Tháo gỡ thủ tục để nhanh chóng đưa người nghiện đi cai nghiện tập trung: Vấn đề hết sức cấp bách!

Không đủ thời gian phát biểu tại hội trường Quốc hội, chiều 25-10, Trưởng đoàn ĐBQH TPHCM, ông Huỳnh Thành Lập cho phóng viên Báo SGGP biết, những vướng mắc trong việc đưa người nghiện đi cai nghiện tập trung kể từ khi triển khai Luật Xử lý vi phạm hành chính là vấn đề mà đoàn ĐBQH TPHCM vô cùng trăn trở và sẽ sớm có kiến nghị gửi lên các cấp có thẩm quyền.

Đại biểu Huỳnh Thành Lập cho biết: “Tại TPHCM, trong 9 tháng của năm 2014, mặc dù tình hình tội phạm diễn biến phức tạp, nhưng do chủ động tăng cường vận động nhân dân, sự nỗ lực của các lực lượng nghiệp vụ trong công tác nắm tình hình, tìm hiểu các phương thức thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm, TPHCM đã kiềm chế được sự gia tăng của các loại tội phạm. Riêng tội phạm ma túy, như báo cáo của Chính phủ, mặc dù trên toàn quốc, số vụ phát hiện, khởi tố điều tra giảm về số vụ và số bị can, song tội phạm ma túy vẫn diễn biến phức tạp trên các các tuyến, các địa bàn trọng điểm; đối tượng ma túy thường sử dụng vũ khí nóng, chống trả quyết liệt khi bị lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ.

Phân tích nguyên nhân những diễn biến phức tạp của tình hình tội phạm năm 2014, Chính phủ nêu ra 8 nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân “công tác cai nghiện ở một số địa phương hiệu quả còn thấp, người nghiện ma túy và tình trạng sử dụng ma túy tổng hợp gia tăng”. Tôi đồng tình với nhận định này về nguyên nhân tội phạm.

Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 có hiệu lực từ ngày 1-1-2014, theo đó việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên do Tòa án nhân dân cấp huyện xem xét, quyết định, nhưng khả năng thực hiện rất khó khăn nên đến nay chưa thực hiện được. Số người nghiện ma túy ở TPHCM đến nay là 19.000 người, tăng 7.000 người so với năm 2013, trong đó có hơn 60% từ các tỉnh, thành phố khác đổ về và không có địa chỉ quản lý. Mặt khác, quy trình, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc… là rất phức tạp.

Theo quy định, trước khi đưa đi cai nghiện tập trung, người nghiện phải được giáo dục tại địa phương từ 3 - 6 tháng. Tiếp đó nếu không được thì giao cho các tổ chức xã hội, phải xét nghiệm dương tính với chất gây nghiện và giao cho Tòa án quyết định… Trong khi đó gia đình của người nghiện không cư trú ở TP, còn “tổ chức xã hội” lại không quy định là tổ chức nào hay phải thành lập ra một tổ chức mới. Từ đó, để đưa được người nghiện vào cai nghiện tập trung phải mất rất nhiều thời gian. Trong thời gian đợi làm thủ tục thì người nghiện sống trong địa bàn dân cư, nhất là với người ngoại tỉnh không có địa chỉ rõ ràng, rất khó quản lý; lại trở thành nguồn lây lan, rủ rê… làm gia tăng người nghiện mới.

Do đó, TPHCM kiến nghị QH cho phép áp dụng giải pháp tình thế để tháo gỡ khó khăn cho công tác cai nghiện tại TPHCM. Chúng tôi kiến nghị Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Về các vấn đề xã hội có các cuộc họp với các bộ ngành có liên quan sớm tháo gỡ những ách tắc, khó khăn trong công tác cai nghiện và quản lý người nghiện. Kiến nghị QH cho phép giao cho TP quản lý, cắt cơn, giải độc, tư vấn tâm lý cho người nghiện ma túy tại Trung tâm tiếp nhận đối tượng xã hội (thay cho các tổ chức xã hội) trong khi chờ lập hồ sơ ban hành quyết định của Tòa án đưa đi cai nghiện tập trung. Đây là vấn đề hết sức cấp bách, vì mức độ lây lan ngày càng nhanh, ngày càng nghiêm trọng, rất cần có giải pháp hiệu quả ngay, nhằm hạn chế người nghiện tràn lan ngoài xã hội, gây bất ổn cho người dân và cộng đồng. Chúng tôi tha thiết kính mong sự chia sẻ và quan tâm của các vị ĐBQH trong cả nước”.

