Nguy cơ từ cháy cây cỏ khô

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn TPHCM liên tục xảy ra các vụ cháy cây lâm nghiệp phân tán, cháy cỏ khô, uy hiếp những cánh rừng phòng hộ lân cận, tài sản và tính mạng của người dân trong các khu dân cư liền kề. Tình trạng buông lỏng công tác quản lý, giám sát an toàn PCCC ở nhiều địa phương đang đẩy nguy cơ cháy cỏ, cháy rừng lên mức báo động khi những cơn nắng nóng vẫn rất gay gắt.
Nguy cơ từ cháy cây cỏ khô

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn TPHCM liên tục xảy ra các vụ cháy cây lâm nghiệp phân tán, cháy cỏ khô, uy hiếp những cánh rừng phòng hộ lân cận, tài sản và tính mạng của người dân trong các khu dân cư liền kề. Tình trạng buông lỏng công tác quản lý, giám sát an toàn PCCC ở nhiều địa phương đang đẩy nguy cơ cháy cỏ, cháy rừng lên mức báo động khi những cơn nắng nóng vẫn rất gay gắt.

Đám cháy cây phân tán vào đêm 10-3 tại khu vực dự án Sing - Việt.

Ý thức kém, quản lý lỏng

Chỉ trong 4 tháng đầu năm 2015, TPHCM đã xảy ra hàng trăm vụ cháy cỏ, cháy cây lâm nghiệp trồng phân tán, trong đó huyện Bình Chánh có hơn 60 vụ, tập trung chủ yếu ở các xã Tân Kiên, Phong Phú, Tân Nhựt, Lê Minh Xuân. Nóng nhất hiện nay là khu 300ha của Dự án Sing - Việt ở ấp 2, xã Lê Minh Xuân. Do bỏ hoang nhiều năm, khu đất này hình thành nên những thảm cỏ và những tán rừng phân tán với đủ các loại cây lâm nghiệp như: tràm bông vàng, tràm cừ, bạch đàn bên dưới có lớp thực bì dày đặc. Trong khi đó, chính quyền sở tại và chủ đầu tư lại thiếu ý thức quản lý chặt chẽ, không khoanh vùng, cô lập khu vực nên người dân thường xuyên ra vào đốt tranh lấy củ, đốt cây phân tán lấy củi gây cháy lan, cháy lớn. Chỉ riêng khu đất của dự án Sing - Việt đã xảy ra hơn chục vụ cháy!

Thực tế trên không chỉ đe dọa hàng trăm hécta rừng phòng hộ lân cận mà còn uy hiếp đến tính mạng của hàng chục hộ dân sống trong khu vực. Chiều 10-3, một người dân vào đốt cỏ tại khu vực 300ha khiến lửa cháy lan rộng ra nhiều hécta, Cảnh sát PCCC huyện Bình Chánh phải huy động hàng trăm cán bộ, chiến sĩ với hàng chục xe nước chữa cháy để dập lửa nhưng phải đến rạng sáng 11-3 đám cháy mới được khống chế; người dân ấp 2 phải thức trắng đêm để di chuyển đồ đạc, vật dụng trong nhà ra xa khu vực xảy ra cháy. Nguy hiểm là vậy nhưng đến nay, địa phương vẫn chưa có phương án ngăn chặn hiệu quả. Trong các ngày 10, 11, 15 và 17-3, tại khu vực này liên tục xảy ra cháy lớn, gây bất an cho người dân. Ông Nguyễn Minh Tân, ngụ ấp 2, xã Lê Minh Xuân, lo lắng: “Gần như ngày nào ở khu 300ha cũng xảy ra cháy. Do lớp thực bì khô dày nên lửa cháy lan rất nhanh. Vụ cháy vào đêm 10-3 suýt thiêu rụi hàng chục nhà dân. Ngay lúc này, nếu ngành chức năng không có giải pháp hiệu quả, e rằng hậu quả đáng tiếc sẽ xảy ra”.

Không chỉ ở Bình Chánh, qua ghi nhận của chúng tôi, hiện nay trên địa bàn quận 9, huyện Hóc Môn và Củ Chi cũng tồn tại hàng trăm khu vực cây lâm nghiệp phân tán, những đồng cỏ khô có nguy cơ cháy cao tương tự. Dự án Khu đô thị Tây Bắc thuộc ấp Nhị Tân 2, xã Tân Thới Nhì, huyện Hóc Môn là nơi có nhiều đồng cỏ khô, cây phân tán, được cảnh báo nhiều lần về nguy cơ cháy. Tuy vậy đến nay, công tác an toàn phòng cháy chữa cháy của ngành chức năng và địa phương ở đây gần như bỏ ngỏ. Liên tiếp trong các ngày 8 và 10-4, ở khu vực này đã xảy ra cháy lớn, uy hiếp cuộc sống, sinh hoạt của hàng trăm hộ dân xung quanh.

Người dân ấp 2, xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh khẩn trương di chuyển tài sản ra xa đám cháy trong vụ cháy cây phân tán ở khu vực dự án Sing - Việt vào đêm 10-3

Tạo lằn ranh ngăn cháy

Đánh giá về tình hình cháy cỏ, cháy cây phân tán trên địa bàn hiện nay, Trung tá Hồ Công Bình, Phó trưởng Phòng Cảnh sát PCCC huyện Bình Chánh, cho rằng rất đáng báo động. Trên thực tế, các vụ cháy cỏ, cháy cây phân tán thường ít gây thiệt hại về tài sản, tuy nhiên nếu không được ngăn chặn, dập tắt kịp thời thì hậu quả để lại còn nghiêm trọng hơn so với các vụ cháy khác. “Các đám cỏ khô, cây phân tán bỏ hoang cháy rất nhanh. Các khu đất này thường nằm xen cài trong khu dân cư, liền kề với rừng phòng hộ, do đó nếu xảy ra cháy sẽ rất khó dập tắt. Nếu xảy ra cháy lan, hậu quả sẽ rất nghiêm trọng”, ông Bình nói. Để ngăn chặn hiệu quả tình trạng cháy cỏ, cháy rừng trên địa bàn, thời gian qua, Phòng Cảnh sát PCCC huyện Bình Chánh đã tham mưu cho UBND huyện Bình Chánh yêu cầu chủ đầu tư các dự án cần che chắn, cô lập khu vực, không để người dân tự do ra vào đốt cỏ, đốt cây phân tán gây cháy. Mặt khác, đơn vị cũng hướng dẫn lực lượng bảo vệ dân phố, các phường phát hoang, tạo ranh ngăn cháy để phòng ngừa cháy lớn, cháy lan khi sự cố xảy ra. Đồng thời chỉ đạo cán bộ địa bàn theo dõi chặt chẽ, nhắc nhở người dân nâng cao ý thức, không được tự ý đốt rừng.

Trong khi đó, Cảnh sát PCCC TPHCM đang phối hợp cùng Bộ Tư lệnh TP, Chi cục Kiểm lâm TP tăng cường kiểm tra, giám sát việc phát dọn thực bì, tạo đường băng cản lửa và tổ chức đốt có kiểm soát các loại cây, thảm thực vật ở các khu vực có cây phân tán; phối hợp với UBND các quận huyện có nhiều khu vực thảm cỏ, cây phân tán lập các chốt theo dõi và chữa cháy tại chỗ để kịp thời xử lý các sự cố, vụ cháy xảy ra.

PHẠM MINH

Tin cùng chuyên mục