Những chuyến bay ra biển

Chúng tôi đến thăm Công ty Trực thăng miền Nam thuộc Tổng Công ty Trực thăng Việt Nam đang đóng quân tại Cảng Hàng không Vũng Tàu. Nhiều chuyến bay của đơn vị đã đưa đón cán bộ, chiến sĩ ra quần đảo Trường Sa thân yêu hay đưa đón những cán bộ, công nhân, kỹ sư đang công tác trong ngành dầu khí…

Chúng tôi đến thăm Công ty Trực thăng miền Nam thuộc Tổng Công ty Trực thăng Việt Nam đang đóng quân tại Cảng Hàng không Vũng Tàu. Nhiều chuyến bay của đơn vị đã đưa đón cán bộ, chiến sĩ ra quần đảo Trường Sa thân yêu hay đưa đón những cán bộ, công nhân, kỹ sư đang công tác trong ngành dầu khí…

Khi những chiếc máy bay trực thăng hiện đại nhẹ nhàng cất cánh, ngồi trên trực thăng nhìn xuống, thấy biển xanh bao la hiện ra đẹp đến mê hồn, ai nấy càng thêm yêu biển nhiều hơn.

Đại tá Nguyễn Xuân Bội, Phó Giám đốc, Chủ nhiệm Chính trị Công ty Trực thăng miền Nam, đồng thời là phi công dày dạn kinh nghiệm bay biển, nói: “Sự có mặt trên biển của lực lượng không quân Việt Nam có khi còn mạnh hơn cả vũ khí, vì vậy chúng tôi rất vui khi được làm nhiệm vụ bay ra Trường Sa…”. Gần đây, những chuyến bay của Công ty Trực thăng miền Nam có mặt thường xuyên trên biển đã trở thành nguồn động viên tinh thần rất lớn đối với ngư dân trên biển và bộ đội Trường Sa.

Công ty Trực thăng miền Nam là một trong những đơn vị của Binh đoàn 18 thuộc Bộ Quốc phòng được thành lập năm 1985 từ một đơn vị của Quân chủng Không quân. Lúc đầu chỉ là tổ bay phục vụ ngành khai thác dầu khí, sau mở rộng thực hiện nhiều nhiệm vụ khác như vận chuyển hành khách và hàng hóa; du lịch - dịch vụ; tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, cấp cứu y tế khẩn cấp; phục vụ bay chuyên cơ và mới đây còn thực hiện nhiệm vụ bay ra các đảo Trường Sa Lớn, Song Tử Tây, An Bang, Nam Yết thuộc quần đảo Trường Sa. Sau 30 năm, giờ đây Công ty Trực thăng miền Nam nói riêng và Tổng Công ty Trực thăng Việt Nam nói chung đã trở thành một trong những đơn vị mạnh của Bộ Quốc phòng và đã được Đảng - Nhà nước phong danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Đội ngũ phi công của Công ty Trực thăng miền Nam đa số là những phi công giỏi dày dạn kinh nghiệm với hơn 40 phi công đạt hơn 5.000 giờ bay an toàn tuyệt đối, trong đó có 16 phi công với hơn 10.000 giờ bay. Đây chính là một nguồn chất xám rất quý giúp công ty bay tới thành công.

Trong năm 2012, khi máy bay EC225 gặp sự cố kỹ thuật phải ngừng bay trên toàn thế giới để sửa chữa nhưng Ban giám đốc Công ty Trực thăng miền Nam vẫn quyết định cho bay bình thường. Kết quả sau 1 năm đã khai thác được hơn 1.000 giờ bay an toàn tuyệt đối trước sự kinh ngạc của các hãng bay trên thế giới.

Trung tá Trần Ngọc Hùng, Chủ nhiệm kỹ thuật Công ty Trực thăng miền Nam, cho biết: “Khi vận hành máy bay EC225, công ty luôn đảm bảo theo dõi chặt chẽ từng thông số kỹ thuật và có những sáng kiến cải tiến kỹ thuật để khắc phục kịp thời sự cố. Sau này, thấy Việt Nam khai thác máy bay EC225 hiệu quả, nhiều hãng nước ngoài cử người đến học tập kinh nghiệm để đưa máy bay này trở lại hoạt động bình thường…”.

Không chỉ vượt khó, Công ty Trực thăng miền Nam còn dũng cảm dùng máy bay trực thăng bay trên biển suốt 5 giờ bay để thay thành công đầu đuốc cho một giàn khoan tại mỏ Sư Tử Vàng. Ngoài ra, công ty còn thực hiện đào tạo phi công tiết kiệm cho nhà nước hàng chục tỷ đồng và thực hiện nhiều chuyến bay cứu hộ, cứu nạn trên biển, xứng đáng là chỗ dựa vững chắc cho ngư dân và bộ đội Trường Sa.

MINH NGỌC

Tin cùng chuyên mục