Chung tay giảm thiểu tai nạn giao thông

Nhiều câu hỏi nhức nhối
Chung tay giảm thiểu tai nạn giao thông

Những vấn đề nóng nhất, nhạy cảm nhất, cụ thể nhất đều được đem ra mổ xẻ tại buổi tọa đàm trực tuyến “Chung tay giảm thiểu tai nạn giao thông” tổ chức ngày 2-7 tại Cổng thông tin điện tử Chính phủ với sự tham gia của đại diện Bộ GTVT, Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia, Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) đường bộ, đường sắt. Mặc dù phần trả lời của các cơ quan chức năng chưa thật sự thỏa đáng nhưng người dân có thể tin tưởng và hy vọng vào những giải pháp mạnh nhằm kiềm chế tai nạn giao thông sẽ được thực hiện trong thời gian tới.

Thanh tra Sở GTVT TPHCM kiểm tra thiết bị giám sát hành trình. Ảnh: PHẠM KIM NGÂN

Thanh tra Sở GTVT TPHCM kiểm tra thiết bị giám sát hành trình. Ảnh: PHẠM KIM NGÂN

Nhiều câu hỏi nhức nhối

Rất nhiều bạn đọc phản ánh về tình trạng mãi lộ của cảnh sát giao thông. Có bạn đọc viết: “Theo tôi, cũng 100% do CSGT. Xuất xe tại bến, khách đã phải ngồi ghế nhựa và cả trên nắp cabo do quá đông, vậy mà CSGT trực ngay tại cổng bến xe và ban quản lý vẫn cho xe xuất bến”. Thậm chí bạn đọc này còn viết: “Mong bộ trưởng GTVT có địa chỉ Facebook để người dân có thể chuyển những hình ảnh nhà xe mỗi khi tới chốt CSGT. Họ chỉ mất 5-10 giây là lại lao vun vút, xe chở quá người, quá tải vẫn đi ngon”.

Trả lời câu hỏi này, Đại tá Trần Sơn Hà, Phó Cục trưởng Cục CSGT đường bộ, đường sắt, cho biết: “Chỉ tính trong 6 tháng đầu năm, chúng tôi đã xử lý gần 3 triệu trường hợp vi phạm giao thông với số tiền phạt khoảng 1.500 tỷ đồng nhưng tai nạn giao thông vẫn xảy ra nhiều. Rõ ràng vi phạm quá phổ biến trong khi lực lượng kiểm tra quá mỏng”. Tuy nhiên, một độc giả ở Gia Lai không đồng tình với ý kiến này bởi có những trường hợp xe quá tải và xe nhồi nhét khách vẫn được CSGT cho đi qua. Dù đại tá Trần Sơn Hà cho biết đã xử lý trên 20 trường hợp CSGT có vi phạm quy trình, thậm chí có vụ nhận tiền tiêu cực đã bị xử lý nghiêm như buộc ra khỏi ngành hoặc xử lý trước pháp luật nhưng lập tức, câu hỏi được đặt ra là “Liệu 20 trường hợp đã là tất cả?”.

Một vấn đề được bạn đọc đặc biệt quan tâm đó là có khá nhiều tai nạn xảy ra do xe cũ, nát không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật. Thực tế trên đường, ai cũng có thể thấy những chiếc xe “rách” tơi tả vẫn được lưu thông.

