Hiến kế thoát nghèo

Phường 2, quận 4 (TPHCM) có nhiều cư dân thuộc nhóm lao động phổ thông, buôn bán nhỏ, đời sống còn nhiều khó khăn. Chính quyền phường 2 đã quan tâm tìm giải pháp thiết thực giúp dân thoát nghèo.
Hiến kế thoát nghèo

Phường 2, quận 4 (TPHCM) có nhiều cư dân thuộc nhóm lao động phổ thông, buôn bán nhỏ, đời sống còn nhiều khó khăn. Chính quyền phường 2 đã quan tâm tìm giải pháp thiết thực giúp dân thoát nghèo.

Huy động nguồn lực trong dân

Suốt 5 năm hành nghề làm móng tay dạo với bộ đồ nghề chỉ là một chiếc giỏ nhỏ đựng vài cái kềm cắt, vài lọ sơn, mỗi ngày chị Lê Thị Kim Thảo chỉ làm được mấy bộ móng, thu nhập từ 50.000 đến 70.000 đồng/ngày. Trong khi mọi chi tiêu của gia đình và 3 người con ăn học đều phụ thuộc vào thu nhập của chị, nên lúc nào cũng thiếu trước hụt sau, phải chạy ăn từng bữa. Từ khi được phường giúp vốn không hoàn lại để trang bị thêm đồ nghề và được sắp xếp chỗ làm việc cố định, chị Thảo đã tăng lượng khách hàng, thu nhập ổn định hơn nhiều.

Chị Thảo kể: “Bao nhiêu năm chật vật chạy ăn từng bữa, đã có lúc tôi muốn buông xuôi, cho các con nghỉ học. May nhờ được địa phương giúp đỡ, tôi có tủ đồ nghề đa dạng hơn và một không gian nhỏ ở tầng trệt chung cư Tôn Thất Thuyết (quận 4) để kiếm sống. Các em đoàn viên và các chị ở hội phụ nữ còn vận động mọi người tạo điều kiện, giúp đỡ, nên tôi có lượng khách tăng lên nhiều, thu nhập khoảng trên 200.000 đồng/ngày. Nhờ đó cuộc sống gia đình tôi đỡ hơn, các con tôi tiếp tục được đến trường”.

Ông Nguyễn Ngọc Bích, Phó chủ tịch UBND phường 2, cho biết: “Hồi tháng 4-2014, trên địa bàn phường còn 158 hộ nghèo và cận nghèo. Địa phương đã dồn sức giúp nhiều hộ thoát nghèo vươn lên thành hộ khá. Song cũng còn 123 hộ chưa có mô hình sản xuất - kinh doanh phù hợp, nên vẫn thuộc diện nghèo và cận nghèo. Với quyết tâm giúp người dân thoát nghèo, tháng 3-2015 phường đã phát động cuộc thi “Hiến kế thoát nghèo” trong toàn phường, để tạo điều kiện giúp người nghèo tiếp cận được các nguồn lực, giải pháp, mô hình sinh kế thích hợp. Phường cung cấp danh sách 123 hộ thuộc diện nghèo và cận nghèo để các đối tượng dự thi (gồm nhân dân, đoàn viên TNCS, hội viên hội phụ nữ, cán bộ công nhân viên chức, Ban điều hành khu phố, tổ dân phố trong phường) chọn và tìm hiểu các gia đình, từ đó sẽ hiến kế cụ thể cho từng hộ. Đó cũng là cơ sở để vận động các đơn vị, mạnh thường quân trên địa bàn phường đóng góp chung tay hỗ trợ người nghèo vươn lên. Sau 1 tháng phát động cuộc thi, phường đã nhận được 49 hiến kế; qua 4 tháng áp dụng đã giúp 27 hộ thoát nghèo và cận nghèo, có thu nhập khoảng 4 triệu đồng/tháng trở lên.

Anh Trần Kiến Nguyên (người ngồi) được giúp vốn làm nghề sửa xe

Tạo sự gắn kết

Nói về ý tưởng phát động cuộc thi “Hiến kế thoát nghèo”, ông Bích cho biết thực tế trên địa bàn có rất nhiều người làm kinh tế giỏi, vì vậy phường phát động cuộc thi để huy động sự sáng tạo, kinh nghiệm làm kinh tế trong dân và để người dân gắn kết với nhau, tương trợ, cùng nhau xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn. Qua cuộc thi, nhiều gia đình hiện chỉ có người già và trẻ nhỏ đã được các mạnh thường quân chủ động đề nghị hỗ trợ một phần chi phí sinh hoạt. Có gia đình được tặng phiếu ăn cơm miễn phí hàng ngày của một quán ăn gần đó. Cũng có những gia đình kinh doanh quán ăn, quán cà phê đã sẵn sàng chia sẻ bí quyết trong việc chế biến món ăn, pha chế đồ uống, cách sắp xếp không gian quán và giữ gìn vệ sinh an toàn thực phẩm để thu hút đông khách hơn. Đặc biệt, nhiều mạnh thường quân, tổ chức, đơn vị trên địa bàn đã nhiệt tình đóng góp tiền để phường có ngân sách hỗ trợ các gia đình thay đổi cách làm kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Chị Nguyễn Thị Nhã Thu, cán bộ chuyên trách giảm hộ nghèo - tăng hộ khá phường 2, chia sẻ: “Chỉ sau 3 tháng áp dụng các kế của người dân, kinh tế của các gia đình được thụ hưởng đã chuyển biến rõ rệt. Không chỉ dừng lại ở việc giúp các gia đình thoát nghèo, chúng tôi và người hiến kế cùng thống nhất sẽ theo sát và hỗ trợ kịp thời như giúp tìm lớp dạy nghề miễn phí để họ nâng cao tay nghề, hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp để các hộ phát triển kinh tế bền vững, ổn định hơn và trở thành hộ khá”.

Ngoài ra, có nhiều gia đình tuy không nằm trong nhóm hộ nghèo, cận nghèo nhưng qua cuộc thi, họ cũng tự áp dụng  những sinh kế phù hợp vào mô hình kinh doanh của gia đình mình để phát triển hơn.

THU HƯỜNG

Tin cùng chuyên mục