Băn khoăn

Bộ LĐTB-XH vừa đưa ra hai phương án điều chỉnh lương tối thiểu vùng trong các loại hình doanh nghiệp vào năm 2013. Theo đó, mức điều chỉnh lương cao dự kiến tăng từ 400.000 đến 700.000 đồng/tháng.

Bộ LĐTB-XH vừa đưa ra hai phương án điều chỉnh lương tối thiểu vùng trong các loại hình doanh nghiệp vào năm 2013. Theo đó, mức điều chỉnh lương cao dự kiến tăng từ 400.000 đến 700.000 đồng/tháng.

Với phương án 1, mức lương tối thiểu áp dụng cho vùng 1 tăng từ 530.000 - 700.000 đồng/tháng. Cụ thể, mức lương tối thiểu vùng 1 là 2.700.000 đồng/tháng (hiện tại là 2 triệu đồng/tháng), vùng 2 là 2.400.000 đồng (hiện tại là 1.780.000 đồng/tháng), vùng 3 là 2.130.000 đồng/tháng (hiện tại 1.550.000 đồng/tháng) và vùng 4 là 1.930.000 đồng/tháng (hiện tại là 1.400.000 đồng/tháng).

Còn phương án 2, mức điều chỉnh tương ứng với vùng 1 là 2.500.000 đồng/tháng, vùng 2 là 2.250.000 đồng/tháng, vùng 3 là 1.950.000 đồng/tháng và vùng 4 là 1.800.000 đồng/tháng.

Thứ trưởng Bộ LĐTB-XH Phạm Minh Huân cho biết, điều chỉnh lương tối thiểu là việc phải làm với mục tiêu lương tối thiểu phải đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu.

Theo kế hoạch dự kiến, chính phủ sẽ công bố điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng vào tháng 10-2012 và bắt đầu thực hiện từ ngày 1-1-2013.

Theo ông Huân, phương án 1 điều chỉnh lương tối thiểu có ưu điểm giúp người lao động giảm bớt gánh nặng khó khăn trong bối cảnh giá cả liên tục trượt giá, leo thang. Tuy nhiên, đây cũng là bài toán nan giải đối với nhiều doanh nghiệp đang trong tình trạng khó khăn, do mức điều chỉnh này làm tăng chi phí lớn, ảnh hưởng đến khả năng chi trả của doanh nghiệp. Còn phương án 2, tuy phù hợp với tình hình sản xuất kinh doanh khó khăn của doanh nghiệp hiện nay nhưng chưa đạt được theo lộ trình điều chỉnh tiền lương như đã đề ra.

Tuy nhiên, theo ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, việc áp dụng mức lương tối thiểu hiện nay còn bất cập do việc xác định mức lương tối thiểu chưa đúng bản chất. Đúng ra, mức lương tối thiểu phải được thực hiện theo định nghĩa tại điều 91, Bộ luật Lao động sửa đổi năm 2012: Mức lương tối thiểu là mức thấp nhất trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường và phải đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ.

Trên thực tế, theo khảo sát của Tổng LĐLĐ, mức lương tối thiểu hiện nay chỉ đáp ứng được 60% nhu cầu sống tối thiểu của người lao động. Để đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của người lao động, mức lương tối thiểu năm 2013 phải đạt 3.118.000 đồng/tháng. Nếu doanh nghiệp trả theo mức lương tối thiểu hiện nay, chắc chắn người lao động không thể đủ sống nên nhiều nơi phải trả thêm các khoản phụ cấp khác như tiền xăng, tiền cơm, nhà trọ…

Còn phía các doanh nghiệp lại cho rằng, trong tình hình kinh tế khó khăn hiện nay, nhiều doanh nghiệp đang phải cầm cự do hàng hóa tồn kho, chi phí đầu vào tăng nên việc điều chỉnh lương tối thiểu với biên độ lớn sẽ khiến doanh nghiệp gặp không ít khó khăn. Các doanh nghiệp đề xuất lùi thời gian tăng lương tối thiểu và chỉ nên tăng lương tối thiểu ở mức 15% hoặc 300.000 - 350.000 đồng/tháng so với mức lương tối thiểu hiện tại.

Ông Nguyễn Tấn Định, Phó Trưởng ban Quản lý Khu chế xuất - Khu công nghiệp TPHCM cho biết, qua khảo sát, đa phần các doanh nghiệp cho rằng mức lương tối thiểu tại TPHCM (vùng 1) là 2.500.000 đồng/tháng là hợp lý.

Về phía người lao động, người trực tiếp làm công ăn lương, băn khoăn vì vấn đề lớn nhất đối với họ không phải là việc tăng lương nhiều hay ít mà ở chỗ chỉ mong giá cả đừng tăng để họ bảo đảm cuộc sống.


HỒ THU

Tin cùng chuyên mục