Kinh doanh vận tải trá hình - Bài 2: Khó xử hay làm lơ?

“Khó” xử phạt
Kinh doanh vận tải trá hình - Bài 2: Khó xử hay làm lơ?

Theo quy định, TPHCM cho phép một số tuyến đường ở khu vực trung tâm thành phố được giữ xe để thu phí theo quy định. Lợi dụng chủ trương này, nhiều nơi thành lập hẳn bãi xe chạy tuyến cố định đường dài. Mặc dù lực lượng cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông… thường xuyên kiểm tra, xử lý nhưng nhiều xe vẫn thản nhiên hoạt động.

Nhiều đơn vị tổ chức điểm bán vé sai quy định.

Nhiều đơn vị tổ chức điểm bán vé sai quy định.

“Khó” xử phạt

Tết Nguyên đán càng đến gần, nạn xe dù, bến cóc càng gia tăng tần suất hoạt động, sự tranh giành càng khốc liệt hơn. Tình trạng này đe dọa trực tiếp đến trật tự an toàn giao thông thành phố, đặc biệt là tính mạng của người dân. Dưới danh nghĩa xe hợp đồng, xe du lịch, xe open tour nhưng thực tế chở khách chạy tuyến cố định mà không cần đăng ký khai thác bến, lập điểm đón trả khách ngay trong nội đô, gây ùn tắc giao thông. Để đối phó với các lực lượng chức năng, nhiều xe dù trưng bảng “xe du lịch, chạy hợp đồng, đưa rước công nhân viên”… Các đơn vị này là địa chỉ khá quen thuộc với nhiều người có nhu cầu đi Đà Lạt, Lâm Đồng, Nha Trang, Phan Thiết... vì mỗi ngày có hàng trăm hành khách đi về các tuyến trên.

Anh Trần Minh Sơn, một hành khách thường xuyên đi trên tuyến TPHCM - Đà Lạt, cho biết: Hành khách muốn đi xe phải đặt vé trước 20 phút, sau đó đến văn phòng hãng xe lấy vé chờ, thực chất là một mẩu giấy ghi giờ xe chạy. Khi nào có đủ lượng hành khách, xe được điều đến rước khách đi chứ chẳng thấy khách du lịch nào cả.

Hiện nhiều doanh nghiệp vận tải chỉ hoạt động trên một số tuyến cố định. Thế nhưng họ tổ chức đón, trả khách ngay tại trụ sở doanh nghiệp nằm sâu trong nội thành chứ không vào bến như quy định. Về bản chất, đây là hoạt động xe “dù” dưới hình thức du lịch lữ hành để lách luật, khiến lực lượng chức năng “khó” kiểm tra, xử phạt.

Ngân sách thất thu

Ngày càng nở rộ doanh nghiệp vận tải tuyến cố định hoạt động núp bóng dưới dạng xe hợp đồng, du lịch lữ hành kinh doanh ngay trong trung tâm thành phố gây ảnh hưởng rất lớn đến an toàn giao thông và mỹ quan đô thị, đặc biệt mỗi năm gây thất thu ngân sách nhà nước hàng chục tỷ đồng.

Theo đại diện một số doanh nghiệp vận tải hoạt động trong Bến xe miền Đông, các doanh nghiệp vận tải trá hình do hoạt động tự do, không bị ràng buộc như ở bến về hành trình chạy xe, giá vé, không phải in ấn phát hành vé nên việc đóng thuế sẽ ít hơn. Mặt khác, vì nằm ở trung tâm nên các hình thức vận tải này được nhiều hành khách lựa chọn hơn do tâm lý hành khách ngại đến bến xe.

Ông Thượng Thanh Hải, Phó Giám đốc Bến xe miền Đông, bức xúc: Cách quản lý như thời gian qua đã gây ảnh hưởng rất lớn đến trật tự giao thông, mỹ quan đô thị và uy tín của ngành vận tải, tạo ra môi trường cạnh tranh không công bằng, gây thiệt hại cho các đơn vị kinh doanh vận tải hoạt động tại bến. Do vậy, lượng khách vào Bến xe miền Đông ngày càng ít khiến nhiều doanh nghiệp hoạt động trong bến càng chạy càng lỗ. Qua khảo sát, trên địa bàn TP, mỗi ngày có khoảng hơn 10.000 hành khách được hàng trăm xe hoạt động theo dạng này vận chuyển đi các tuyến Vũng Tàu, Đà Lạt, Nha Trang, Buôn Ma Thuột, Phan Thiết, Đà Nẵng, Huế…

Các doanh nghiệp này không biết hay cố tình “lờ” Quyết định số 16 của Bộ GTVT về “Quy định vận tải khách bằng ô tô theo tuyến cố định, Hợp đồng và vận tải khách du lịch bằng ô tô”? Trong quy định này nêu rõ: “Nghiêm cấm các xe vận chuyển khách theo hợp đồng tổ chức bán vé cho khách đi xe. Nghiêm cấm các xe đăng ký khai thác vận tải khách du lịch tổ chức bán vé cho khách”. Tuy đã có những quy định khá đầy đủ và các cơ quan đã nỗ lực xử lý nhưng tình trạng xe dù, bến cóc trên địa bàn thành phố vẫn không giảm mà còn có chiều hướng tăng lên dưới hình thức “open tour”, hợp đồng. Thậm chí, vì cạnh tranh để tăng lượng hành khách, một số đơn vị vận tải thương hiệu đang hoạt động tại các bến xe cũng đưa xe ra hoạt động dưới hình thức open tour để trốn thuế và được đón khách trong nội đô. Mặc dù Bến xe miền Đông đã nhiều lần báo cáo và phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý xe chạy “dù” nhưng mọi chuyện đâu vẫn vào đấy. Trong khi đó, 2 thành phố Cần Thơ và Đà Nẵng đã xử lý triệt để được loại hình kinh doanh trá hình này.

Trước thực trạng xe dù ngang nhiên hoạt động, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Hữu Tín đã nhiều lần chỉ đạo Sở GTVT, Công an thành phố và chủ tịch 24 quận, huyện kiểm tra, xử lý kiên quyết những trường hợp đậu xe không đúng bến bãi. Nhất là trường hợp xe khách chạy vào trong nội thành đón trả khách. Tuy nhiên, xe dù, bến cóc mọc tràn lan nhưng các ngành chức năng cứ đá quả bóng trách nhiệm qua lại lẫn nhau, rồi đâu lại vào đấy.

Vì sao đến nay TPHCM vẫn chưa xử lý được tình trạng kinh doanh vận tải trá hình? Phải chăng các bến cóc, xe dù tại TPHCM hoạt động công khai mà cơ quan quản lý vận tải và thanh tra giao thông không biết hay biết nhưng lại làm lơ? Đó là những câu hỏi mà dư luận đang rất bức xúc và đề nghị các cơ quan chức năng sớm vào cuộc, xử lý triệt để.

QUỐC HÙNG

- Bài 1: Xe khách lộng hành nội thị

Tin cùng chuyên mục