Quản lý vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp: Tránh tình trạng “lời ăn, lỗ dân chịu”

SGGPO).- Ngày 18-9, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị lấy ý kiến đóng góp của đại diện các ngành, đơn vị trên địa bàn thành phố về 3 dự thảo luật.

(SGGPO).- Ngày 18-9, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị lấy ý kiến đóng góp của đại diện các ngành, đơn vị trên địa bàn thành phố về 3 dự thảo luật.
 
Về dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) - dự kiến sẽ được thông qua vào kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII tới đây - các đại biểu thể hiện nhất trí cao với việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đối với nhóm đối tượng làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ 1 tháng đến dưới 3 tháng. Tuy nhiên, cần phải tăng cường quản lý quỹ bảo hiểm xã hội, quy định rõ về trách nhiệm triển khai quy định mở rộng đối tượng bảo hiểm. Về điều kiện hưởng lương hưu suy giảm khả năng lao động, nhiều ý kiến cho rằng việc tăng độ tuổi được hưởng lên 5 năm là không hợp lý. Bên cạnh đó, bà Tô Thị Thanh Hương, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP Hà Nội đề nghị nam đủ 50 tuổi, nữ đủ 45 tuổi trở lên có thời gian đóng BHXH 20 năm nếu bị suy giảm khả năng lao động 61% trở lên (giữ nguyên như luật hiện hành).
 
Bà Hương nói: “Thay vì tăng tuổi đối với các đối tượng này khi được hưởng lương hưu thì cần quy định chặt chẽ công tác giám định sức khỏe của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Vừa rồi ồ ạt có các đối tượng đi giám định sức khỏe để về hưu trước tuổi nhưng chúng ta phải xem bản chất vấn đề, công tác giám định này đã chính xác chưa”.

Chiều cùng ngày, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự và dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp. Đây cũng là 2 dự án luật dự kiến được thông qua tại kỳ họp thứ 8.

Các đại biểu tham dự hội nghị bày tỏ quan tâm đến quyền và nghĩa vụ của người thi hành án, thời hạn tự nguyện thi hành án...  Một số ý kiến cho rằng, quy định 10 ngày để tự nguyện thi hành án là quá ngắn, không phù hợp. Thời hạn 30 ngày như pháp lệnh trước đây là hợp lý để chấp hành viên căn cứ vào nội dung việc thi hành án lớn, nhỏ rồi cho thời hạn tự nguyện thi hành.

Liên quan đến dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, nhiều đại biểu nhấn mạnh yêu cầu đảm bảo hiệu quả đầu tư, tránh xảy ra tình trạng “lời ăn, lỗ dân chịu”. Theo ĐBQH Phạm Huy Hùng, cần quy định cơ chế kiểm tra, kiểm soát, giám sát có hiệu quả chất lượng kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước, các cơ quan đại diện, chủ sử dụng vốn nhà nước; cụ thể hóa trong Luật các chế tài để xử lý kịp thời người đại diện quản lý sử dụng vốn nhà nước trong kinh doanh để mất vốn, kinh doanh thua lỗ, không minh bạch làm sai lệch kết quả kinh doanh.
 
“Kiên quyết không để doanh nghiệp hoạt động kinh doanh yếu kém nhiều năm rơi vào khó khăn trầm trọng, thất thoát lớn rồi mới xử lý”, ĐB Phạm Huy Hùng yêu cầu.


ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục