Tràn ngập game trực tuyến lậu

Nặng bạo lực, đồi trụy
Tràn ngập game trực tuyến lậu

Lựa chọn nội dung bạo lực, dùng những hình ảnh sex, phản cảm để câu kéo người chơi, hoạt động được một thời gian ngắn thì đóng cửa, chuyển máy chủ… là nét chung của các game trực tuyến không phép (hay còn gọi là game lậu) trên thị trường hiện nay. Trong khi các doanh nghiệp trong nước đang điêu đứng vì quy định không cấp phép game mới kể từ năm 2010, thì các game lậu vẫn vươn vòi “hút máu” người chơi Việt hàng chục tỷ đồng/tháng thông qua thẻ nạp di động hoặc cổng thanh toán trực tuyến.

Game trực tuyến lậu hút thời gian và tiền bạc của nhiều thanh thiếu niên. Ảnh: Mai Hải

Game trực tuyến lậu hút thời gian và tiền bạc của nhiều thanh thiếu niên. Ảnh: Mai Hải

Nặng bạo lực, đồi trụy

Game lậu vốn xuất hiện tại Việt Nam trước cả game được cấp phép chính thức nhằm thỏa mãn người chơi. Thế nhưng, thay vì “chết yểu”, các game lậu lại sống khỏe nhờ khả năng ăn cắp mã nguồn rồi “đạo” lại không khác gì game thật. Với game 3D thì có Con đường tơ lụa, Thế giới hoàn mỹ... Game 2D thì có MU, Kiếm thế, Chinh đồ... Thậm chí cả webgame cũng có máy chủ lậu.

Hầu hết các game trực tuyến lậu đều có những điểm chung như thiết kế nhân vật màu mè, lối chơi tương tự nhau, hệ thống tính năng phụ thuộc vào vật phẩm (điều này bắt buộc người chơi muốn trở thành nhân vật “khủng” thì phải nạp tiền)… Đặc biệt, không chỉ dung tục về mặt nội dung, nhiều loại game còn mang đậm tính chất bạo lực, kích động người chơi. Trước đây, có các loại game Đột kích, Biệt động thần tốc, Đặc nhiệm anh hùng… Gần đây còn có thêm Warface, Avatar Star, PetaCity. Đây đều là những thể loại game đứng đầu trong danh sách những trò chơi được lưu hành lậu hoặc trong quá trình thử nghiệm.

Các game lậu dụ dỗ người chơi với nội dung bạo lực, dung tục.

Các game lậu dụ dỗ người chơi với nội dung bạo lực, dung tục.

Để tìm hiểu thực tế, chúng tôi đến tiệm internet T.T.M (quận 8). Vừa mới gửi xe, chúng tôi đã nghe một nhóm học sinh cấp 2, còn mặc đồng phục vừa đi ra ngoài, vừa chửi nhau chí chóe, đứa này kêu đứa nọ ngu, đứa khác lại bảo đứa nọ chơi dở. Phía bên trong, một nhóm thanh niên đang chơi game Liên minh huyền thoại, miệng liên hồi văng tục, chửi thề với nhau mỗi khi có gì đó không vừa ý. Bất chợt, một thanh niên đập tay mạnh xuống bàn, tưởng chừng như muốn gãy bàn phím, rồi nhào qua người bạn ngồi bên cạnh, buông tiếng chửi thề. Mặt đỏ bừng, người bạn kia cũng hùng hổ đứng dậy, tay lăm lăm nắm đấm, hất hàm hỏi “mày thích gì” khiến người quản lý tiệm internet và một số khách chơi phải đứng dậy can ngăn. 

Đang theo dõi, chúng tôi bỗng giật mình bởi tiếng nói rõ to của một thanh niên tuổi chỉ trạc 17: “Nhìn con bé quảng cáo game này ngon phết mày ơi, vào chơi thử xem thế nào, có “phê” như mấy game trước đây không”. Hóa ra, nam thanh niên này vừa đăng nhập vào một webgame mới, đập vào mắt ngay khu vực trang chủ là một cô gái ăn mặc lõa thể, phản cảm với những lời lẽ khiêu gợi mời gọi người chơi.

Doanh thu “khủng”

Trước tình trạng tràn lan game bạo lực dung tục, từ cuối năm 2010, Bộ TT-TT đã dừng việc cấp phép game trực tuyến, đồng thời yêu cầu một số game dừng hoạt động. Thế nhưng, bằng cách này hay cách khác, các game này vẫn được cài đặt vô tư tại các đại lý internet. Không dừng lại ở đó, bắt đầu từ năm 2012, những game nhập vai, webgame có nguồn gốc từ Hàn Quốc, Trung Quốc cũng ồ ạt nhập khẩu vào Việt Nam. Theo tìm hiểu của chúng tôi, vào thời điểm đó các công ty kinh doanh game đã tung ra một phiên bản tiếng Việt trong khi máy chủ đặt tại nước ngoài, thu tiền bằng thẻ cào của các nhà mạng viễn thông hoặc thu qua thẻ visa… Có trường hợp thuê đại diện đứng tên thành lập công ty game ngay tại Việt Nam, sau đó ăn cắp mã nguồn game nổi tiếng của doanh nghiệp, thuê máy chủ, thu tiền người chơi. Hai công ty Koram Game và Lemon Game đã đưa các tựa game như Hoa Sơn Luận Kiếm, Tiếu Ngạo Tây Du, Demonslayer, Vùng Đất Thủ Lĩnh Rồng... vào Việt Nam bằng cách tương tự.

