Vinastas vi phạm trong công bố về nước mắm, cần phải xử lý nghiêm

Vinastas vi phạm trong công bố về nước mắm, cần phải xử lý nghiêm

>> Bộ NN-PTNT bác bỏ thông tin của Vinastas về nước mắm

>> Có chăng "cuộc chiến" giữa nước mắm truyền thống và công nghiệp?

(SGGPO).- Sáng 20-10, bên hành lang Quốc hội, ông Nguyễn Sỹ Cương, đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận cho rằng, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) không có quyền công bố những thông tin về hàm lượng asen trong nước mắm. Bởi đây là việc thuộc thẩm quyền của cơ quan quản lý Nhà nước và khi mà cơ quan quản lý Nhà nước chưa có kết luận chính thức thì người tiêu dùng không nên lo ngại quá mức trước một thông tin không đáng tin cậy.

Ông Nguyễn Sỹ Cương, đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận

Ở đây, cấp có thẩm quyền công bố chất lượng sản phẩm có ảnh hưởng đến sức khỏe con người hay không là thuộc Bộ Y tế hoặc cơ quan được Bộ Y tế ủy quyền, còn nếu tự ý làm thì “rất có thể có hiện tượng tiêu cực”.

Với tư cách là người tiêu dùng, ông Nguyễn Sỹ Cương khẳng định, việc làm của Vinastas là vi phạm pháp luật, cần phải xử lý nghiêm khắc để làm gương.

Vẫn đại biểu Cương cho biết, tới đây, khi Quốc hội xem xét thông qua Luật về Hội, ông sẽ tham gia góp ý về thẩm quyền của Hội. "Những Hội nào là tham gia vào quản lý Nhà nước và anh phải được cơ quan có thẩm quyền quản lý thế nào. Hội không thể làm thay cơ quan quản lý Nhà nước được", đại biểu Cương nhận định.

Trả lời câu hỏi về việc có ý kiến đặt nghi vấn về việc “Liệu có ai đó đứng sau việc công bố chất lượng nước mắm của Vinastas nhằm tiêu diệt ngành nước nắm truyền thống”, ông Cương đáp: "Để xác định chính xác thì phải có cơ quan điều tra vào làm việc, nhưng rất có thể có hiện tượng đó".

Một cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống ở Phú Quốc. Ảnh: T.L

Trước đó, chiều 17-10, Vinastas đã công bố kết quả kiểm nghiệm mẫu nước mắm lấy trên thị trường. Ông Vương Ngọc Tuấn, Phó Tổng Thư ký Vinastas, cho biết, cuộc khảo sát thực hiện tại 19 tỉnh, thành phố với 150 mẫu nước mắm đóng chai. Kết quả, 125/150 mẫu có ít nhất 1 trong 5 chỉ tiêu không đạt. Trong đó, 51% mẫu có độ đạm thấp hơn nhãn hàng công bố; 20% mẫu không đạt chỉ tiêu nitơ axít amin. Có 67,3% mẫu nhiễm asen (thạch tín) vượt ngưỡng quy định của Bộ Y tế, tương đương 101/150 mẫu khảo sát với hàm lượng asen tổng dao động trên 1-5 mg/lít. Mẫu độ đạm càng cao, tỉ lệ nhiễm asen càng lớn. Cụ thể, 95,65% mẫu có độ đạm từ 40 trở lên đều có hàm lượng thạch tín vượt ngưỡng quy định. Thông tin nêu trên phát đi từ Vinastas đã gây hoang mang dư luận.

ANH PHƯƠNG ghi

Tin cùng chuyên mục