Kiên cường giữ biển đảo Tổ quốc

Trong những ngày biển Đông đang sục sôi, nóng bỏng, phóng viên Báo SGGP đang có mặt tại quần đảo Trường Sa, ghi nhận tình hình quân dân Trường Sa đang vững vàng, kiên cường giữ biển đảo Tổ quốc.
Kiên cường giữ biển đảo Tổ quốc

Trong những ngày biển Đông đang sục sôi, nóng bỏng, phóng viên Báo SGGP đang có mặt tại quần đảo Trường Sa, ghi nhận tình hình quân dân Trường Sa đang vững vàng, kiên cường giữ biển đảo Tổ quốc.

        Nơi đầu sóng ngọn gió

Trên chuyến tàu HQ561 đi trên vùng biển cạn Trường Sa, ai cũng thấy nao nao với màu xanh ngọc dịu dàng, lãng mạn của nước biển trên nền san hô. Đến các đảo Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn Đông, Phan Vinh…, lại bỡ ngỡ trước màu xanh cây lá. Chừng chục năm trước chúng tôi đã từng ra Trường Sa, hồi ấy hầu hết các đảo trơ trọi giữa nắng gió biển bỏng rát, nay đã rợp mát bóng cây tra, bàng vuông, phong ba, phi lao… Trên đảo Nam Yết còn có những cây mù u và bàng vuông đã thành cổ thụ. Những cây dừa, chuối, đu đủ ngày nào nay đã có trái. Với sự chăm lo, góp sức của cả nước, Trường Sa đang thể hiện sức sống mãnh liệt. Đảo nào cũng như hòn ngọc sáng lung linh giữa biển khơi, có điện gió và điện mặt trời. Trên các đảo Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn Đông, Trường Sa Lớn còn có hải đăng để ngư dân đánh bắt xa bờ định hướng khi đi trên biển, và cũng để Việt Nam xác lập chủ quyền. Ở các đảo này cũng có các công trình dân sinh như nhà văn hóa, chùa, bệnh xá… đều được xây dựng rất đẹp, khang trang.

Ngày 7-5, đúng hôm kỷ niệm 59 năm ngày thành lập Quân chủng Hải quân Việt Nam, trên hành trình đến đảo Cô Lin, tàu đi qua vùng biển gần đảo Gạc Ma. Nơi đây ngày 14-3-1988 đã có 64 chiến sĩ hải quân Việt Nam hy sinh trong trận chiến không cân sức khi đang giữ bãi cạn Gạc Ma, 3 tàu chiến Trung Quốc đã tấn công chiếm đảo. Khi tàu chạy cách Gạc Ma 4km, chúng tôi zoom ống kính và chụp được rõ ràng hình ảnh nhiều tàu của Trung Quốc đang cẩu cát biển để đắp cao, mở rộng bãi cạn. Từ tháng 1-2014 đến nay Trung Quốc đang hối hả biến Gạc Ma thành đảo nổi, ngang 50m, dài 500m, cao 5m so với mặt biển. Tàu HQ561 của chúng tôi buông neo ở vùng biển này để làm lễ tưởng niệm, thả vòng hoa xuống biển, thành kính gửi niềm tiếc thương, tưởng nhớ những chiến sĩ hải quân Việt Nam đã anh dũng hy sinh. Khi thắp hương và thả những nhành hoa cúc vàng xuống mặt biển trong tiếng nhạc Hồn tử sĩ trầm hùng, bi tráng, mọi người trào nước mắt!

