Báo động doanh nghiệp nợ bảo hiểm thất nghiệp

Nợ tăng gần 14 lần
Báo động doanh nghiệp nợ bảo hiểm thất nghiệp

Luật Bảo hiểm thất nghiệp sau 5 năm đi vào thực tiễn

Mặc dù Luật Bảo hiểm thất nghiệp đã đi vào cuộc sống được 5 năm nay, trong đó có những chế tài cụ thể và “rắn” để bảo vệ quyền lợi của người lao động, nhưng theo thống kê mới nhất của Bộ LĐTB-XH, con số nợ đọng bảo hiểm thất nghiệp cứ năm sau lại tăng cao hơn nhiều lần năm trước.

Người lao động đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp tại TPHCM. Ảnh: PHẠM KIM NGÂN

Người lao động đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp tại TPHCM. Ảnh: PHẠM KIM NGÂN

Nợ tăng gần 14 lần

Theo ông Lê Quang Trung, Phó Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐTB-XH), năm 2011, tổng nợ đọng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) của cả nước là 172 tỷ đồng thì đến năm 2012, con số đã tăng lên tới 365,45 tỷ đồng (trong đó nợ ngân sách là 223,39 tỷ đồng). Trong 8 tháng đầu năm 2013, số nợ BHTN đã lên tới gần 600 tỷ đồng (trong đó nợ ngân sách là gần 303 tỷ đồng và đơn vị lao động nợ 292 tỷ đồng)… Tính ra, số nợ BHTN hiện nay đã tăng 14 lần so với năm đầu triển khai.

Ông Lê Quang Trung cho biết, sau 5 năm Luật Bảo hiểm thất nghiệp có hiệu lực, nợ đọng BHTN đã trở thành một vấn đề nhức nhối và có xu hướng gia tăng bên cạnh các “vấn nạn” về nợ đọng tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động của doanh nghiệp.

Lý giải cho tình trạng nợ đọng BHTN ngày càng gia tăng quá lớn như vậy, ông Nguyễn Hùng Cường, Phó ban Thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội thuộc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho rằng, do số lượng người tham gia BHTN đang có xu hướng tiếp tục gia tăng theo từng năm, nên số thu BHTN cũng tăng theo.

Qua 5 năm thực hiện chính sách BHTN, điều rất đáng mừng là số người tham gia loại hình bảo hiểm này ngày càng tăng. Nếu như năm 2009 có gần 5 triệu người tham gia BHTN thì năm 2010 là 7,2 triệu người, năm 2011 là 7,9 triệu người và năm 2012 là 8,3 triệu người.  9 tháng đầu năm 2013 đã tăng lên 8,3 triệu người.

Theo Thứ trưởng Bộ LĐTB-XH Nguyễn Thanh Hòa, nhờ có chính sách BHTN được áp dụng đúng vào thời điểm nền kinh tế khó khăn, hàng triệu người đã được bù đắp một phần thu nhập cho thời gian mất việc làm và được giúp đỡ tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ người lao động học nghề, góp phần an sinh xã hội... Theo thống kê, từ ngày 1-1-2010 đến nay, cả nước đã giải quyết trợ cấp thất nghiệp cho 1,2 triệu người và tư vấn, giới thiệu việc làm cho gần 1 triệu người, hỗ trợ học nghề cho 13.599 người...

Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là nếu tình trạng nợ đọng BHTN cùng với các loại nợ đọng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế… ở mức quá lớn và kéo dài thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi của người lao động khi họ gặp các sự cố và về lâu dài có thể ảnh hưởng cân đối thu – chi, gây mất cân đối Quỹ BHTN.

Phải phạt nặng doanh nghiệp vi phạm!

Vấn đề mà nhiều người còn băn khoăn là tại sao chúng ta đã có luật được quy định rất rõ ràng nhưng vẫn đang để các doanh nghiệp cố tình “lách luật”? Ông Lê Quang Trung lý giải, mặc dù chế tài đã nêu: những lao động được ký hợp đồng từ 12 tháng và từ 10 lao động trở lên thuộc diện bắt buộc phải đóng BHTN kể từ 1-1-2009 thì đều phải tham gia BHTN. Trong đó, người lao động phải đóng 1% tiền lương và chủ sử dụng lao động đóng 1%. Nhưng cái khó là hiện cơ quan chức năng không xác định được chính xác số lượng đơn vị, những người thực tế làm việc tại các doanh nghiệp thuộc đối tượng tham gia BHTN. Vì vậy, đã dẫn tới tình trạng doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm cho người lao động diễn ra khá phổ biến, chủ yếu thông qua “chiêu thức” chỉ ký hợp đồng lao động với người lao động dưới 12 tháng để không phải đóng BHTN cho người lao động.

Bộ LĐTB-XH thừa nhận, tình trạng doanh nghiệp đã trích lại tiền lương của người lao động để đóng BHTN nhưng lại không nộp cho quỹ là một hình thức chiếm đoạt và vi phạm luật. Điều này đã gây khó khăn cho người lao động khi phải đi lại nhiều nơi, nhiều lần để giải quyết chính sách. Điều đáng buồn là trong luật đã quy định các doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm xã hội nói chung và BHTN đều bị xử lý, phạt nặng, nhưng do chế tài vẫn còn quá nhẹ nên cũng chỉ như “gãi ngứa”.

PHÚC HẬU

Tin cùng chuyên mục