Tỉnh táo tiếp nhận thông tin

Trên Facebook gần đây, có người trích đăng một đoạn phát biểu của một vị lãnh đạo tại cuộc tiếp xúc cử tri, có mở ngoặc đơn ghi rõ là thông tin đăng trên báo ngày nào. Dù có ghi chú rõ nguồn thông tin, nhưng người đọc tỉnh táo sẽ thấy ngờ vực ngay, vì lẽ nào một vị lãnh đạo cao cấp phát biểu bất cẩn như vậy.

Giở lại trang báo ngày đó, tìm đọc kỹ nhiều lần, không hề thấy có câu phát biểu đó. Hóa ra những kẻ mưu mô đang sẵn sàng bịa đặt, dựng đứng, xuyên tạc sự thật, không từ một thủ đoạn nào, nhằm qua mặt, lừa bịp người đọc để kích động dư luận, ly gián, gây tâm lý bất mãn, chia rẽ. Trước đó, qua vụ án nhóm Thánh Cô Cô Bóc chuyên đưa lên mạng những thông tin bịa đặt để thóa mạ, bôi nhọ giới showbiz, đã cho thấy có những kẻ trơ tráo sẵn sàng làm chuyện đê hèn và phạm pháp để kiếm ăn bằng cách dựng chuyện hãm hại, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác.

Những ngày qua, người tham gia mạng xã hội đã phải nhức đầu ngao ngán khi thấy nhiều người đang hăm hở “phanh phui sự thật”, vẽ vời đủ thứ kịch bản giật gân, kích động đám đông, lôi cuốn nhiều người lên mạng xúm nhau kích bác, chửi rủa, chê trách.

Trong thời buổi bùng nổ thông tin, ai cũng dễ dàng tung thông tin lên mạng. Trong rừng thông tin dày đặc đó, có rất nhiều thông tin bịa đặt. Có người tung tin bịa đặt lên mạng chỉ vì thích đùa cợt; có người chỉ vì thích “chém gió”, có tin giật gân để “câu like” (được nhiều người vào đọc thông tin trên Facebook của mình và nhấn nút like); có người vì nhẹ dạ cả tin nên chia sẻ, bình luận thông tin khi chưa kiểm chứng. Xấu xa hơn, có người tung tin bịa đặt lên mạng vì động cơ lừa đảo, để trả thù cá nhân hay cạnh tranh không lành mạnh. Nham hiểm hơn, có người còn tung tin bịa đặt lên mạng để lũng đoạn thông tin, lũng đoạn nhân tâm, chống phá, gây mất an ninh chính trị và trật tự xã hội. Rõ ràng không ai muốn mình là nạn nhân của các nhóm đối tượng vừa nêu, nhưng vì sao lại có rất nhiều người vẫn tiếp nhận và tiếp tay tung tin bịa đặt lên mạng? Đơn giản là do cách tiếp cận và nhìn nhận vấn đề, nên khi xử lý những dữ liệu là những mảnh vụn nhặt nhạnh từ trên mạng, đã như thầy bói mù xem voi. Một nửa sự thật đã không phải là sự thật, huống chi là đoán già đoán non từ những mảnh ghép không rõ nguồn gốc.

Mạng xã hội có rất nhiều thông tin bổ ích, nhưng với điều kiện người đọc thông tin phải biết tự sàng lọc, kiểm chứng thông tin để biết thông tin nào là tin cậy, thông tin nào cần cảnh giác.

Để những thông tin bịa đặt không còn cơ hội hoành hành trên mạng, mỗi người tham gia mạng xã hội cần đúc kết cho mình bài học phải tỉnh táo, biết cảnh giác, đừng vội tiếp nhận và chia sẻ thông tin mà không kiểm chứng nguồn cung cấp. Về phía các cơ quan chức năng, cần chủ động cung cấp thông tin chính xác, kịp thời và thuyết phục để dư luận nhân dân không bị hoang mang, suy diễn và không bị nhiễu. Bên cạnh đó, khi cần thiết, cả hệ thống chính trị phải vào cuộc với ý thức trách nhiệm cao, nhanh chóng vạch trần mọi thủ đoạn của kẻ xấu.

HUỲNH THANH LUÂN

Tin cùng chuyên mục