Lãnh đạo Bộ LĐ-TB-XH gặp gỡ, lắng nghe ý kiến của công nhân về chính sách BHXH mới

Sáng 31-3, tại Công ty TNHH Pou Yuen Việt Nam (quận Bình Tân, TPHCM), lãnh đạo Bộ LĐ-TB-XH do Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp và đại diện Liên đoàn Lao động TPHCM, UBND quận Bình Tân đã có cuộc gặp, lắng nghe những phản ánh và kiến nghị của đại diện người lao động về chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) được quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2016.

Sáng 31-3, tại Công ty TNHH Pou Yuen Việt Nam (quận Bình Tân, TPHCM), lãnh đạo Bộ LĐ-TB-XH do Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp và đại diện Liên đoàn Lao động TPHCM, UBND quận Bình Tân đã có cuộc gặp, lắng nghe những phản ánh và kiến nghị của đại diện người lao động về chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) được quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2016.

Cuộc gặp diễn ra tại Trung tâm phục vụ công nhân trong khuôn viên Công ty TNHH Pou Yuen Việt Nam, với sự tham gia của gần 1.000 công nhân. Công nhân Nguyễn Minh Hùng, nêu ý kiến: “Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội gây khó cho người lao động muốn nhận BHXH một lần, vì trong thực tế có nhiều lao động với nhiều lý do khác nhau không thể đợi đến hết tuổi lao động để được nhận lương hưu hàng tháng”. Ý kiến của một nữ công nhân khác nêu: “Trong thời gian bảo lưu thời gian đóng BHXH không may người lao động từ trần, nói là thân nhân được hưởng thì phải nói rõ thân nhân cụ thể là ai, được hưởng theo mức nào, tới bao nhiêu tuổi thì thôi không được hưởng nữa”.

Thứ trưởng Bộ LĐTB-XH Doãn Mậu Diệp giải thích: Lãnh đạo bộ và các địa phương rất chia sẻ và lắng nghe phản ánh của người lao động để kịp thời kiến nghị với cơ quan thẩm quyền khi ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện luật tới đây cần cụ thể, rõ ràng và sát thực với từng đối tượng người lao động. Tuy nhiên, người lao động cần hiểu rõ hơn về những quy định của Luật Bảo hiểm xã hội ban hành lần này có nhiều điểm có lợi hơn cho người lao động. Cụ thể, Điều 60 quy định khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đã đóng BHXH được tích lũy thời gian đóng BHXH để có thể hưởng lương hưu hàng tháng khi đủ điều kiện về thời gian tham gia và đủ tuổi về hưu nhằm bảo đảm cuộc sống khi hết tuổi lao động, thay vì nhận BHXH một lần. Khi người lao động chưa hết tuổi lao động mà chấm dứt hợp đồng lao động phải nghỉ việc thì được giải quyết trợ cấp thất nghiệp, được hỗ trợ học nghề, tư vấn giới thiệu việc làm để có việc làm mới. Trường hợp không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc thì có thể tham gia BHXH tự nguyện để đủ điều kiện hưởng lương hưu với nhiều quy định mới tạo thuận lợi cho người lao động như: đóng một lần cho nhiều năm còn thiếu để hưởng lương hưu ngay khi hết tuổi lao động và hưởng một số khoản hỗ trợ khác theo khả năng, điều kiện và ngân sách Nhà nước của từng thời kỳ.

Về một số điểm tại Điều 66 được nhiều ý kiến người lao động đưa ra, Luật Bảo hiểm xã hội cũng có nhiều quy định có lợi cho người tham gia BHXH trong thời gian bảo lưu thời gian đóng BHXH nếu từ trần. Cụ thể, trong trường hợp này thân nhân người từ trần được hưởng chế độ tử tuất bao gồm trợ cấp mai táng bằng 10 tháng lương cơ sở tại thời điểm người lao động chết; nếu đóng đủ 15 năm trở lên mà chưa được hưởng BHXH một lần thì thân nhân được nhận trợ cấp tuất một lần bằng mức trợ cấp BHXH một lần. Như vậy, trong bất cứ trường hợp nào thì người lao động đều có lợi hơn so với nhận BHXH một lần.

Sau phần giải thích của Thứ trưởng Bộ LĐTB-XH Doãn Mậu Diệp, một nữ công nhân kiến nghị: “Đề nghị lãnh đạo bộ trả lời bằng văn bản cho công nhân chúng tôi”. Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp nói: “Phát biểu giải thích của tôi với anh chị em là công khai và được báo chí, đại diện chính quyền ghi nhận, giám sát. Lãnh đạo bộ và đại diện chính quyền địa phương cam kết với anh chị em công nhân luôn lắng nghe, kịp thời phản ánh những ý kiến vướng mắc để các văn bản hướng dẫn thi hành luật tới đây phù hợp với nguyện vọng của đại bộ phận người lao động. Mặt khác, trong quá trình thực hiện sẽ còn tiếp tục lắng nghe, điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện và thời điểm…”.

Nghe đến đây, phần đông công nhân đều đồng tình với cách giải thích của Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp. Cuộc gặp kết thúc trong không khí chia sẻ, hiểu biết hơn với những quy định mới của Luật Bảo hiểm xã hội.

Trước cuộc gặp với Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp, hơn 1.000 công nhân cũng đã có cuộc gặp và kiến nghị thẳng thắn nhiều vấn đề liên quan với ông Cử Phát Nghiệp, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Pou Yuen, trong đó có quy định về mức đóng BHXH. Với tư cách là đại diện cho người lao động, ông Nghiệp thông tin đầy đủ các khoản đóng BHXH mà công ty có nghĩa vụ thực hiện với người lao động. “Tôi cam kết với anh chị em, lãnh đạo công ty hàng tháng đều đóng đầy đủ các khoản về BHXH, BHYT cho người lao động, không thiếu một đồng nào. Anh chị em có thể liên hệ với BHXH TPHCM bất cứ lúc nào và nơi đây sẽ có trách nhiệm trả lời đầy đủ, cặn kẽ cho anh chị em” - ông Nghiệp khẳng định.

Nguyễn Thị Lan, ca 1 khu D: “Tôi mong các hướng dẫn thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội tới đây cần xem xét cho nhận BHXH một lần đối với các trường hợp đặc biệt như: đã đến tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đủ năm đóng BHXH; đau ốm không thể tiếp tục làm việc được nữa do nghề nghiệp nặng nhọc, trong khi không thể xin làm việc ở nơi khác; tăng tuổi hưởng tiền tuất cho thân nhân người lao động chết khi con của họ còn quá nhỏ”.

Lê Văn Mạnh, ca 2, khu B: “Khi có luật gì mới ban hành liên quan đến công nhân, tôi đề nghị tổ chức công đoàn phải kịp thời thông tin, giải thích đầy đủ cho người lao động, tránh có cái hiểu khác nhau. Công đoàn phải gần gũi, lắng nghe và hiểu hơn nữa những tâm tư, ý kiến của công nhân để có kiến nghị với lãnh đạo công ty và chính quyền địa phương hỗ trợ, giúp đỡ công nhân không chỉ về việc làm, mà còn đời sống, sinh hoạt, học tập, vui chơi giải trí…”.

HOÀI NAM

Tin cùng chuyên mục