Giới trẻ với trào lưu Vlog

Thời gian gần đây, hàng loạt Vlog (Video blog) của các bạn trẻ làm mưa làm gió trên cộng đồng mạng, thể hiện những suy nghĩ, chia sẻ dưới lăng kính cá nhân về cuộc sống, xã hội. Không ít Vlog mang lại tiếng cười sảng khoái, giàu tính thẩm mỹ, sâu sắc nhưng hóm hỉnh, đọng lại trong tâm trí người xem nhiều trăn trở, suy ngẫm.
Giới trẻ với trào lưu Vlog

Thời gian gần đây, hàng loạt Vlog (Video blog) của các bạn trẻ làm mưa làm gió trên cộng đồng mạng, thể hiện những suy nghĩ, chia sẻ dưới lăng kính cá nhân về cuộc sống, xã hội. Không ít Vlog mang lại tiếng cười sảng khoái, giàu tính thẩm mỹ, sâu sắc nhưng hóm hỉnh, đọng lại trong tâm trí người xem nhiều trăn trở, suy ngẫm.

Vừa vui chơi, vừa kiếm tiền

Ngày 1-4, lướt qua một số Vlog đang nổi như cồn hiện nay, có thể thấy, với sức hút lên tới hàng triệu lượt người xem, Vlog đang dần trở thành một kênh vui chơi hấp dẫn, tiềm năng cho không ít bạn trẻ. Có Vlog thu hút trên 5 triệu lượt người xem.

Trong số những Vlog đình đám của Việt Nam, Vlog Toàn Shinoda (tên thật Trần Vũ Toàn, đã mất năm 2014), được xem như người đi tiên phong trong phong trào Vlog. Bản tin Tí Quỵ của Toàn Shinoda phát năm 2014 thu hút 1.163.043 lượt xem. Kế đến, “Bán hàng đa cấp” trong Vlog 17 cũng khiến khán giả hả hê, thu hút khoảng 748.000 lượt người xem trên YouTube.

Với Vlog 17, Toàn Shinoda thể hiện góc nhìn hài hước, châm biếm đối với những ai có tư duy làm giàu nhanh, hốt bạc của thiên hạ trong thời gian ngắn, bằng mọi giá. Mở đầu clip là khung cảnh trao giải thưởng tại một công ty kinh doanh đa cấp, với pháo hoa, kim tuyến, nhiều phụ nữ vỗ tay, khóc sụt sùi, thậm chí có người ngất xỉu.

Trong clip, anh chàng Toàn làm tại Công ty TNHH Không học Tư duy chào mời mọi người: “Không học Tư duy cam kết và đảm bảo rằng các bạn sẽ mất đi những người thân nhất, người vợ đẹp nhất, trong một ngày gần đây nhất”. Kết thúc clip là bài hát của Toàn Shinoda “Bên kia đỉnh dốc, người ta đồn thế thôi…”, cùng hàng loạt lời khuyến cáo hãy trang bị kỹ kiến thức trước khi tham gia bán hàng đa cấp; đồng thời khẳng định không có con đường làm giàu chân chính nào nhanh chóng cả…

Cùng ngày, trao đổi nhanh với Báo SGGP, bạn Vũ Huy Khương (còn gọi là Khương Vũ, sinh năm 1987), đạo diễn nhóm Vlog Thích ăn phở, chia sẻ rằng: “Ban đầu nhóm chỉ làm chơi cho vui, nhưng sau đó thấy thích, rồi đam mê lúc nào không hay. Clip được nhiều người xem sẽ có các đơn vị quảng cáo tới làm việc trực tiếp với người quản lý kinh doanh của nhóm để bàn bạc về mức phí cụ thể.

Làm Vlog khá đơn giản, không đòi hỏi chất lượng hình ảnh đẹp, diễn xuất chuyên nghiệp nhưng cái khó nhất chính là ý tưởng, thông điệp từ Vlog gửi tới người xem. Đây được xem như sân chơi giải trí vui nhộn, hài hước dành cho giới trẻ”. Tuy vậy, Vũ Huy Khương nói rằng, Vlog mang đậm quan điểm cá nhân. Nếu như chỉ làm để bản thân xem cho vui thì không có gì đáng bàn, nhưng một khi đã tung lên mạng, chia sẻ cho nhiều người cùng xem thì nên cân nhắc thật kỹ. Vì khi đó, sản phẩm của mình chắc chắn sẽ chịu sự soi xét, giám sát của xã hội.

Các Vlog đình đám của Việt Nam được nhiều bạn trẻ truy cập. Ảnh: THI HỒNG

Xa lộ thông tin của giới trẻ

Nguyễn Thanh Tuấn (sinh năm 1995), học viên Trường Trung Cấp nghề Việt Giao TPHCM, nhìn nhận: “Một số Vlog trên mạng khá hay, hấp dẫn, đầy tính sáng tạo. Thông điệp của các bạn nhẹ nhàng, dí dỏm, phù hợp với lứa tuổi thanh thiếu niên. Tôi có thể học thêm ngoại ngữ thông qua một số Vlog”.

Đối với Mai Thị Ngọc Huệ, sinh viên Trường Đại học KHXH-NV Hà Nội, thì : “Xem Vlog để giải trí, cười chút cho vui. Cũng học thêm được một số điều từ các clip của Vlogger. Em cho rằng chỉ xem để đùa vui thôi chứ không phải clip nào cũng hay, cũng đáng xem. Vì thực tế cho thấy, không ít clip dung tục, chửi thề…”.

Có thể thấy, Vlog hiện nay được xem như món ăn tinh thần đầy mới lạ, ngẫu hứng đối với giới trẻ nói riêng, người dân trong xã hội nói chung. Thông qua Vlog, Vlogger thể hiện khát vọng, bày tỏ quan điểm của bản thân về mọi vấn đề trong xã hội. Ngoài việc được xem như kênh thông tin giải trí đầy ngẫu hứng, các bạn trẻ còn có thể kiếm thêm thu nhập.

Trường hợp Jvevermind (tên thật Trần Đức Việt, sinh năm 1992) là một trong những Vlogger tiêu biểu gặt hái thành công khi nhận giải thưởng YouTube Reward, dành cho các đối tác độc quyền của YouTube sở hữu trên 1 triệu lượt người theo dõi. Tất nhiên, nguồn lợi không nhỏ thu về từ quảng cáo trên YouTube đối với Trần Đức Việt cũng là một ẩn số đối với bạn đọc.

Bàn về các Vlog của giới trẻ hiện nay, thầy Lại Thế Vĩnh, giảng viên Trường Cao đẳng Phát thanh - Truyền hình II TPHCM, đánh giá: “Vlog phản ánh quan điểm, ý kiến cá nhân của các bạn trẻ, trong một xã hội công nghệ thông tin cực kỳ sôi động. Qua sức hút Vlog, cho thấy nhu cầu thực tế của giới trẻ mong muốn được tiếp cận với nguồn thông tin đa dạng, sinh động mà các kênh truyền thông, báo chí chính thống chưa thể hiện hết. Ở góc độ nào đó, các Vlogger còn thể hiện giùm giới trẻ tiếng nói người trong cuộc. Qua một số Vlog tôi từng xem có thể thấy được cách nhìn nhận, quan điểm cá nhân của một số bạn trẻ rất hay, sắc sảo. Thế nhưng, không phải Vlog nào cũng gần gũi, chân thực… Do vậy, người xem cần chủ động sàng lọc và chỉ nên xem Vlog như kênh giải trí đơn thuần, mang tính tham khảo cho vui”.

THI HỒNG

Tin cùng chuyên mục