Game trực tuyến lậu đang hút người dùng bằng nội dung bạo lực, dung tục.
Game trực tuyến lậu đang hút người dùng bằng nội dung bạo lực, dung tục.

Với chiêu thức này, toàn bộ đội ngũ kỹ thuật của Công ty Lemon Game và Koram Game đều hoạt động ở nước ngoài với nhiệm vụ vận hành và kiểm soát doanh thu. Các công ty được thành lập tại Việt Nam chỉ nhận nhiệm vụ marketing và chăm sóc khách hàng. Số tiền thu từ người chơi sẽ được công ty phát hành game chia lại cho đại diện tại Việt Nam 20% - 22%. Chỉ tính riêng với Công ty cổ phần Truyền thông và Công nghệ 3G, trong khoảng thời gian 9 tháng mà công ty đưa 3 tựa game vào hoạt động, số tiền công ty đã đối soát và thanh toán với đối tác lên đến gần 3 tỷ đồng.

Đại diện một công ty phát hành game trực tuyến tại TPHCM cho rằng, cho đến nay vẫn chưa thống kê được số game lậu mà hai công ty kể trên “tuồn” vào Việt Nam, tuy nhiên doanh thu của 2 công ty đó không dưới 40 tỷ đồng/tháng. Theo Bộ TT-TT, hiện chỉ có 117 game trực tuyến được cấp phép hoạt động tại Việt Nam (trong đó có tới 44 game đã ngưng hoạt động). Tuy nhiên, con số thực tế mà giới làm game ước tính được có thể lên đến 300 game trực tuyến đang hoạt động tại Việt Nam và đa phần đều là game lậu. Như vậy, mỗi tháng, các game lậu đã móc túi người chơi vài chục đến vài trăm tỷ đồng. Số tiền này đều chảy về túi của các nhà phát hành game nước ngoài.

Game hợp pháp đang “giẫy chết”

Cũng theo đại diện một công ty phát hành game trực tuyến tại TPHCM, các game lậu phát triển mạnh mẽ bao nhiêu lại càng đe doạ đến sự sinh tồn của game Việt. Trong đó, hàng loạt các tựa game từng chiếm vị thế cao trên thị trường bỗng tụt dốc không phanh. Điển hình trường hợp của game Con đường tơ lụa, do Công ty VDC - Net2E phát hành vào năm 2006. Lúc mới ra đời, sản phẩm được đánh giá là một trong những game trực tuyến có đồ họa 3D đẹp  nhất, độ tương tác giữa các người chơi với nhau cao. Thế nhưng, gần đây,  game này đang điêu đứng bởi xuất hiện hàng chục phiên bản lậu, như: Srocuhanh.com, Srothiendinh.com, Silkroad Private… Chỉ hơn 2 năm bị server lậu tấn công, số người chơi phiên bản chính thức của trò chơi này đạt chưa tới 1/10 so với thời đỉnh cao. Tương tự, game Võ lâm truyền kỳ do Công ty VNG phát hành hiện cũng đang bị làm lậu. Hệ quả, hàng loạt người chơi chuyển từ máy chủ chính thức của nhà phát hành sang các máy chủ lậu. Cùng với đó, tài khoản game cũng được rao bán, tạo nên một cuộc “tháo chạy” chưa từng có trong làng game.

Tại hội nghị “Nâng cao quản lý trò chơi trực tuyến” do Bộ TT-TT tổ chức cách đây không lâu, đại diện FPT online chua chát cho biết, công ty hiện đang rơi vào khủng hoảng, 2 năm qua liên tiếp tăng trưởng âm, doanh thu tính trên mỗi khách hàng giảm mạnh... Trong 3 năm gần đây, FPT online được cấp phép 5 game nhưng đã có 4 game “chết yểu” ngay trong phòng nghiên cứu. Đại diện các doanh nghiệp làm game trong nước cho rằng, các doanh nghiệp cung cấp game lậu không mất các khoản thuế như thu nhập doanh nghiệp, thuế nhà thầu, thuế giá trị gia tăng… đã tạo nên bất bình đẳng so với các doanh nghiệp làm ăn chân chính. Do quy định không cấp phép game trực tuyến từ năm 2010 vẫn còn hiệu lực, trong khi Nghị định 72 về cấp phép game trực tuyến chưa có thông tư hướng dẫn, các nhà phát hành game trong nước chỉ biết… đứng nhìn game lậu hoành hành.

Về bản chất, máy chủ lậu và máy chủ chính thống không khác nhau về nội dung và cách chơi. Thế nhưng không như các máy chủ chính thức, ở hầu hết các máy chủ lậu, việc sở hữu những món đồ “khủng” đều hết sức dễ dàng. Cùng với đó là công sức, thời gian và tiền bạc cũng ít hơn. Đây là một trong những lý do chính khiến máy chủ lậu thu hút người chơi.

TƯỜNG HÂN

Tin cùng chuyên mục