Tại phiên họp toàn thể của QH chiều 25-10, phần phát biểu của ĐB Đỗ Văn Đương, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của QH có cùng quan điểm này đã được rất nhiều ĐBQH bày tỏ đồng tình. “Thủ tục trước đây đơn giản, nhanh gọn mà cũng không có mấy trường hợp oan sai cả. Bây giờ muốn đưa một người nghiện đi cai nghiện phải qua 5 cơ quan xem xét; rồi lại phải thông báo cho người nghiện và buộc phiên họp phải có mặt người nghiện, họ chỉ không đến là đã không làm gì được. Còn giao cho tổ chức xã hội quản lý là giao cho ai? Hội Phụ nữ chăng? Hội có phương tiện, nhân lực đâu để làm việc đó?”, ĐB Đỗ Văn Đương phân tích.

ĐB Phạm Trường Dân (Quảng Nam) nói: “Cứ giữ trình tự thủ tục như thế này thì cơ sở giáo dưỡng sẽ chẳng có ai vào, trong khi người nghiện thì ngang nhiên ngoài xã hội; công an chúng tôi rất khó lòng đảm bảo trật tự an toàn xã hội”. ĐB Vũ Chí Thực (Quảng Ninh) cũng cho rằng hệ thống pháp luật có nhiều nội dung xa rời thực tế, không đủ sức răn đe tội phạm; vô hình trung hạn chế năng lực tấn công tội phạm quyết liệt của các lực lượng bảo vệ pháp luật. Một ví dụ chính là nội dung về đưa người nghiện đi cai nghiện tập trung trong Luật Xử lý vi phạm hành chính. ĐB Vũ Chí Thực đề nghị rà soát, sửa đổi bổ sung các văn bản pháp luật theo hướng tạo điều kiện cho công tác quản lý người nghiện chặt chẽ hơn, vì sự ổn định của xã hội.

Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu đã yêu cầu Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao giải trình thêm về vấn đề này. Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Trương Hòa Bình cho biết, thời gian qua việc triển khai Luật Xử lý vi phạm hành chính đã cho thấy trở ngại trong việc các đối tượng vào trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện bắt buộc... Từ 1-1-2014 đến 30-9-2014 chỉ giải quyết được hơn 400 trường hợp, trong đó người nghiện ma túy chiếm trên 200 trường hợp, trong khi thực tế cả nước có gần 200.000 người nghiện ma túy, một con số rất lớn. Trước đấy mỗi năm chúng ta giải quyết trên 2 vạn trường hợp. Cần lưu ý rằng trong số người nghiện ma túy có tiềm ẩn tội phạm hình sự. Tòa án Nhân dân tối cao đã làm việc với lãnh đạo nhiều tỉnh thành phía Nam và các cơ quan chức năng để nắm bắt tình hình, đều cho rằng công tác quản lý an toàn xã hội và phòng ngừa vi phạm gặp khó khăn, trong khi chưa có hướng dẫn cụ thể của các bộ chủ quản, chẳng hạn như về quy trình, tiêu chí xác định người nghiện. Tới đây dự kiến sẽ có hội nghị về vấn đề này, làm sao để một mặt đảm bảo quyền nhân thân, nhưng thủ tục phải nhanh chóng, văn bản hướng dẫn phải cụ thể…

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường nói, Luật Xử lý vi phạm hành chính mới có hiệu lực từ ngày 1-1-2014; trong quá trình triển khai thì UBTVQH và Chính phủ cơ bản đã ban hành đầy đủ văn bản hướng dẫn. Hiện còn thiếu một thông tư liên tịch của Bộ Y tế và Bộ LĐTB-XH để xác định thế nào là người nghiện. Đặt ra vấn đề xem lại luật lúc này là sớm.

ANH THƯ

Tin cùng chuyên mục