Cần thay đổi hành vi và thói quen của người tham gia giao thông

Theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải TPHCM, trong 6 tháng đầu năm trên địa bàn TPHCM, số vụ tai nạn giao thông (TNGT) so với cùng kỳ năm 2011 đã giảm 30%. Có thể nói con số thống kê đó là chuyển biến tích cực của tình hình giao thông TP, đáp ứng mục tiêu Năm an toàn giao thông 2012. Tuy nhiên, trong vòng vài tháng trở lại đây, Ban An toàn giao thông (ATGT) TPHCM cho biết, số vụ tai nạn trên địa bàn TP đã có dấu hiệu tăng trở lại. Cụ thể, chỉ trong tháng 7-2012, ở TPHCM xảy ra 67 vụ TNGT, làm chết 61 người, bị thương 25 người. So với tháng 6-2011 lại tăng 11 vụ, tăng 12 người chết và tăng 6 người bị thương. Riêng tháng 8-2012, nhiều vụ tai nạn, thậm chí tai nạn liên hoàn cũng đã xảy ra trên địa bàn TP.

Vậy đâu là lý do khiến cho tình hình giao thông lại có chuyển biến tiêu cực như vậy? Đó không chỉ là do áp lực của lưu lượng, mật độ lưu thông xe, sự bất cập của phân làn, phân luồng hay hạ tầng giao thông mà nguyên nhân chính, chủ yếu nhất là do ý thức kém khi tham gia giao thông của người dân. Nhìn lại các vụ tai nạn xảy ra trong thời gian qua cũng như phân tích thói quen khi tham gia giao thông của người dân, có thể thấy hai nguyên nhân hàng đầu dẫn đến việc xảy ra TNGT: đi quá tốc độ và lấn tuyến.

Một người nước ngoài đã từng phát biểu về thói quen khi tham gia giao thông của người Việt Nam: “Dường như người Việt có thói quen đi theo hàng ngang!”. Thật vậy, khi có đèn đỏ hay xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông hay đơn thuần chỉ là lưu thông trong tình trạng thông thoáng, người dân ta thường có xu hướng vượt lên phía trước bằng cách leo lề, thậm chí lấn tuyến hẳn sang phần đường dành cho chiều lưu thông ngược lại. Bên cạnh đó, chính thói quen nóng vội, ít khi nhường đường của người tham gia lưu thông cũng làm cho TNGT xảy ra. Chúng ta dường như không đủ kiên nhẫn để chờ đợi khi tham gia giao thông. Có thể dễ dàng bắt gặp hiện tượng đèn đỏ chỉ mới chuẩn bị chuyển sang màu xanh, người tham gia lưu thông đã vội vã lao lên tham gia lưu thông. Trong khi đó, khi đèn tín hiệu giao thông từ màu vàng chuẩn bị chuyển sang màu đỏ, người tham gia lưu thông lại có xu hướng “vọt nhanh hết mức có thể” để khỏi phải dừng xe đợi đèn đỏ. Ngoài ra, tình trạng say xỉn khi tham gia giao thông cũng là nguyên nhân dẫn đến TNGT. Nhiều người tham gia giao thông vẫn chủ quan sau khi uống bia rượu, vẫn “vô tư” tham gia giao thông dẫn đến xảy ra nhiều trường hợp không làm chủ tay lái, phản ứng không kịp trước những tình huống bất ngờ, gây TNGT nghiêm trọng.

Những nguyên nhân ấy, thói quen ấy chỉ có thể khắc phục khi chính người đi đường, người điều khiển phương tiện ý thức bảo vệ mạng sống của mình và của cộng đồng khi chấp hành đúng luật giao thông. Trong công tác tuyên truyền văn hóa giao thông, cần phải làm sao cho người tham gia giao thông thật sự hiểu rằng tôn trọng Luật Giao thông là bảo vệ mạng sống cho chính bản thân họ.

Để thực hiện được chỉ tiêu giảm 10% số vụ TNGT cũng như số người chết năm 2012 so với năm 2011 mà UBND TPHCM đề ra, cần đồng thời thực hiện nhiều biện pháp, trong đó quan trọng nhất vẫn là công tác tuyên truyền và nâng cao nhận thức của cộng đồng về Luật Giao thông và ứng xử văn hóa giao thông khi đi đường.

Minh Hiếu

Tin cùng chuyên mục