Đến 2015: Điều trị bằng Methadone cho 80.000 người nghiện

Sáng 14-8, tại TP Đà Nẵng, Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị “Vận động triển khai chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone” với sự tham gia của 30 tỉnh, thành trên cả nước.
Đến 2015: Điều trị bằng Methadone cho 80.000 người nghiện

(SGGPO).- Sáng 14-8, tại TP Đà Nẵng, Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị “Vận động triển khai chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone” với sự tham gia của 30 tỉnh, thành trên cả nước.

Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng cho biết, thực hiện điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone, từ tháng 7-2010 đến tháng 7-2013, đã có 440 người đăng ký tham gia chương trình, số người đủ tiêu chuẩn xét chọn là 375 người, số người tham gia điều trị là 346 người, số người hiện đang được điều trị là 247 người.

Sau một thời gian thí điểm điều trị, thể trạng bệnh nhân được cải thiện rõ rệt, sức khỏe ổn định, sau 9 tháng điều trị, cân nặng trung bình mỗi người tăng 3 kg. Quan hệ giữa bệnh nhân với gia đình được cải thiện hơn, qua thăm dò có 95,5% bệnh nhân có mối quan hệ với gia đình, trong đó được gia đình tin tưởng hơn 96,7%, giảm mâu thuẫn 71,9%, được gia đình quan tâm hơn 89%. Bên cạnh đó, trong thời gian tham gia điều trị có 186/247 người tìm được việc làm, chiếm 84,5%, trong đó lao động phổ thông chiếm tỷ lệ 27,7%, buôn bán 14,5%, kinh doanh cùng gia đình 11,8%, công nhân 8,6%, cán bộ nhà nước 0,5%... So với trước khi điều trị Methadone, tỷ lệ thất nghiệp giảm từ 60,8% xuống còn 15%.

Tại hội nghị, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM cho biết, hiện TPHCM đã xây dựng kế hoạch phát triển bền vững chương trình Methadone giai đoạn 2012-2015 theo hướng thành phố giữ vai trò chủ động về ngân sách, nhân sự và các hoạt động trong việc cung cấp dịch vụ điều trị Methadone nhằm đáp ứng nhu cầu điều trị cho bệnh nhân nghiện ma túy. Chương trình được chia làm 2 giai đoạn, trong đó: giai đoạn 1 (năm 2012), duy trì 7 phòng khám cung cấp dịch vụ điều trị cho 2.000 - 2.500 bệnh nhân; giai đoạn 2 (2013-2015), mở rộng thêm từ 8 đến 10 điểm phát thuốc, cung cấp dịch vụ điều trị Methadone cho 3.500 - 4.000 người. Chương trình Methadone giai đoạn 2 sẽ mở rộng theo mô hình cơ sở điều trị và các điểm cấp phát thuốc vệ tinh, gắn điều trị với đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện.

Theo các địa phương, áp dụng thí điểm chương trình Methadone thời gian qua đã có những tác động tích cực, nhưng trong khuôn khổ mô hình thí điểm vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế như: phạm vi can thiệp hạn chế, quy mô dịch vụ điều trị nhỏ, cơ sở điều trị còn quá ít so với nhu cầu rất lớn…

Phó ban Tuyên giáo Trung ương, TS. Trương Minh Tuấn, cho biết: Hiện nay, cả nước có 213.172 người nhiễm HIV, 62.566 người bị AIDS, 63.747 người chết vì HIV/AIDS. Sử dụng Methadone là một biện pháp can thiệp giảm tác hại hiệu quả trong dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS đã được triển khai tại 80 nước trên thế giới. Tại Việt Nam, trong 5 năm qua, chương trình Methadone đạt được những kết quả đáng ghi nhận, như: tỉ lệ người nghiện các chất dạng thuốc phiện đã giảm từ 100% (ở tất cả các người bệnh trước khi vào điều trị) xuống còn 14% sau 24 tháng điều trị; những người còn sử dụng heroin thì tần suất sử dụng heroin giảm xuống. Ngoài ra, đa số người được điều trị bằng Methadone có những cải thiện về sức khỏe, chuyển biến tích cực thái độ cũng như cuộc sống, những người bệnh trước đây chưa có việc làm nay đã và đang tích cực tìm việc làm và dành thời gian hỗ trợ gia đình.

Đến 2015: Điều trị bằng Methadone cho 80.000 người nghiện ảnh 1

Hội nghị "Vận động triển khai chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng methadone" với sự tham gia của 30 tỉnh, thành trên cả nước. Ảnh: Nguyên Khôi

Tuy nhiên, TS. Trương Minh Tuấn cũng cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, còn có một số khó khăn, tồn tại như: chưa có sự đồng thuận cao giữa các ban, ngành về các giải pháp mang tính nhạy cảm liên quan đến ma túy, mại dâm và HIV/AIDS, trong đó có chương trình điều trị Methadone. Một số địa phương chưa thật sự tạo điều kiện cho việc mở rộng các hoạt động can thiệp giảm tác hại phòng lây nhiễm HIV. Một số địa phương vẫn còn thiếu nhất quán và đồng thuận giữa các biện pháp của ngành công an nhằm kiểm soát việc sử dụng ma túy và mại dâm với các biện pháp của ngành y tế về tiếp cận các đối tượng điều trị Methadone. Nhiều địa phương chưa xây dựng được quy chế phối hợp liên ngành trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, do đó chưa có sự phối hợp đồng bộ và thống nhất, nhất là phối hợp giữa 3 chương trình phòng chống ma túy – mại dâm và HIV/AIDS.

Đến năm 2015, chương trình sẽ mở rộng điều trị Methadone cho khoảng 80.000 người của 30 tỉnh, thành trên cả nước.

 NGUYÊN KHÔI

Tin cùng chuyên mục