        Xứng đáng với sự tin yêu và kỳ vọng

Trong những ngày qua, tại các đảo trong quần đảo Trường Sa đều đặt trong tình trạng báo động, sẵn sàng chiến đấu. Trên các đảo nổi, đảo chìm ở Trường Sa, và trên các nhà giàn DK trên thềm lục địa, chúng tôi ghi nhận được những hình ảnh thật đẹp của những chàng trai chiến sĩ Hải quân Việt Nam dũng cảm đang vững vàng nơi đầu sóng ngọn gió. Tại đảo chìm Đá Lớn B, chúng tôi gặp chàng trai với vóc dáng thư sinh Nguyễn Thanh Thành, quê xã Tân Thông Hội (Củ Chi, TPHCM), và đọc được ở Thành sự kiên gan của một người lính biển. Nhà nghèo, bố vừa mất, có em bị liệt vì chất độc da cam, nhưng Thành vẫn xác định rõ trách nhiệm với đất nước, đang vững vàng trong vị trí khẩu đội trưởng DKZ.

Quà của bạn đọc Báo SGGP ủng hộ được chuyển đến các chiến sĩ tại Trường Sa.

Quà của bạn đọc Báo SGGP ủng hộ được chuyển đến các chiến sĩ tại Trường Sa.

Đến đảo Sơn Ca và đảo Trường Sa Lớn, chúng tôi được dự lễ chào cờ thật trang trọng và hùng tráng, các lực lượng trên đảo diễu binh với đội ngũ chỉnh tề, chân bước đều rầm rập, thể hiện rõ nỗ lực huấn luyện, xây dựng quân đội chính quy, vững vàng. Trung tá Đỗ Thế Tuyến, Chỉ huy trưởng đảo Sơn Ca, cho biết: “Các cán bộ, chiến sĩ trên đảo đều ý thức rất rõ trách nhiệm của mình, luôn giữ vững ý chí, bình tĩnh đối phó với mọi tình huống, sẵn sàng chấp nhận hy sinh”. Chúng tôi rất hiểu và tin điều đó vì đã rất ấn tượng với hình ảnh những người lính đảo đã hát bài Tổ quốc gọi tên mình bằng tất cả sự nhiệt huyết của tuổi trẻ: “Tôi đang nghe Tổ quốc gọi tên mình, bằng tiếng sóng Trường Sa, Hoàng Sa dội vào ghềnh đá. Tiếng Tổ quốc vọng về từ biển cả, nơi bão tố dập dồn, chăng lưới, bủa vây…”.

Vòng ngoài đảo Nam Yết đang có tàu hải quân trực chiến. Đi ca nô ra thăm tàu Trường Sa 12, sóng lớn tạt ướt sũng, xây xẩm, chúng tôi nói với nhau với lòng khâm phục dành cho những người lính biển lênh đênh trên tàu trải bao hiểm nguy, qua bao mùa bão tố. Thượng tá thuyền trưởng tàu Trường Sa 12 không hề than vãn về tình cảnh khó khăn, vất vả của cán bộ chiến sĩ trên tàu, anh chỉ nói thật gọn mà rất đủ ý: “Chân thành cảm ơn sự động viên, hỗ trợ của hậu phương, và chúng tôi vẫn luôn chắc tay súng, vững tay chèo”. Trung tá Lương Hồng Việt, Chính trị viên đảo Sinh Tồn Đông, cũng tâm tình: “Anh em chúng tôi luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu, không một phút lơ là. Nhận được sự chăm chút, hỗ trợ tận tình của đồng bào cả nước, chúng tôi càng tâm niệm phải thật xứng đáng với sự tin yêu và kỳ vọng đó”.

Với niềm tin vững chắc, với quyết tâm bảo vệ và xây dựng biển đảo, trong cuộc gặp với phóng viên Báo SGGP sáng 11-5, đại tá Bùi Văn Thiết, Chủ nhiệm Hậu cần Quân chủng Hải quân, đã dành nhiều thời gian nói về chương trình “Xanh hóa Trường Sa”, và cho biết hiện nay bà con ngư dân vẫn đang kiên cường bám biển, lực lượng hải quân đã có biện pháp hỗ trợ thiết thực cho ngư dân khắc phục khó khăn, giữ vững ngư trường.

HUỲNH THANH LUÂN

Tin cùng chuyên mục