Giám đốc trung tâm cai nghiện bị con nghiện xin tiền

Sự việc trên được ông Trần Trung Dũng, Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM, thuật lại trong buổi họp với 24 quận, huyện về hoạt động ngành LĐTB-XH 9 tháng đầu năm 2014.

Tình huống xảy ra khi ông Hoàng Liên Sơn, Giám đốc Trung tâm Giáo dục lao động xã hội Phú Nghĩa (đóng tại huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước, thuộc Sở LĐTB-XH TPHCM) về nhà ở TPHCM. Trước khi vô nhà, gặp người từng là học viên cai nghiện ma túy, ông Sơn dừng lại hỏi thăm cuộc sống của người này thì nhận được câu trả lời: “Tái nghiện hết trơn rồi. Chú cho con mượn năm chục (50.000 đồng)”.

Liên quan về sự việc trên, ông Trần Trung Dũng cho biết, từ đầu năm tới giờ, các cơ sở chữa bệnh giải quyết cho khoảng 4.000 người hòa nhập cộng đồng, trong khi không đưa được ai vào cai nghiện tập trung. Một số lớn người được hòa nhập cộng đồng cộng với số sau cai đang quản lý tại địa phương đã ảnh hưởng rất lớn đến tình hình an ninh trật tự ở địa phương. Và một trong những đỉnh điểm bế tắc cai nghiện ma túy là người nghiện ma túy nhởn nhơ ngoài cộng đồng: “Hồi xưa người nghiện ma túy còn tránh né, giờ họ đứng trước mặt mình, khai là đang nghiện ma túy và… xin tiền. Cán bộ mình đành móc tiền ra cho liền vì biết theo quy định hiện nay, mình làm gì được họ?”.

Ở quận 8 trước đây mỗi năm đưa vào cơ sở chữa bệnh cả ngàn người nghiện ma túy, tuy nhiên 9 tháng đầu năm 2014, dù làm ráo riết nhưng cũng không lập được hồ sơ nào đưa đi cai nghiện tập trung. Tại quận 5, bà Lou Hàn Cánh, Trưởng phòng LĐTB-XH quận, cho biết, cũng giống như 23 quận, huyện khác, tình hình ở quận 5 rất khó khăn. Quận mong muốn sớm tháo gỡ vướng mắc để ổn định tình hình. Lo ngại về việc xử lý người lang thang nghiện ma túy, ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó Trưởng phòng LĐTB-XH quận Bình Thạnh, đề nghị TP sớm chuyển công năng, giao Trung tâm Tiếp nhận đối tượng xã hội Bình Triệu làm chức năng của tổ chức xã hội là tạm nhận người lang thang nghiện ma túy trong khi chờ thẩm tra xác minh để đưa vào cơ sở cai nghiện. Ông Ngọc đề nghị TP nên làm nhanh chuyện này, không để xảy ra tình trạng người nghiện ma túy giật dọc, cầm kim tiêm đi hù dọa người xung quanh.

Theo Sở LĐTB-XH TPHCM, hiện các trung tâm cai nghiện đang quản lý hơn 7.200 người, thấp hơn khoảng 2.000 người so với bình thường. Do không đưa được thêm người mới vào nên số người được quản lý ở các trung tâm mỗi ngày mỗi giảm, dự kiến cuối năm 2014 chỉ còn khoảng 5.000 người. Công tác xử lý đối tượng nghiện ma túy hiện chưa đủ sức răn đe, bế tắc ở nhiều mặt. Đến nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể để thực hiện quy trình đưa người nghiện ma túy vào trung tâm cai nghiện. Việc giáo dục tại phường, xã, thị trấn đối với người nghiện ma túy cũng tắc do các bác sĩ chưa được cấp giấy chứng nhận để xác nhận người sử dụng ma túy là người nghiện! Cai nghiện tự nguyện tại gia đình và cộng đồng không có người tham gia. Đối tượng sử dụng ma túy tổng hợp gia tăng nhưng chưa có phương pháp chẩn đoán và phác đồ điều trị…

Trước tình hình phức tạp trên, dự kiến hôm nay (3-10), HĐND TPHCM sẽ có buổi giám sát tại Sở LĐTB-XH TPHCM về việc thực hiện quy định đưa người nghiện ma túy vào cơ sở chữa bệnh.

MẠNH HÒA

Tin cùng chuyên mục