Về trường hợp vẫn cấp giấy phép lái xe cho người cụt 2 chân vừa được phát trên truyền hình, đại tá Trần Sơn Hà cho biết: “Tôi đã từng hỏi cung 1 trường hợp lái xe khách gây tai nạn giao thông không biết chữ. Khi gây tai nạn thì anh ta điểm chỉ. Tôi hỏi học ở đâu, anh ta không trả lời được, vì làm thủ tục hồ sơ qua một người khác. Trong vụ tai nạn thảm khốc tại cầu Serepok, lái xe là người đã lĩnh án 8 năm tù vì án ma túy, thụ án 7 năm được mãn hạn. Trong quá trình thụ án anh ta vẫn được đổi giấy phép lái xe. Sau khi mãn hạn tù anh ta đổi giấy phép lần 2 vào tháng 5, đến tháng 7 thì gây tai nạn.  Nhiều trường hợp khác nữa, như vụ đổ xe ở Núi Nguộc, Nghệ An, lái xe chỉ có 1 chân… Đây là một thực tế, chúng ta kiểm soát đầu vào chưa chặt, hoặc người ta làm giấy phép lái xe giả hoặc bằng cách nào đó người ta lấy được giấy phép lái xe”. Một câu hỏi nhức nhối đặt ra ngay đối với những người có trách nhiệm  “Chỉ cần 1 người sai nhưng có thể gây nguy hiểm cho hàng chục sinh mạng?”.

Quyết liệt thực hiện Chỉ thị 12

Chỉ thị số 12/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện các giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn tai nạn giao thông nghiêm trọng trong hoạt động vận tải được kỳ vọng là sẽ làm thay đổi cục diện vấn đề ATGT trong thời gian tới. Theo ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia, Chỉ thị 12 là giải pháp rất mạnh với quan điểm và cách làm mới. Trong đó tập trung nhiều vào việc nâng cao tinh thần trách nhiệm, thái độ của người thực thi công vụ và sự vào cuộc đồng bộ và quyết liệt hơn của hệ thống chính trị và Ban ATGT địa phương. 

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cũng khẳng định, thực hiện Chỉ thị 12, Bộ GTVT sẽ tập trung thực hiện đợt cao điểm kiểm tra tốc độ xe khách từ nay đến hết năm và đặc biệt là từ nay đến 30-9. Đồng thời, sẽ rà soát quy định điều khiển phương tiện, sửa đổi Nghị định 91 coi hoạt động vận tải hành khách là kinh doanh đặc biệt với các quy định chặt chẽ hơn về điều kiện thành lập, sức khỏe lái xe để đảm bảo an toàn cao nhất cho hành khách…

Để giải quyết triệt để vấn đề lái xe bất cẩn trên đường cũng do chủ xe ép tiến độ, Bộ GTVT sẽ quản lý chặt chẽ phương tiện thông qua thiết bị giám sát hành trình. Tất cả các đơn vị vận tải sẽ bị xử phạt nếu không lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cũng như các thiết bị đó không hoạt động, các đơn vị có 20% phương tiện vi phạm tốc độ cũng bị rút giấy phép kinh doanh. Đối với cơ quan đăng kiểm, sẽ xây dựng quy trình, quy phạm để đảm bảo tính khách quan, kiểm định thông qua hệ thống máy móc tự động; in kết quả công bố để lái xe được biết; lắp hệ thống camrera giám sát để lãnh đạo các cấp giám sát hoạt động các trạm đăng kiểm; có đường dây nóng để các lái xe phản ánh về các cơ quan quản lý nhà nước…

BÍCH QUYÊN


Nhiều xe sử dụng hộp đen không đúng quy định

Đã qua ngày thứ 2 kiểm tra thiết bị giám sát hành trình (hộp đen) đối với xe buýt, xe đò tuyến cố định, xe hợp đồng du lịch và xe container, hầu hết các xe vi phạm các lỗi như không có bảng chỉ dẫn, hộp đen lắp không có tác dụng theo kiểu đối phó hay chưa nắm rõ quy trình hoạt động của hộp đen nên không thể kết nối với thiết bị kiểm tra...

Một hộp đen được lắp để đối phó, khi đưa vào thì bộ phận thu nhận thông tin không tiếp nhận tín hiệu. Ảnh: Thanh Hải

Một hộp đen được lắp để đối phó, khi đưa vào thì bộ phận thu nhận thông tin không tiếp nhận tín hiệu. Ảnh: Thanh Hải

Tài xế xe có hộp đen không đạt yêu cầu, ký biên bản vi phạm. Ảnh: PHẠM KIM NGÂN

Tài xế xe có hộp đen không đạt yêu cầu, ký biên bản vi phạm. Ảnh: PHẠM KIM NGÂN

Sáng 2-7, Thanh tra Sở GTVT TPHCM phối hợp với Phòng CSGT đường sắt - đường bộ Công an TPHCM (PC67) đứng chốt trên quốc lộ 1A (quận Thủ Đức) để kiểm tra hộp đen trên xe.

