Theo tiếng gọi non sông

Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền của nhân dân Sài Gòn - Gia Định - Chợ Lớn trong Cách mạng Tháng Tám 1945 diễn ra cách nay tròn 67 năm. Hơn nửa thế kỷ trôi qua, nhưng với ông Trương Thành Hỷ (Hai Hỷ, ngụ ấp Nam Thới, xã Thới Tam Thôn) và ông Nguyễn Văn Sĩ (Hai Sĩ, ngụ ấp Nam Hòa, xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn, TPHCM) - những Thanh niên Tiền Phong, Thanh niên Cứu quốc năm xưa, ký ức về những ngày sục sôi cách mạng vẫn còn nguyên…
Theo tiếng gọi non sông

Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền của nhân dân Sài Gòn - Gia Định - Chợ Lớn trong Cách mạng Tháng Tám 1945 diễn ra cách nay tròn 67 năm. Hơn nửa thế kỷ trôi qua, nhưng với ông Trương Thành Hỷ (Hai Hỷ, ngụ ấp Nam Thới, xã Thới Tam Thôn) và ông Nguyễn Văn Sĩ (Hai Sĩ, ngụ ấp Nam Hòa, xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn, TPHCM) - những Thanh niên Tiền Phong, Thanh niên Cứu quốc năm xưa, ký ức về những ngày sục sôi cách mạng vẫn còn nguyên…

  • Một lòng đứng lên

Dù đã bước qua tuổi 90, song ông Hai Hỷ vẫn còn minh mẫn và nhớ như in những ngày tháng hào hùng của 67 năm về trước. Ông kể: “Khi nghe tin nhân dân Hà Nội khởi nghĩa giành được chính quyền vào ngày 19-8, cả Sài Gòn - Gia Định - Chợ Lớn khí thế cách mạng sôi lên sùng sục. Từ ngày 20-8, nhiều nơi trong quận Hóc Môn đã mít tinh, biểu dương lực lượng, chuẩn bị giáo mác, tầm vông chờ lệnh xuất quân. Các khẩu hiệu “Hoan nghênh Mặt trận Việt Minh ra đời”, “Chính quyền về tay công nông” và cờ đỏ búa liềm, cờ đỏ sao vàng treo khắp nơi. Đến ngày 23-8, chính quyền quận Hóc Môn đã về tay nhân dân, Quận trưởng Thọ buộc phải bàn giao lại hồ sơ, giấy tờ cho cách mạng.

Sang ngày 24-8, quần chúng ở khắp nơi, từ Bến Súc, Bến Cỏ, Phú Hòa Đông, An Nhơn Tây của Củ Chi; rồi Bà Điểm, Hậu Nghĩa… đã kéo về tập trung tại sân banh chợ Hóc Môn. Suốt đêm hôm đó, cả quận Hóc Môn thức trắng, người lo cơm nước, gậy gộc, vũ khí, người lo sắp xếp đội hình, phổ biến chỉ thị của cấp trên cho đoàn người hôm sau kéo về Sài Gòn tham gia cướp chính quyền…”.

Ông Trương Thành Hỷ (Hai Hỷ)

Ông Trương Thành Hỷ (Hai Hỷ)

Nói về tinh thần của nhân dân Sài Gòn - Gia Định - Chợ Lớn trong CMT8 1945, ông Hai Hỷ luôn nhắc đến hào khí và ý chí đấu tranh giành độc lập của người dân trên quê hương 18 thôn Vườn trầu, cùng nhất tề đứng lên đánh đuổi giặc ngoại xâm. Bất kể già hay trẻ, đàn ông hay đàn bà, hễ nghe đi cướp chính quyền là đi, không ngại hy sinh. Nhà ông Hai Hỷ ngày đó, ai ai cũng làm vậy, má ông - bà Trương Thị Mừng, chỉ huy cánh phụ nữ trong làng lo phần cơm nước, hậu cần cho cả đoàn biểu tình. Cậu ruột ông Hai Hỷ là Trương Văn Thâu, chỉ huy một cánh tự vệ trong đoàn biểu tình kéo về Sài Gòn trong sáng 25-8, đến bót Tân Bình thì bị địch bắn hy sinh, nhưng không một ai nao núng, tất cả đều một lòng đứng lên tiếp bước quyết giành chính quyền về tay nhân dân.

  • Hào khí giữ nước

Học trường Tây, ở nhà Tây và chơi với nhiều bạn Tây, nhưng ngay từ thuở nhỏ, cậu bé Hai Sĩ đã giác ngộ cách mạng và nung nấu một lòng đi theo cách mạng để giải phóng dân tộc. Có kiến thức, ông xin vào làm kế toán ở đồn điền cao su Chú Hỏa để tìm cách giác ngộ lính Tây và tập hợp quần chúng trong nông dân, công nhân. Khi Sài Gòn - Gia Định - Chợ Lớn nổ ra cướp chính quyền, ông trở thành Thường trực Thanh niên Tiền Phong, phụ trách cánh cầu Thị Nghè. Được giao nhiệm vụ canh giữ tù binh Pháp, ông tìm cách khai thác bí mật của giặc để phục vụ cách mạng. Sau khi Pháp phản công, ông bị bắt, giam cầm ở bót Catina (trên đường Đồng Khởi ngày nay - PV). Bằng tài trí và bản lĩnh của người cách mạng, ông và nhiều đồng chí đã vượt ngục, thoát khỏi lao tù tiếp tục tham gia cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp.

Ông Nguyễn Văn Sĩ (Hai Sĩ).

Ông Nguyễn Văn Sĩ (Hai Sĩ).

Hỏi lý tưởng và giác ngộ của lớp cha anh xưa kia tham gia đánh Pháp, đuổi Nhật là gì, ông Hai Sĩ đưa cánh tay phải cụt mất gần một nửa trong trận chống càn năm 1948, nói: “Lớp chúng tôi ngày xưa hun đúc lòng yêu nước từ trái tim biết rung nhịp đập của tiếng gọi non sông. Dân lầm than, nước nhà nguy nan thôi thúc mọi người phải đứng lên. Đó là giác ngộ, là lý tưởng. Đi theo cách mạng rồi sau này mới được học tập, trau dồi thêm trình độ, kiến thức mà tiến bộ. Tôi nghĩ, thế hệ ngày nay cũng vậy. Tiếng gọi non sông thôi thúc mọi người hiện nay là làm sao để dân giàu, nước mạnh. Cứ nghĩ như vậy đi rồi sẽ có lý tưởng để phấn đấu và truyền tiếp cho thế hệ sau nữa cái hào khí dựng nước, giữ nước của cha ông ngàn đời nay…”. 

HOÀI NAM

Tin cùng chuyên mục