Nỗi lo mơ hồ… Ngờ đâu!

Tối 23-6, phóng viên Tiến Đạt hốt hoảng điện thoại cho tôi báo hung tin: chú Tư Trung qua đời! Chưa tin, tôi khéo léo gọi điện thoại cho vài bác sĩ để thăm dò. Tôi bần thần trước sự ra đi đột ngột của chú…. Giữa nhạt nhòa của cơn mưa Sài Gòn trưa 24-6, trong trí óc tôi, từng đoạn, từng đoạn ký ức về chú chợt ùa về.
Nỗi lo mơ hồ… Ngờ đâu!

Tối 23-6, phóng viên Tiến Đạt hốt hoảng điện thoại cho tôi báo hung tin: chú Tư Trung qua đời! Chưa tin, tôi khéo léo gọi điện thoại cho vài bác sĩ để thăm dò. Tôi bần thần trước sự ra đi đột ngột của chú…. Giữa nhạt nhòa của cơn mưa Sài Gòn trưa 24-6, trong trí óc tôi, từng đoạn, từng đoạn ký ức về chú chợt ùa về.

Viện sĩ BS. Dương Quang Trung trao học bổng Nguyễn Văn Hưởng cho các sinh viên Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch. Ảnh: MAI HẢI

Viện sĩ BS. Dương Quang Trung trao học bổng Nguyễn Văn Hưởng cho các sinh viên Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch. Ảnh: MAI HẢI

1. Tháng 4-1996, chân ướt chân ráo về Báo Sài Gòn Giải Phóng tôi được phân công viết về mảng y tế. Tôi còn nhớ ngày đầu tiên tôi tiếp cận lĩnh vực này thì được đi dự một hội nghị tại Viện Y học dân tộc. Tôi đến cuộc họp khá sớm. Vừa đến nơi thì thấy một ông già tướng uy nghi, tóc trắng như cước, nhìn phía sau hao hao giống Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Khi biết ông là Giám đốc Sở Y tế, tôi bước đến và giới thiệu. Với nụ cười thật hiền lành, ông bảo tôi - lính mới mà chưa đến “trình diện” Sở Y tế! Từ đó hầu như tuần nào tôi cũng có dịp gặp ông. Và tôi gọi ông theo cách trân trọng mà mọi người vẫn thường xưng hô với ông - chú Tư. Dấu ấn ông để lại trong tôi không phải là tài thao lược của một nhà quản lý. Và lại càng không phải là một tiến sĩ, viện sĩ y khoa tên tuổi lẫy lừng.

Với tôi, ông như một người chú thực sự. Dấu ấn đó để lại trong tôi thật sâu đậm bởi những ngày đó dù công việc và áp lực trong quản lý điều hành rất lớn nhưng khi gặp anh chị em phóng viên viết về mảng y tế chú Tư vẫn tranh thủ hỏi thăm hoàn cảnh gia đình, điều kiện tác nghiệp… Chú coi chúng tôi như con em trong nhà. Có lẽ chính vì điều đó mà đôi lúc vì đam mê với thông tin, tôi đưa tin hơi “nóng” chưa kiểm chứng kỹ, không có lợi cho chú nhưng chú vẫn không phật lòng. Gặp tôi sau mỗi lần như vậy chú vẫn cười xòa….

2. Sau khi nghỉ hưu dù bận trăm công ngàn việc với hội này hội kia nhưng khi hay tin Báo Sài Gòn Giải Phóng thành lập Quỹ Học bổng Nguyễn Văn Hưởng và có ý mời chú Tư làm Chủ tịch Hội đồng quản lý quỹ thì chú nhận lời ngay. Chú bảo, phải làm cái gì đó để giúp các em nghèo học ngành y có điều kiện phát triển tài năng. Hàng năm chuẩn bị đến ngày xét Học bổng Nguyễn Văn Hưởng chúng tôi gọi điện xin ý kiến chú để họp Ban quản lý quỹ. Chú nhắc: “Chọn ngày gần nhất, làm sớm để các trường triển khai xét học bổng kịp cho các em. Mấy sắp nhỏ đang cần tiền lắm”.

Trong những lần họp Ban quản lý quỹ, chú thường là người có mặt sớm nhất. Chú bước vào phòng họp với dáng lừng lững và nụ cười luôn tươi rói. Cuộc họp năm nào chú cũng hướng mọi người vào việc nâng số lượng sinh viên được trao giải. Biết tăng số lượng giải, tăng giá trị giải thưởng là tăng áp lực về tài chính cho quỹ; thương chúng tôi vất vả chú luôn động viên an ủi. Chú vẫn thường vỗ vai chúng tôi: “Cố lên, chỗ nào khó cứ điện thoại cho chú”. Có lẽ chính vì những quan tâm của chú, vì uy danh của chú mà Quỹ Học bổng Nguyễn Văn Hưởng của Báo Sài Gòn Giải Phóng ngày càng lớn mạnh, trở thành học bổng danh giá trong sinh viên ngành y, dược như ngày nay.

3. Chiều 15-4-2013, chị Dung, Hiệu trưởng Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch điện thoại cho tôi, giọng gấp gáp: “Phải điều chỉnh ngày trao Học bổng Nguyễn Văn Hưởng thôi Hồng Lam ơi. Chiều 23 chú Tư phải bay ra Hà Nội để sáng ngày 24-4, chú Tư dự một hội nghị quan trọng ở Hà Nội. Chú lớn tuổi rồi bay chuyến bay tối vất vả lắm”. Chú là Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Học bổng Nguyễn Văn Hưởng - lễ trao giải thưởng năm nay là lễ tròn 15 năm, vắng chú sao đặng. Thư mời thì gửi hết rồi. Tôi đang loay hoay tìm cách xử lý thì nhận được điện thoại chú Tư. Chú hỏi thăm công việc chuẩn bị cho lễ trao Học bổng Nguyễn Văn Hưởng đến đâu rồi. Sau khi báo cáo đầy đủ với chú tôi nêu khó khăn vì vừa nhận được thông tin…

Không để tôi trình bày, chú nói ngay: “Khỏi phải dời ngày. Chiều 23-4, trao học bổng xong chú ra Hà Nội chuyến tối cũng được”. Trong điện thoại giọng chú cười vang: “Chú vẫn còn khỏe mà Hồng Lam”. Tôi thở phào nhẹ nhõm. Lễ trao Học bổng Nguyễn Văn Hưởng lần thứ 15 diễn ra thành công. Tiễn đại biểu ra về, đứng trên cầu thang nhìn thấy chú đi xuống chậm từng bước, từng bước. Lòng tôi bỗng thoáng một nỗi lo mơ hồ… Ngờ đâu…

Chiều qua, tại Nhà tang lễ thành phố chắp tay tạ từ chú, tôi không dám viết những dòng tâm sự với chú vào sổ tang mà xin phép quay về tòa soạn để tiếp tục những ký ức về chú. Chú Tư ơi! Vậy là từ nay Quỹ Học bổng Nguyễn Văn Hưởng của Báo Sài Gòn Giải Phóng và nhiều tổ chức hội đoàn đã vắng chú. Chú Tư ơi! Xin chú hãy xem những dòng ký ức hôm nay là những nén hương lòng tri ân của những người làm báo Sài Gòn Giải Phóng kính dâng lên chú! Chúng cháu cầu mong cho chú yên giấc nơi cõi vĩnh hằng!

HỒNG LAM
(nén hương lòng tiễn biệt chú Tư Trung)

Tin cùng chuyên mục