Siết chặt hệ thống thanh toán trực tuyến

Siết chặt hệ thống thanh toán trực tuyến

Ngăn chặn game lậu

“Game không phép (thường gọi là game lậu) vốn dĩ có đất sống là do doanh thu mà nó mang lại có khi lên hàng trăm tỷ đồng/tháng. Để ngăn chặn vấn nạn này, từ bộ ngành có liên quan đến từng địa phương phải ra quân kiểm tra xử lý đồng bộ và quyết liệt, trong đó, siết chặt quản lý các hệ thống thanh toán trực tuyến sẽ cắt được lợi nhuận “khủng” của nhà phát hành game…”, là nội dung trao đổi giữa ông Nguyễn Đức Thọ, Chánh Thanh tra Sở TT-TT TPHCM với PV Báo SGGP sau khi báo có bài viết Tràn ngập game trực tuyến lậu.

Để chơi game, người chơi phải bỏ ra một khoản tiền không nhỏ. Ảnh: MAI HẢI

Để chơi game, người chơi phải bỏ ra một khoản tiền không nhỏ. Ảnh: MAI HẢI

- PV: Xin ông cho biết, thực trạng game lậu tại TPHCM thời gian qua?

>> Ông NGUYỄN ĐỨC THỌ: Tình trạng game lậu phát sinh trên thị trường game Việt Nam nói chung hiện rất nhiều, bao gồm các hình thức có bản quyền nhưng chưa được cấp phép, làm lậu trong nước, tuồn vào từ nước ngoài thông qua đại diện trong nước… Theo thống kê sơ bộ, hiện có ít nhất 200 game và khoảng 60 - 70 nhà cung cấp dịch vụ chưa được cấp phép đang tồn tại trên thị trường, trong đó, hơn 60% game là có nguồn từ nước ngoài. Riêng tại TPHCM, đa số các game lậu đều có địa chỉ công ty, server, máy chủ… nằm ngoài khu vực thành phố.

- Đâu là nguyên nhân chính dẫn đến game lậu phát triển ồ ạt như hiện nay?

Trước hết, nguyên nhân nằm ở mong muốn phát hành game mới của các doanh nghiệp trong nước. Được biết, từ năm 2010 đến nay Bộ TT-TT đã dừng việc cấp phép game online. Đến nay, Nghị định 72 ra đời trên danh nghĩa cho phép phát hành game mới, nhưng hiện tại chưa có thông tư hướng dẫn thực hiện. Tiếp đó, phải kể đến lý do kinh tế. Với những tựa game lớn, thu hút người chơi nhiều, doanh thu mỗi tháng có thể lên đến hàng trăm tỷ đồng.

Mặc dù hiện nay, hình thức xử phạt những doanh nghiệp phát hành game lậu đã được quy định tại Nghị định 174/2013 của Chính phủ (có hiệu lực từ ngày 15-1-2014) với các mức phạt cao nhất lên đến 100 triệu đồng, tuy nhiên, có thể số tiền phạt đó cũng chưa thấm vào đâu so với doanh thu mà game mang lại.

- Vậy giải pháp nào cho vấn nạn game lậu hiện nay, thưa ông?

Dự kiến trong quý 2-2014, thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 72 sẽ được Bộ TT-TT công bố. Khi đó, việc cấp phép game mới cho các doanh nghiệp sẽ có lối ra. Điều đáng quan tâm còn lại là phải triệt tiêu nguồn kiếm tiền của doanh nghiệp phát hành game lậu thì mới ngăn chặn phần nào vấn nạn này. Hiện nay, người chơi game có phép hay không phép đều bỏ ra một khoản tiền không nhỏ để nâng cấp nhân vật, mua các tài sản ảo, thông qua hình thức mua thẻ game, thẻ cào di động và các tài khoản thanh toán trực tuyến.

Các vụ xử lý game lậu gần đây của cơ quan chức năng chứng minh, phần lớn doanh thu sau khi đối soát đều đều chảy vào túi các doanh nghiệp nước ngoài. Kiểm soát được các cổng thanh toán sẽ lần ra được các nhà phát hành game lậu. Bên cạnh đó, giữa nhà phát hành game và doanh nghiệp cung cấp máy chủ phải có hợp đồng khi thuê server, trong đó nêu rõ nội dung game mà đơn vị đó sẽ kinh doanh.

Ở cấp quận, huyện phải liên tục kiểm tra các đại lý cung cấp internet và điểm truy cập internet trên địa bàn, bởi đây là những điểm cài game có chủ ý cung cấp cho người dùng. Các giải pháp đó phải được thực hiện đồng bộ từ bộ, ngành cho đến địa phương mới mong ngăn chặn được vấn nạn game lậu hiện nay.

TƯỜNG HÂN

Tin cùng chuyên mục