh của 250 hộ dân trước ván bài mà sự thua thiệt luôn nghiêng về phía ngư dân.

Mong mỏi của người dân Long Sơn là UBND tỉnh và các ngành chức năng cần thực sự vào cuộc với tinh thần “vì dân” để môi trường nước sông Chà Và sớm trở lại bình thường, giúp dân có thể tái sản xuất và yên tâm sinh sống ổn định bằng nghề nuôi cá lồng bè như trước.

VĂN PHONG

Tin cùng chuyên mục