Quản lý trò chơi trực tuyến: Mở hay đóng?

Vi phạm để tồn tại hay là chết?

Ngày 3-7, Bộ TT-TT đã tổ chức hội thảo nâng cao hiệu quả công tác quản lý trò chơi trực tuyến (game online - GO). Tại đây, các ý kiến đều cho rằng doanh nghiệp kinh doanh, cung cấp dịch vụ GO Việt Nam hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí là có nguy cơ phá sản; các cơ quan quản lý nhà nước cần sớm có sự đổi mới trong việc quản lý GO...

Vi phạm để tồn tại hay là chết?

Đó là tình trạng chung của các doanh nghiệp làm GO hiện nay, bởi từ tháng 8-2010 đến nay, sau khi Bộ TT-TT ngừng việc cấp phép GO mới cũng như không cho phép quảng bá, các doanh nghiệp đều lâm vào thế khó khăn.

Nếu làm thì vi phạm, nhưng nếu không làm thì có nguy cơ phá sản, đóng cửa. Báo cáo của Bộ TT-TT cho biết, tính đến tháng 7-2013 đã cấp phép 117 game phát hành tại Việt Nam, nhưng có 44 game đã đóng cửa. Nhưng số lượng GO không phép được cung cấp trên thị trường Việt Nam thì gấp nhiều lần số lượng game có phép. Trong đó ước tính có hơn 200 game cung cấp qua internet, hàng ngàn game cung cấp trên các mạng xã hội và cổng ứng dụng smartphone.

Chánh Thanh tra Bộ TT-TT Nguyễn Văn Hùng cho biết, trong 2 năm 2011 và 2012, Thanh tra bộ đã xử phạt vi phạm hành chính 14 doanh nghiệp hoạt động cung cấp dịch GO với số tiền 577 triệu đồng. Kết quả thanh tra cũng xác định 100% các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ GO đều có sản phẩm đang phát hành mà chưa được thẩm định nội dung, kịch bản, vi phạm quy định pháp luật. Chính vì vậy, nhiều ý kiến tại hội thảo đã kiến nghị Chính phủ nhanh chóng ban hành nghị định thay thế Nghị định 97/2008/NĐ-CP trong đó các quy định về quản lý trò chơi trực tuyến đã lạc hậu, không còn phù hợp với thực tế; đồng thời, cần thành lập hội đồng xét duyệt nội dung kịch bản trò chơi trực tuyến đáp ứng yêu cầu quản lý và thực tế khách quan, với tiêu chí khoa học, nhanh nhạy, công khai. Từ đó, tiếp tục xem xét, cấp phép đối với các trò chơi phù hợp với quy định, đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng chính đáng của xã hội. Các cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm vi phạm của các doanh nghiệp trái quy định pháp luật, phối hợp với các cơ quan chức năng đấu tranh mạnh mẽ với các hành vi vi phạm của các công ty nước ngoài đang hoạt động trái phép tại Việt Nam.

Ông Nguyễn Văn Khoa, Giám đốc FPT Online, đã thẳng thắn thừa nhận, FPT Online đang làm một số game không phép, dù không mong muốn nhưng vì sự sống còn họ bắt buộc phải làm vậy. “Nếu không cấp phép, các doanh nghiệp sẽ vẫn phải tiếp tục vi phạm cung cấp game không phép. Vì hiện nay các doanh nghiệp đang đứng trước tình thế vi phạm để tồn tại hay là chết. Nếu không khẩn trương cấp phép sẽ có nhiều doanh nghiệp có nguy cơ bị xử lý hình sự vì kinh doanh không phép” - Chánh Thanh tra Nguyễn Văn Hùng nói.

Quản lý thế nào?

Theo Bộ TT-TT, doanh thu của toàn ngành GO năm 2012 khoảng 5.000 tỷ đồng, riêng game trên mobile thu về đến 1.000 tỷ đồng. Hiện tại có hơn 200 GO đang được vận hành toàn quốc (bao gồm client game và webgame), còn với game mobile là hơn 100 game. Số lượng nhà phát hành nội địa là 40 công ty, riêng các studio làm game có 20 đơn vị. Doanh thu từ các game được sản xuất trong nước năm 2012 chiếm 10% - 15% tổng doanh thu toàn ngành (khoảng 500 tỷ đồng). Đây là con số khá bất ngờ vì trước nay nhiều người cho rằng, các game “made in Việt Nam” đều thất bại về thu nhập. Theo ông Lê Hồng Minh, Tổng Giám đốc VNG, ngành GO Việt Nam đang đóng vai trò không hề nhỏ khi nó có tiềm năng mang về hơn 5.000 tỷ đồng doanh thu trực tiếp và khoảng 20.000 tỷ đồng doanh thu gián tiếp. Với việc mang về lượng tiền lớn như trên, không có gì khó hiểu khi số lượng lao động trực tiếp về game tại Việt Nam hiện tại là hơn 7.000 người (lao động gián tiếp là khoảng 100.000 người)...

Theo các doanh nghiệp kinh doanh game tại Việt Nam như VNG, FPT, VTC... cùng với sự phát triển của điện thoại thông minh, các loại smart TV, đây là một xu hướng tất yếu của xã hội, đáp ứng nhu cầu giải trí thật sự của người dân. Nếu có sự đầu tư đúng mức của nhà nước, cùng với quy chế quản lý game và hỗ trợ doanh nghiệp nội địa phát triển lĩnh vực này, doanh thu về cho ngân sách nhà nước là rất lớn. Tuy nhiên, cho đến nay công tác quản lý GO cũng như công tác tuyên truyền đến người chơi những ảnh hưởng tiêu cực do chơi game quá độ, hạn chế lứa tuổi chơi game tại các điểm dịch vụ internet công cộng là khá phức tạp, khó quản lý. Để thúc đẩy thị trường game nội địa phát triển đồng thời tạo ra những sinh hoạt lành mạnh cho người chơi game ở các lứa tuổi cần phải có những văn bản quy phạm pháp luật phù hợp với thực tế nhằm quản lý hiệu quả hơn trong lĩnh vực này. Các doanh nghiệp kinh doanh GO bày tỏ mong muốn Bộ TT-TT sớm trình Chính phủ ban hành quy chế về quản lý, cung cấp và sử dụng GO để các doanh nghiệp có cơ sở trong định hướng hoạt động và phát triển trong thời gian tới. Bên cạnh đó sẽ hạn chế được những mặt tiêu cực của GO, game lậu, đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nội phát triển, cạnh tranh lành mạnh với game ngoại.

Thứ trưởng Bộ TT-TT Đỗ Quý Doãn khẳng định việc quản lý GO là cần thiết nhưng “không thể cứ thấy khó là cấm” mà phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước có điều kiện phát triển. Nghị định về quản lý internet trong đó có GO thay thế Nghị định 97 hiện đang được hoàn thiện và sẽ sớm ban hành. Thời gian tới, Bộ TT-TT sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành liên quan, nghiên cứu để sớm tháo gỡ những nút thắt hiện tại đối với ngành GO Việt Nam. Các đơn vị chức năng của bộ cũng sẽ khẩn trương xem xét, rà soát số lượng hồ sơ đang chờ xin cấp phép (khoảng 70 game).

TRẦN LƯU

Tin cùng chuyên mục