Xe container 57K-8928 được lắp hộp đen nhưng thiếu bảng chỉ dẫn sử dụng cách nhập mã vào hộp đen. Tài xế Mai Văn Nguyên đề nghị chưa lập biên bản và báo chủ doanh nghiệp lên đối chứng. Anh Hoàng Văn Đương, chủ doanh nghiệp Khánh Kim (quận 1), đến và cầm theo vỏ hộp đen do một công ty viễn thông nổi tiếng lắp đặt nhưng đã không hướng dẫn tường tận cách sử dụng. Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp vận tải lắp đầy đủ, đúng yêu cầu của thiết bị nhưng khi thanh tra lắp bộ phận thu nhận thông tin của hộp đen thì không nhận được tín hiệu, có trường hợp đường dây kết nối không khớp với cổng nhận. Như trường hợp hộp đen của xe khách 79B-004.22, với tài xế Nguyễn Phương Hoàng, không kết nối được với máy chủ doanh nghiệp do không có dây kết nối với thiết bị tiếp nhận thông tin. Hộp đen này không đúng với mẫu của Bộ GTVT quy định. Nhiều tài xế bức xúc khi bị xử phạt vì đây là lỗi của chủ doanh nghiệp khi lắp hộp đen đối phó.

Được biết, trong 2 ngày qua, đoàn thanh tra đã kiểm tra và phát hiện trên 10 xe gắn hộp đen nhưng hoạt động chưa đúng với quy định. Những xe trong diện bắt buộc phải lắp đặt hộp đen hoặc có hộp đen nhưng không hoạt động sẽ bị xử phạt  500.000 - 2 triệu đồng và tước giấy phép kinh doanh vận tải. Có 2 hình thức xử lý là phạt nguội qua hình ảnh giám sát từ camera và phạt trực tiếp từ việc tuần tra kiểm soát, bắn tốc độ của lực lượng cảnh sát giao thông.

8 giờ 37 phút ngày 2-7, Thanh tra giao thông và Phòng Quản lý vận tải đường bộ Sở GTVT TPHCM kiểm tra thiết bị giám sát hành trình (hộp đen) tại Công ty cổ phần Thương mại vận tải du lịch Diệu Minh (49/48 đường Huỳnh Mẫn Đạt, phường 19, quận Bình Thạnh). Đoàn thanh tra kiểm tra hồ sơ và hệ thống kết nối theo dõi tín hiệu từ hộp đen tại căn nhà nhỏ chưa tới 30m² nằm sâu trong con hẻm chỉ vừa đủ 2 xe gắn máy đậu.

Sau gần 3 giờ kiểm tra hồ sơ, đoàn cho 2 chuyên viên đến đường Tản Đà quận 5 kiểm tra công đoạn gắn hộp đen trên xe của công ty này. Tuy nhiên, theo ghi nhận, 2 chuyên viên này kiểm tra hộp đen rất sơ sài. Họ chỉ lên xe dòm ngó vị trí lắp đặt hộp đen, còn phần lớn thời gian là “làm mẫu” cho phóng viên chụp hình. Mặc dù trên tay 2 chuyên viên này có biên bản ghi nhận kết quả kiểm tra việc tuân thủ các quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh vận tải trên địa bàn TP vẫn chưa thấy ghi gì nhưng họ đã nhanh chóng rút đi. Chiều tối cùng ngày, trao đổi với PV Báo SGGP, ông Phạm Đình Đức, Trưởng phòng Quản lý vận tải đường bộ Sở GTVT, cho biết không có chức năng cung cấp thông tin trừ khi có ý kiến cấp trên. Liên hệ với lãnh đạo Sở GTVT cũng không được trả lời.

HẢI THANH - QUỐC HÙNG

Tin cùng chuyên mục