Những đứa trẻ thiệt thòi

Vì cuộc sống mưu sinh, những đứa trẻ con công nhân nghèo xa xứ, sống trong những khu nhà trọ chật hẹp ở TPHCM phải chịu nhiều thiệt thòi hơn các bạn cùng trang lứa...

Vì cuộc sống mưu sinh, những đứa trẻ con công nhân nghèo xa xứ, sống trong những khu nhà trọ chật hẹp ở TPHCM phải chịu nhiều thiệt thòi hơn các bạn cùng trang lứa...

Con thích về quê

Chúng tôi đến khu nhà trọ tại tổ 16, ấp 4, xã Xuân Thới Sơn, huyện Hóc Môn, TPHCM vào một buổi trưa nóng bức. Vừa bước vào khu trọ, mùi hôi nồng nặc xông lên mũi. Nhưng đối với những công nhân đang sinh sống tại đây, họ không nghe thấy mùi ấy bởi đã quá quen thuộc. 2 đứa trẻ đang chơi đùa tại hành lang ẩm ướt và tối tăm trước cửa các phòng trọ. Trò chơi của chúng là đá chân vào những vũng nước đọng khắp nơi và cười khanh khách. “Sao các con không tìm trò khác chơi?”, “Ở đây đâu có gì để chơi. Ngồi trong phòng hoài, chán lắm!”. “Vậy con không đi học sao?”, “Con thích đi học nhưng phải ở nhà giữ em cho ba mẹ đi làm” - Thư ngước đôi mắt to tròn nhìn chúng tôi trả lời.

Chị Ngô Thị Nga (quê Kiên Giang) công nhân Công ty Song Hùng, đang cho con ăn, thấy có khách hỏi thăm mới đứng lên mở bóng đèn thắp sáng căn phòng. Chị phân bua: “Chúng em tiết kiệm điện”. Có 2 con, nhưng đứa lớn 8 tuổi chị đã gửi về quê để đi học, bởi ở TPHCM chi phí cao, chị không lo nổi. Đứa nhỏ 14 tháng tuổi hàng ngày ở trong phòng với bà nội chờ đến tuổi đi học cũng cho về quê. Nhìn về 2 đứa trẻ mà tôi mới trò chuyện, chị Nga nói ba mẹ chúng ở cùng quê với chị, vì khó khăn quá nên không cho con đi học nổi. Ba mẹ con chị Nguyễn Thị Út (quê Cà Mau) vừa lên TP được 4 tháng để cả nhà được ở gần nhau. Lý do thuê phòng ở đây, chị Út tâm sự: “Một mình chồng em đi làm, lương không được bao nhiêu nên đành thuê ở đây cho rẻ, chứ đâu ai muốn ở nơi thế này. Tội nhất là các con còn nhỏ mà phải chịu cực theo cha mẹ”. Bé Bảo Hân (7 tuổi), con chị Út nói chỉ thích được về quê, vì ở đây có mùi kỳ quá. Suốt ngày bé chỉ ở trong phòng, không được đi ra ngoài. Điều bất tiện nhất với công nhân khu này chính là việc sử dụng nhà vệ sinh chung. Vừa dơ, vừa phải đợi chờ.

Trong căn phòng nhỏ xíu chưa đến 8m², tại khu nhà trọ tổ 37, khu phố 4, phường Tân Tạo A, Bình Tân, cả nhà anh Thạch Thi (quê Sóc Trăng) gồm 3 người và cậu em trai của anh chen chúc sống cùng nhau. Đưa tay đập con muỗi đang cắn con, anh Thi nói đã ở đây 14 năm, ở riết rồi quen nên không thấy bất tiện. Bé Thạch Dri, gần 5 tuổi bảo: “Con ghét muỗi, ghét trời mưa, rất điếc tai”. Xung quanh khu trọ có ao hồ, nước đục ngầu nên sinh rất nhiều muỗi. Tại đây có hơn 100 phòng trọ sát nhau, chiều cao mỗi phòng rất thấp lại được lợp bằng tôn, cũ kỹ nên trời nắng thì nóng bức, còn khi mưa vô cùng ồn ào. Theo anh Thi, giá thuê mỗi phòng chỉ 600.000 đồng, không đâu rẻ hơn, nên anh bấm bụng ở. Biết là thiệt thòi cho con nhưng đành chấp nhận. Mải lo kiếm tiền cho cuộc mưu sinh, anh quên mất đã gần 1 năm chưa đưa con trai đi chơi thú nhún, dù trò ấy cách nơi ở không xa.

Nửa đêm “chạy lũ”

Đường Hồ Học Lãm, quận Bình Tân lâu nay nổi tiếng với những khu nhà trọ ngập nước. Có đến tận nơi mới thấy hết nỗi khổ của công nhân sống tại các khu nhà trọ tồi tàn và thường xuyên ngủ cùng nước thối.

Chị Thanh Trang (quê Vĩnh Long) công nhân Công ty PouYuen thuê phòng trên con hẻm 576 đường Hồ Học Lãm cho biết, khi đến thuê phòng, chủ nhà có nói mỗi năm sẽ bị ngập vài lần, nhưng do giá rẻ nên cả nhà chị quyết định thuê. “Ở khu này, chỗ nào cũng ngập. Với lại lương công nhân ba cọc ba đồng làm sao ở nổi những phòng không bị ngập nước. Tiền nào thì phòng nấy”, chị Trang chia sẻ. Chị có 2 con, 5 tuổi và hơn 1 tuổi. Không đành lòng xa con nên chị để chúng ở lại TPHCM chịu cực cùng cha mẹ. Những ngày anh chị làm tăng ca, 2 con phải gửi tại một nhóm trẻ tư đến tối. Vậy mà những tháng mưa to, hay có thủy triều lên, nửa đêm chúng còn phải thức để “chạy lũ” cùng cha mẹ. Chị Trang bảo: “Đang ngủ cảm giác cái lưng bị ướt, giật mình thấy nước thối ngập lênh láng”. Cái gác tạm bợ trong phòng chị hơi yếu nên cả nhà không dám ngủ trên ấy. Nhưng khi nước ngập, gia đình chị phải chen chúc lên gác trong nỗi sợ phập phồng. Cũng thuê phòng trong khu ngập nước này, chị Võ Thi Trang (quê Nghệ An) bảo những lúc nước lên, chị bỏ con trai 2 tuổi vào cái thau, còn mình và chồng thì lo kê đồ đạc và tát nước ra ngoài. Con chị thấy nước thì đưa tay vẫy vẫy dòng nước đen ngòm, miệng cười thích thú. Chị Trang nói vài tháng nữa sẽ đưa con về quê gửi ông bà ngoại, bởi cho con theo mình sống ở nơi đây thật tội cho con.

Rời khu trọ tổ 37, chúng tôi day dứt mãi về tương lai của các em, chỉ mong sao cuộc sống sắp tới của các em sẽ bớt thiệt thòi hơn.

THÁI PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục