Khởi động Chương trình “Cùng hành động tạo sự thay đổi”

Ngày 3-3, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam và hai Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã tổ chức khởi động chương trình “Cùng hành động tạo sự thay đổi”, nhằm hình thành một liên minh hành động chấm dứt các hoạt động buôn bán động vật hoang dã, đặc biệt là sừng tê giác.

(SGGPO).- Ngày 3-3, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam và hai Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã tổ chức khởi động chương trình “Cùng hành động tạo sự thay đổi”, nhằm hình thành một liên minh hành động chấm dứt các hoạt động buôn bán động vật hoang dã, đặc biệt là sừng tê giác.

Mục đích của chương trình là nhằm nâng cao nhận thức cho công chúng, làm giảm nhu cầu mua các sản phẩm từ động vật hoang dã; đồng thời cải thiện quan hệ song phương về an ninh môi trường.

Theo thống kê của các cơ quan bảo tồn quốc tế, trong vòng 40 năm qua, thế giới đã mất đi 52% các loài đa dạng sinh học trên trái đất. Một trong những nguyên nhân lớn nhất của sự mất mát này là do nạn buôn bán bất hợp pháp xuyên quốc gia. Cho đến nay, nạn buôn bán động vật hoang dã đã trở thành một ngành "công nghiệp" trị giá ước khoảng 20 tỷ USD.

Phát biểu tại sự kiện này, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Ted Osius nhấn mạnh: Sự bùng nổ của nạn buôn bán động vật hoang dã gần đây đang đe dọa đến sự sinh tồn của nhiều loài động vật quý hiếm, nhất là tê giác ở châu Phi. Hơn thế, việc vận chuyển động vật bất hợp pháp trên thế giới cũng tương tự với các hoạt động tội phạm khác như buôn người, vũ khí, ma túy qua biên giới, đồng thời tạo điều kiện cho các hoạt động khủng bố phát triển.

"Chương trình cùng hành động tạo sự thay đổi được tiến hành nhằm tạo ra thay đổi tích cực với hàng triệu người Việt Nam trong những tháng tiếp theo trước khi một sự kiện lớn sẽ được tổ chức vào mùa Thu năm 2015”, Đại sứ Hoa Kỳ Ted Osius cho biết.

Đại diện cơ quan quản lý Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát và Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Bùi Cách Tuyến cùng khẳng định, việc bảo vệ các loài nguy cấp khỏi nguy cơ tuyệt chủng bởi vấn nạn săn bắn, mua bán trái phép không chỉ cần có sự vào cuộc của các Bộ, cơ quan Chính phủ, mà còn cần sự tham của các tổ chức xã hội, tổ chức phi chính phủ và của mỗi người dân.

Kết quả chương trình khảo sát do Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) tiến hành tại các cơ sở kinh doanh, bao gồm nhà hàng, khách sạn, chợ, quán bar, quán rượu, cửa hàng thú cảnh và hiệu thuốc đông y trên địa bàn Hà Nội cho thấy những vi phạm về tiêu thụ động vật hoang dã còn khá phổ biến.

Trong tổng số 1.921 cơ sở kinh doanh được khảo sát trên địa bàn 6 quận của Hà Nội (quận Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Cầu Giấy và Long Biên), có 21% cơ sở khảo sát có dấu hiệu vi phạm.

Tính ra, cứ 10 cơ sở kinh doanh tại Hà Nội thì có tới 2 cơ sở có dấu hiệu vi phạm các quy định của pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã. Các cơ quan chức năng tại 6 quận trên địa bàn thành phố Hà Nội đã xử lý thành công 209 trong tổng số 408 cơ sở có dấu hiệu vi phạm, đạt tỷ lệ 51%.

Năm 2014 có 29 vụ việc có dấu hiệu vi phạm liên quan tới hành vi nuôi nhốt, bán hoặc quảng cáo các cá thể động vật hoang dã còn sống được ENV thông báo tới cơ quan chức năng thành phố Hà Nội. Nhưng chỉ có 31% số vụ việc nêu trên được xử lý thành công, dù các cơ quan chức năng đã có phản hồi về tất cả những vụ việc được thông báo. 

ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục