Công nhân phải nghỉ việc trông con

Về quê
Công nhân phải nghỉ việc trông con

Hết thời gian thai sản, không ít công nhân không biết tìm đâu chỗ gửi con để đi làm. Nhờ gia đình thì không phải ai cũng có điều kiện; không thể thuê người giúp việc do thu nhập thấp. Giải pháp cuối cùng là nghỉ việc, chấp nhận mất khoản thu nhập vốn đã ít ỏi của mình để ở nhà trông con.

Rất hiếm doanh nghiệp đầu tư nhà trẻ giữ con công nhân như thế này (ảnh chụp tại Công ty TNHH Việt Nam Samho).

Rất hiếm doanh nghiệp đầu tư nhà trẻ giữ con công nhân như thế này (ảnh chụp tại Công ty TNHH Việt Nam Samho).

Về quê

Đã hết thời gian nghỉ thai sản từ tháng 11-2012, con đã 9 tháng tuổi, nhưng chị Nguyễn Thị Hoa, công nhân Công ty Pouyen (Bình Tân) vẫn chưa thể đi làm vì chưa tìm được người trông con. “Mấy tháng nay cả 2 vợ chồng tìm đỏ mắt mà vẫn không có nơi nhận giữ cháu. Trường công thì chắc chắn không rồi vì cháu không có hộ khẩu, trường tư cũng không nhận trẻ dưới 1 tuổi. Gửi bà cùng xóm trọ không an tâm, vì một mình bà đã già rồi phải trông tới 5 đứa. Hết thời gian xin nghỉ không lương rồi, giờ chỉ còn cách nghỉ việc thôi. Trụ lại thành phố một thời gian nữa, nếu không được thì kéo nhau về quê, chứ cứ bám trụ thế này còn phải tốn tiền nhà trọ” - chị Hoa bộc bạch.

Cùng cảnh ngộ, chị Bùi Thị Nga, trước đây làm công nhân ở KCN Tân Tạo, cho biết, từ khi sinh đứa con thứ 2 chị đã phải xin nghỉ việc. Đứa lớn hơn, 3 tuổi, chị cũng cho ở nhà luôn. “Lương đi làm nếu không tăng ca chỉ được gần 3 triệu đồng/tháng, nếu cho 2 cháu đi học, chỉ tính riêng học phí đã ngốn trên 2 triệu đồng, chưa kể tiền ăn thêm, tiền sữa, tiền gửi quá giờ. Mà gửi ở các nhóm trẻ gia đình thì cháu cũng đâu học thêm được gì, thôi đành chấp nhận nghỉ việc ở nhà trông con. Dù sao cũng yên tâm khi gửi con cho các nhóm trẻ gia đình” - chị Nga lý giải.

Cũng lựa chọn nghỉ việc để ở nhà trông con, nhưng với chị N.T.H. (KCN Vĩnh Lộc) lại chọn cách làm có lợi hơn. Lúc đầu chị xin nghỉ việc ở nhà trông con. Tiếp đó, xóm trọ của chị có 2 người trước đây làm cùng công ty có con trạc tuổi con chị nên nhờ giữ giùm. Dần dần thấy chị “mát tay” nên những công nhân có con nhỏ trong khu nhà trọ đều nhờ chị trông giùm. Họ hùn nhau thuê thêm một phòng trọ để chị trông cháu. “Đồ ăn, vệ sinh phòng thì sáng sớm mọi người chung tay vào làm. Đồ chơi của các cháu thì có gì chơi nấy. Họ còn góp nhau mỗi người một ít để phụ thêm thu nhập cho tui, nhờ vậy mà hàng tháng có thêm một khoản tiền trang trải cuộc sống. Tui chỉ trông trẻ bằng kinh nghiệm chứ chẳng được học qua chuyên môn gì” - chị H. cho hay. Khi chúng tôi xin một tấm hình làm tư liệu thì chị lắc đầu. “Chú có thương anh em công nhân ở đây thì đừng chụp ảnh hay đưa tên và địa chỉ lên báo. Bởi tụi tui đã bị nhắc nhở là hoạt động không xin phép, không đảm bảo an toàn cho trẻ và đề nghị không tiếp tục hoạt động nữa, nếu không sẽ bị phạt” - chi H. năn nỉ.

Loay hoay tìm lối ra

Trong một buổi đối thoại với công nhân mới đây, vấn đề bức xúc và lo lắng nhất đối với công nhân hiện nay chỗ gửi trẻ. Lý giải vì sao công nhân chật vật khi đi tìm chỗ gửi con, lãnh đạo một phường tại quận Bình Tân cho biết, phường có trên 60.000 dân, đa số là công nhân lao động nhập cư trong độ tuổi sinh đẻ. Theo thống kê chưa đầy đủ, trên địa bàn hiện có trên 4.000 trẻ dưới 5 tuổi nhưng chưa có trường mầm non công lập mà chỉ phụ thuộc vào trường mầm non và cơ sở giữ trẻ tư thục. Trong khi đó, cơ sở trẻ tư thục trên địa bàn chỉ có khoảng 20% đủ điều kiện để cấp phép. Nhiều cơ sở không nhận giữ trẻ dưới 1 tuổi, thậm chí có cơ sở chỉ nhận trẻ từ 3 tuổi trở lên.

Hiệu trưởng một trường mầm non cho biết lý do họ không nhận giữ trẻ dưới 1 tuổi là do trẻ còn quá nhỏ, cần chế độ ăn, ngủ riêng, quy định về trình độ giáo viên, bảo mẫu cũng ngặt nghèo hơn. Để chăm sóc tốt, mỗi giáo viên chỉ chăm được 2-3 cháu; mặt khác vì nhận trẻ nhỏ, nhất là trẻ dưới 1 tuổi tần suất rủi ro cao do thể trạng các cháu còn yếu, hệ miễn dịch chưa hoàn thiện, rất dễ ốm, dễ bị sặc cháo, nguy hiểm đến tinh mạng… nên các trường đều muốn tránh. Đó là chưa kể, để các cháu được chăm nuôi an toàn, phát triển tốt, chi phí đầu tư phải cao, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập giáo viên nên rất ít trường thực hiện, dù theo điều lệ, các nhà trẻ sẽ bắt đầu nhận trẻ từ 3 tháng tuổi trở lên.

Trao đổi với phóng viên, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân Phạm Văn Mười cho rằng, Bình Tân có nhiều KCN, doanh nghiệp có tốc độ tăng dân số cơ học rất nhanh khiến quận quá tải về hạ tầng, nhất là trường mầm non. Hiện nay, quận phối hợp Hội LHPN TPHCM thực hiện đề án hỗ trợ các cơ sở mầm non chưa đủ điều kiện cấp phép hoạt động. Đề án có thể được triển khai trong năm nay để giải quyết những vấn đề bức xúc về chỗ giữ trẻ cho con công nhân. Tuy nhiên, đối với chỗ giữ trẻ dưới 1 tuổi vẫn chưa có hướng ra.

Hồ Thu

Tin cùng chuyên mục