Vụ bắt Chủ tịch HĐQT OceanBank Hà Văn Thắm: Thêm một cảnh báo mạnh mẽ

Ngày 24-10, ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đình chỉ quyền và nghĩa vụ của Chủ tịch, thành viên HĐQT Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank) đối với ông Hà Văn Thắm, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tống đạt quyết định khởi tố bị can đối với Hà Văn Thắm (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị OceanBank). Bên hành lang Quốc hội ngày 25-10, Báo SGGP đã trao đổi với một số ĐBQH về vấn đề này.

* Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đức Kiên: Sẽ còn những vụ tương tự

Điều mà cử tri, dư luận lâu nay bức xúc là việc sở hữu chéo, một số lãnh đạo ngân hàng suy thoái đạo đức, “làm tiền” doanh nghiệp, làm biến chất hệ thống tổ chức ngân hàng. Cử tri kêu, doanh nghiệp kêu nên khi phát hiện những trường hợp như vậy phải xử lý thật nghiêm. Qua vụ Ngân hàng OceanBank tiếp tục là một lời cảnh báo cho các tổ chức tín dụng và những người có ý định làm sai. Dù anh hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng - là mạch máu của nền kinh tế thì anh cũng không thể vin vào đó để làm sai, để trục lợi cá nhân.

Chúng ta đổi mới nền kinh tế bắt đầu từ việc rà lại các thể chế kinh tế. Những gì chưa phù hợp, tạo điều kiện cho những người có động cơ lợi dụng thì chúng ta phải điều chỉnh. Trong quá trình tái cơ cấu, chắc chắn không những ngân hàng mà cả trong khối tài sản công, chúng ta phải tìm ra được những vụ tương tự. Người dân đang rất bức xúc với các vấn đề về tham nhũng, nên chúng ta phải làm kiên quyết.

* Chuyên gia kinh tế Trần Hoàng Ngân: Vừa xử nghiêm tiêu cực, vừa bảo đảm an toàn hệ thống

Trong tình hình vừa qua, khi kinh tế rơi vào suy giảm, bong bóng bất động sản, nợ xấu... thì chắc chắn tiêu cực ở hệ thống ngân hàng là không tránh khỏi. Đây cũng là thực tế diễn ra ở nhiều quốc gia. Vấn đề ở đây là trong lĩnh vực ngân hàng, công tác thanh tra, giám sát phải được đặt lên hàng đầu. Công tác đào tạo nhân lực cho ngân hàng cũng không chỉ thuần túy về nghiệp vụ mà cần gắn với đạo đức kinh doanh. Phải tạo ra được ranh giới giữa ngân hàng với khách hàng để hạn chế những tiêu cực. Ví dụ phương tiện thanh toán thẻ có thể giúp tạo khoảng cách giữa người gửi tiền, người giao dịch ngân hàng. Tương lai, cần hạn chế hình sự những vụ án kinh tế. Cái gì dính đến dân sự thuần túy thì chỉ xử lý dân sự. Còn vấn đề gì đụng đến tham nhũng, lợi dụng chức quyền thì phải xử hình sự. Với những vụ việc xảy ra như vụ ông Hà Văn Thắm, chúng ta phải bảo đảm an toàn hệ thống. Vì vậy, vừa phải xử lý nghiêm những tiêu cực, nhưng đồng thời phải đặt vấn đề an toàn của hệ thống.

* Viện trưởng Viện Kinh tế lập pháp của Quốc hội Đinh Xuân Thảo: Loại được “sâu mọt”, làm trong sạch bộ máy

Từ trước đến nay, nhiều người vẫn hoài nghi có “lợi ích nhóm” trong lĩnh vực ngân hàng nên sẽ rất khó xử lý. Tôi cho rằng, có thể có “lợi ích nhóm” nhưng chỉ ở một chừng mực nào đó. Tôi lấy ví dụ qua một số vụ án lớn như vụ bầu Kiên, lúc đầu nhiều người cũng e ngại nhưng cuối cùng vẫn được xử lý rất nghiêm khắc. Với đà thực hiện tái cơ cấu hiện nay, đối với những trường hợp sai phạm phải xử lý nghiêm để có tác dụng răn đe tốt hơn. Chúng ta đang trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó tập trung vào lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng. Ngoài sắp xếp lại thì còn có việc giải quyết nợ xấu, kiện toàn lại tổ chức bộ máy. Trong tập thể 100 người thì chỉ một vài người xấu. Phát hiện người xấu thì phải loại bỏ, bởi nếu không làm thì kẻ xấu cứ nằm đó, phá phách, rồi số lượng người xấu tăng dần lên. Chúng ta phải bắt được những con sâu, con mọt để làm tổ chức ngân hàng trong sạch hơn.

PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục