Chăm sóc sức khỏe sinh sản, tình dục vị thành niên: Thực tế đáng lo ngại

Ngày 27-8, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (VHGDTNTNNĐ) của Quốc hội đã tổ chức hội nghị về việc thực hiện chính sách, pháp luật về chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục (SKSS/SKTD) vị thành niên, thanh niên nhằm hoàn thiện báo cáo kết quả khảo sát của ủy ban về vấn đề này.

Ngày 27-8, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (VHGDTNTNNĐ) của Quốc hội đã tổ chức hội nghị về việc thực hiện chính sách, pháp luật về chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục (SKSS/SKTD) vị thành niên, thanh niên nhằm hoàn thiện báo cáo kết quả khảo sát của ủy ban về vấn đề này.

Trẻ em bị xâm hại tình dục gia tăng

Theo ông Nguyễn Văn Tuyết, Phó Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTNTNNĐ, người vị thành niên và thanh niên (từ 10 đến 30 tuổi) tại Việt Nam chiếm gần 40% dân số. Bên cạnh những tiến bộ trong công tác chăm sóc SKSS, SKTD những năm gần đây, thực tế cũng đã nổi lên nhiều vấn đề đáng lo ngại. Trong đó, nhu cầu chưa được đáp ứng về tránh thai trong thanh niên rất cao: ở nhóm 15-19 tuổi lên tới 35,4% và nhóm 20-24 tuổi là 34,6%. Số cơ sở cung cấp dịch vụ SKSS/SKTD còn rất thiếu so với nhu cầu; chất lượng dịch vụ tư vấn và can thiệp chăm sóc sức khỏe sinh sản chuyên biệt còn hạn chế. Đặc biệt, các cơ sở y tế tư nhân cung cấp dịch vụ này chưa được quản lý, kiểm tra, giám sát thường xuyên.

Trong khi đó, nhận thức của vị thành niên, thanh niên về giới tính, tình dục an toàn và thực hiện phòng tránh thai rất thấp: chỉ có khoảng 20,7% vị thành niên, thanh niên sử dụng biện pháp tránh thai trong lần quan hệ tình dục đầu tiên. Tình trạng trẻ em bị xâm hại tình dục vẫn có xu hướng gia tăng và chưa được ngăn chặn (mỗi năm trên 1.000 vụ)...

Luật hóa nội dung về chăm sóc SKSS

Đây là ý kiến của Đoàn khảo sát, được nhiều ý kiến tại hội nghị đồng tình. Cụ thể, cần đưa nội dung về chăm sóc SKSS/SKTD vị thành niên, thanh niên vào Luật Thanh niên, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em theo hướng tiếp cận với quyền và trách nhiệm của vị thành niên, thanh niên; gắn với quy định rõ trách nhiệm của Nhà nước, các cơ quan, tổ chức có liên quan. Bổ sung quyền được giáo dục về giới tính, kỹ năng sống trong hệ thống trường học; quyền được tiếp cận với thông tin chính thống và dịch vụ SKSS/SKTD có chất lượng, thân thiện với vị thành niên và thanh niên...

Nghiên cứu xây dựng chiến lược quốc gia về SKSS/SKTD vị thành niên, thanh niên; đảm bảo nguồn tài chính phù hợp dành cho công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục; quy định cụ thể về khuyến khích, ưu tiên sử dụng đất đai, vay vốn... đối với các tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ tư vấn sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục vị thành niên, thanh niên; phòng chống HIV/AIDS... là những khuyến nghị mạnh mẽ được gửi tới Chính phủ. Với Bộ Y tế, một trong những chính sách quan trọng cần sớm ban hành là việc cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục thân thiện cho thanh niên chưa lập gia đình và thanh niên trong các khu công nghiệp, thanh niên di cư.

Th.S Trần Thị Ngọc Bích (Viện Chiến lược và chính sách y tế) kiến nghị cần nêu rõ trách nhiệm của Bộ GD-ĐT trong việc hướng dẫn, giáo dục về SKSS/SKTD thành một nội dung riêng thay vì quy định chung chung hiện nay là “kỹ năng sống”. Coi đây là một chỉ tiêu để đánh giá chất lượng giáo dục hàng năm tại các cơ sở giáo dục quốc dân.

TS Lê Đình Phương, Phó Chủ tịch Hội Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam cùng nhiều ý kiến khác cho rằng, tại các địa phương, sau khi chiến lược, dự án viện trợ kết thúc thì HĐND, UBND các cấp cần nêu cao trách nhiệm trong việc huy động nguồn lực để duy trì các mô hình hoạt động hỗ trợ, các câu lạc bộ về chăm sóc SKSS/SKTD vị thành niên, thanh niên để bảo đảm thành quả bền vững.

* Tỷ lệ mắc HIV qua đường tình dục từ năm 2009 đến 2013 lần lượt là 33%; 39%; 41%; 43% và 45%.

* Trên phạm vi toàn quốc, tỷ lệ vị thành niên phá thai ở vị thành niên là 2,2% (năm 2010); 2,4% (2011) và 2,3% (2012). Tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, tỷ lệ phá thai vị thành niên chiếm 5% tổng số ca phá thai; tại Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Hùng Vương, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản (TPHCM), tỷ lệ phá thai vị thành niên chiếm 5,81% tổng số ca phá thai.

(Nguồn: Bộ Y tế)

ANH THƯ

Tin cùng chuyên mục