Thu phí xe máy - còn ý kiến trái chiều

Thu phí xe máy - còn ý kiến trái chiều

Ngày đầu tiên kỳ họp thứ 18 HĐND TPHCM khóa VIII

Sáng 28-7, kỳ họp thứ 18 HĐND TPHCM khai mạc dưới sự chủ trì của Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm.

Tại đây, UBND TP báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2015; kết quả giải quyết kiến nghị cử tri từ sau kỳ họp thứ 16 đến nay; báo cáo tờ trình về kinh phí hoạt động và chế độ chính sách đối với đội công tác xã hội tình nguyện phường, xã, thị trấn; tờ trình phương án thu lệ phí cấp mới giấy đăng ký kèm theo biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; HĐND TP báo cáo thẩm tra các tờ trình của HĐND TP; Thường trực HĐND TP báo cáo kết quả giám sát việc triển khai thực hiện chỉ tiêu phấn đấu 100% hộ TP được sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh…

Cái gì an dân hãy làm

Chiều cùng ngày, các đại biểu (ĐB) tiến hành thảo luận tổ tình hình kinh tế - xã hội TP 6 tháng đầu năm 2015. Vấn đề thu phí xe máy, ùn tắc, tai nạn giao thông…nóng lên tại các tổ thảo luận.

Quỹ bảo trì đường bộ đã có tờ trình Chính phủ về việc tạm dừng thu phí bảo trì đường bộ. TPHCM cân nhắc nên tạm dừng để chờ ý kiến của Chính phủ hay tiếp tục thu để đảm bảo thực hiện đúng quy định của pháp luật? Đặt trong tình cảnh trên, vấn đề thu phí xe máy tại TPHCM còn nhiều ý kiến.

Với quan điểm nên dừng thu phí xe máy, ĐB Văn Đức Mười cho rằng, thu phí xe máy hiện này là chưa hợp lòng dân. Qua tiếp xúc cử tri cho thấy người dân không đồng tình. Đặc biệt là các tổ dân phố không có quyền gì cũng đi thu. “Tôi cho rằng, nếu thu phí này là chưa đúng thì nên kiến nghị dừng thu”, ông Mười phát biểu.

Đồng tình, ĐB Ngô Minh Châu cho biết, cũng qua tiếp xúc cử tri, người dân đều rất mong muốn nhà nước không thu khoản phí này. Không những thế, việc tổ chức thực hiện thu phí hiện nay cũng còn có nhiều vấn đề gây bất bình trong dân. “Cụ thể là người dân nộp cũng được, không nộp cũng chẳng sao. Vấn đề không phải là thu bao nhiêu mà phải đồng bộ, mọi người dân đều phải được bình đẳng như nhau. Vừa rồi Quỹ Bảo trì đường bộ đã có văn bản kiến nghị Chính phủ dừng thu là rất hợp lòng dân, chúng ta nên xem xét vấn đề theo hướng này”, ĐB Châu kiến nghị.

Đại biểu Ngô Minh Châu phát biểu tại thảo luận tổ. Ảnh: Việt Dũng

Ở góc nhìn khác, ĐB Nguyễn Văn Đua (nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy) phân tích: Mỗi loại phí đều có tác dụng, luật minh định chuyện đó rồi. Phải huy động nguồn lực xã hội đề phát triển giao thông. Hệ thống giao thông hiện nay chưa đáp ứng được, đó là sự thực. “Trong tiếp xúc cử tri có hai luồng ý kiến, tại sao tỉnh này tỉnh kia thu mà TP không thu, nếu lắng nghe ý kiến của dân thì đâu phải chỉ có ý kiến là không thu. ĐB Nguyễn Văn Đua cho rằng, nhiều địa phương khó khăn hơn TPHCM cũng đã thực hiện việc thu phí đường bộ. Do đó, UBND TP phải suy nghĩ việc tổ chức thực hiện thu phí như thế nào cho hiệu quả. HĐND TP phải giám sát UBND TP thu như thế nào để đảm bảo đúng mục đích, đúng đối tượng, nhanh gọn và minh bạch.

Theo ĐB Trần Trọng Dũng, cái gì an dân thì làm. “Tôi đồng ý thực hiện như phương án của Đà Nẵng là tạm dừng”. Theo đề nghị của ĐB này, trường hợp cần thiết, tiến hành lấy phiếu thăm dò xem có bao nhiêu kiến nghị Chính phủ dừng? Bao nhiêu ý kiến đồng ý chờ đến khi Chính phủ có quyết định. “TP mình có truyền thống dám nghĩ dám làm. Kiến nghị dừng mà có lợi cho dân thì kiến nghị”, ĐB Dũng bày tỏ quan điểm.

Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng, HĐND rất quan tâm đến vấn đề này. Nếu TP có thẩm quyền thì HĐND sẽ quyết định không thu khoản phí này. Tuy nhiên, việc thu phí đã được quy định trong luật, có nghĩa là luật đã quy định thì TPHCM không thể không thực hiện. TP là một trong những địa phương chậm nhất trong việc thu phí xe máy và TP phải rút kinh nghiệm về việc chậm trễ này. Hiện nay, mặc dù Quỹ bảo trì đường bộ đã có tờ trình lên Chính phủ nhưng đó mới chỉ là kiến nghị, Chính phủ chưa có ý kiến thì vẫn phải chờ. Trong quá trình này, TP vẫn thu phí theo quy định. Vấn đề là phải tổ chức thực hiện như thế nào để đảm bảo hiệu quả và minh bạch. “Tuy nhiên, tôi vẫn có niềm tin vào ý thức chấp hành pháp luật của người dân TP. Làm sao để động viên nhân dân chấp hành pháp luật cho tốt”, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm bày tỏ.

Nói không kẹt xe sao dân tin?

Dẫn từ báo cáo kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, ĐB Lâm Thiếu Quân cho rằng, số liệu báo cáo của UBND TPHCM trong 6 tháng đầu năm không xảy ra vụ kẹt xe nào quá 30 phút, con số này không đáng tin cậy. ĐB dẫn chứng cụ thể vụ kẹt xe nghiêm trọng suốt 6 tiếng vào ngày 16-1, và 3 ngày sau cũng trên xa lộ Hà Nội lại tiếp tục kẹt xe trầm trọng. “Vậy mà nói không có vụ ùn tắc nào trên 30 phút. Nói vậy làm sao dân tin được?”, ĐB Lâm Thiếu Quân bày tỏ. ĐB Quân cho rằng ông đã nhiều lần kiến nghị kiểm tra lại hệ thống đo đếm ùn tắc giao thông, vì nếu tính toán kiểu này thì dân không thể tin.

Cũng liên quan đến vấn đề an toàn giao thông, ĐB Trần Quang Thắng nêu rằng, nhiều người lưu thông trên đường bất chấp luật lệ, hướng nào cũng chạy. Ông đề nghị cần có giải pháp chấn chỉnh thực trạng này để giảm bức xúc, bất an, áp lực trong cuộc sống. Trước đó, sáng cùng ngày, góp ý công tác xây dựng chính quyền TP, đại diện UBMTTQ TPHCM cũng phản ánh tình trạng xe tải trọng lớn gây tai nạn càng nhiều. Trong đó, có nguyên nhân tài xế chủ quan, phóng nhanh vượt ẩu, thậm chí nhiều trường hợp sử dụng chất kích thích khi lái xe nên đề nghị thắt chặt việc cấp phép lái xe đối với loại xe trọng tải lớn này; kiểm tra, giám sát hoạt động đăng kiểm…

Cấp nước sạch: Khó đạt chỉ tiêu trong năm nay

Chỉ tiêu phấn đấu 100% các hộ dân TP được sử dụng nước sạch hoặc nước hợp vệ sinh trong năm nay được các ĐB cho rằng khó đạt vì đến thời điểm hiện tại còn 350.000 hộ dân thiếu nước sạch. ĐB Nguyễn Tấn Tuyến cho biết, kết quả khảo sát 6 tháng đầu năm cho thấy toàn địa bàn huyện Bình Chánh chỉ 51% số hộ dân được sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh, trong đó đa phần là nước giếng khoan. “Chúng tôi cho rằng, phấn đấu lắm thì đến cuối năm 2015 toàn địa bàn huyện Bình Chánh chỉ đạt tối đa 65% hộ được sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh”, ông Tuyến nhận định.

ĐB Thi Thị Tuyết Nhung, Phó trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP cho biết thêm, khi đến nhiều khu vực tại huyện Bình Chánh và Nhà Bè, rất nhiều hộ dân ở đây vẫn đang sử dụng nước phèn mặc dù địa bàn này nằm rất gần khu Nam Sài Gòn - khu đô thị được xem là hiện đại nhất cả nước. Liên quan đến việc cư dân khu đô thị mới Trung Sơn (ấp 4B, xã Bình Hưng) phải đóng tiền nước rất cao mới được sử dụng nước sạch sinh hoạt, một đại biểu HĐND TP đề nghị các ngành liên quan nêu ra giải pháp để khắc phục tình trạng trên.

Trả lời những vấn đề trên, ông Bạch Vũ Hải, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) cho biết, tình trạng người dân nhiều khu dân cư mới đang phải chịu giá nước rất cao là do chủ đầu tư lấn cấn trong việc bàn giao mạng lưới cung cấp cho ngành cấp nước. Để giải quyết tình trạng người dân sử dụng nước giá cao Sawaco sẽ cung cấp nước cho người dân thông qua đồng hồ cái với mức giá theo đúng quy định.

Bà Đặng Thị Hồng Liên, Chủ tịch UBND quận 9 cho biết, quận 9 là đơn vị đầu tiên của TPHCM thu phí xe máy. Qua thực tế triển khai, toàn quận 9 có khoảng 84.000 xe cần kê khai nhưng chỉ có 43.700 xe nộp bản kê khai. Ban đầu quận tổ chức thu tại phường, sau đó có ý kiến nói thu ở phường khó nên quận lập tổ công tác thu tại khu phố, thu vào ngày nghỉ. Gần 1 tháng thu được khoảng 1,2 tỷ đồng của 13.000 xe, chiếm khoảng 17% số phương tiện trên địa bàn. Tuy nhiên, theo bà Liên, hiện quận 9 đã tạm ngừng thu để đợi ý kiến chỉ đạo của TP.

VÂN ANH

Tin cùng chuyên mục