Ngành Dầu khí: Điểm sáng phong trào lao động sáng tạo

Trong 5 năm qua, công nhân viên chức - lao động (CNVC-LĐ) ngành Dầu khí đã có 258 đề tài nghiên cứu khoa học, trên 1.400 sáng kiến, trong đó có 739 sáng kiến cải tiến kỹ thuật, sáng chế được công nhận, làm lợi cho ngành và đất nước hơn 52 triệu USD và hơn 380 tỷ đồng. Ngoài ra, từ các phong trào thi đua thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, trong 5 năm qua, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam cũng đã tiết kiệm được 2.570 tỷ đồng.
Ngành Dầu khí: Điểm sáng phong trào lao động sáng tạo

Trong 5 năm qua, công nhân viên chức - lao động (CNVC-LĐ) ngành Dầu khí đã có 258 đề tài nghiên cứu khoa học, trên 1.400 sáng kiến, trong đó có 739 sáng kiến cải tiến kỹ thuật, sáng chế được công nhận, làm lợi cho ngành và đất nước hơn 52 triệu USD và hơn 380 tỷ đồng. Ngoài ra, từ các phong trào thi đua thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, trong 5 năm qua, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam cũng đã tiết kiệm được 2.570 tỷ đồng.

Nhằm động viên tinh thần hăng say lao động, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, nâng cao năng xuất, chất lượng hiệu quả sản xuất kinh doanh, nhiều năm qua ngành dầu khí luôn chú trọng đến việc tổ chức tốt phong trào “Thi đua lao động sáng tạo” trong CB, CNVC-LĐ toàn tập đoàn. Để thực hiện phong trào này, nhiều đơn vị đã có quy chế động viên khuyến khích người lao động tìm tòi các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác, trong đó bản thân các lãnh đạo đơn vị luôn là tấm gương tiêu biểu về lao động sáng tạo, có nhiều sáng kiến áp dụng vào sản xuất nên có sức cuốn hút lan tỏa lớn.

Nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật tại Tổng Công ty Khí Việt Nam tiết kiệm hàng chục tỷ đồng.

Nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật tại Tổng Công ty Khí Việt Nam tiết kiệm hàng chục tỷ đồng.

Sáng chế công nghệ mới

Điển hình nổi bật nhất trong phong trào thi đua lao động sáng tạo, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật là Liên doanh Dầu khí Việt Nga - Vietsovpetro (VSP). Nhờ có các đợt thi đua mà VSP đã có nhiều công trình chất lượng cao, thời gian thi công ngắn, mang lại lợi ích lớn cho VSP. Trong giai đoạn 2007-2012, VSP đã áp dụng 529 đề tài sáng kiến được đưa vào sản xuất, trong đó có có 425 đề tài sáng kiến mang lại hiệu quả kinh tế hơn 7 triệu USD. VSP đã được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp 4 bằng độc quyền sáng chế. Đây là những sáng chế được đánh giá cao không chỉ ở Việt Nam mà còn mang tầm thế giới.

Trong đó, nổi bật nhất là những thành tựu trong việc khai thác dầu trong thân đá móng nứt nẻ, hệ thống cảnh báo giếng khoan đã đưa Việt Nam trở thành quốc gia đầu tiên thăm dò và khai thác thành công các mỏ dầu trong thân đá móng nứt nẻ. Thành công này đóng góp đặc biệt quan trọng cho việc phát triển khoa học địa chất dầu khí trên thế giới.

Không chỉ VSP, những năm qua, phong trào lao động sáng tạo, phát huy sáng kiến cải tiến trong Tổng Công ty Khí Việt Nam (PVGas) cũng có nhiều chuyển biến vượt bậc, mang lại hiệu quả thiết thực trong việc quản lý, điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh, tiết kiệm hàng tỷ đồng. Đặc biệt gây ấn tượng là những sáng kiến, cải tiến trong lĩnh vực đổi mới kỹ thuật công nghệ, các giải pháp hợp lý hóa trong công tác vận hành, bảo dưỡng sửa chữa công trình khí và công tác quản lý an toàn phòng chống cháy nổ.

Đội ngũ cán bộ quản lý, kỹ thuật của PVGas từng bước trưởng thành, nắm vững và làm chủ hệ thống thiết bị, kỹ thuật chuyên ngành khí. Bình quân mỗi năm, toàn PV Gas có khoảng 20 sáng kiến cải tiến được tổng công ty công nhận; hơn 100 sáng kiến, cải tiến được Công đoàn tổng công ty công nhận và được áp dụng hiệu quả trong thực tế lao động sản xuất.

Phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh tại Tổng công ty Phân bón - Hóa chất Dầu khí (PVFCCo) cũng đã mang lại hiệu quả đáng kể về mặt kinh tế. Trong 5 năm qua, Hội đồng Sáng kiến PVFCCo đã xét công nhận gần 200 sáng kiến hợp lý hóa sản xuất góp phần làm lợi hàng trăm tỷ đồng. Nhiều công trình, sáng kiến đã và đang mang lại hiệu quả lớn cho PVFCCo, nhiều tập thể và cá nhân đã được Tập đoàn Dầu khí và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh khen tặng.

Những tấm gương lao động sáng tạo

Ông Hà Huy Dĩnh, Chủ tịch Công đoàn ngành Dầu khí, cho biết: “Từ những tập thể đoàn kết, thi đua lao động sáng tạo đã xuất hiện những gương mặt điển hình với hàng loạt những đề tài, sáng chế, giải pháp mang lại cho doanh nghiệp hàng ngàn tỷ đồng”. Mặc dù tuổi đời, tuổi nghề còn rất trẻ, với 5 năm công tác trong ngành dầu khí nhưng Bùi Đức Việt, chuyên viên Phòng Kỹ thuật, Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn đã nghiên cứu điều kiện hoạt động của cụm phân xưởng CCR và công thức phối trộn xăng nhằm nâng cao hiệu suất thu hồi xăng thương phẩm ở Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, làm lợi cho nhà máy 200 tỷ đồng/năm.

Anh Bùi Đức Việt vinh dự được nhận bằng khen sáng tạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; giải ba Hội thi Sáng tạo ngành dầu khí lần thứ 1. Trong vòng chưa đầy 10 năm kể từ khi tốt nghiệp đại học, Trần Nhật Huy, Giám đốc Công ty Khí Cà Mau đã có tới 8 đề tài, sáng chế, giải pháp, trong đó cả 8 đều đạt giải, làm lợi cho doanh nghiệp hàng ngàn tỷ đồng. Trần Nhật Huy đã vinh dự được nhận các phần thưởng cao quý: giải nhất, nhì Hội thi Sáng tạo ngành dầu khí lần thứ nhất; 5 năm liền đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua Bộ Công thương. Riêng năm 2008, Trần Nhật Huy đã có tới 3 sáng kiến cấp tổng công ty.

Ngoài ra còn rất nhiều tấm gương sáng như: Võ Phụng Hoàng, Phó ban Kỹ thuật PVFCCo; Lê Tất Thắng, Giám đốc Công ty Chế biến khí Vũng Tàu; Nguyễn Trọng Hà, Trưởng ca phụ trách chung cụm phân xưởng phụ trợ nóng, Phòng Sản xuất, Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn; Nguyễn Đăng Long, chuyên viên Phòng KSCT, Viện Nghiên cứu khoa học và thiết kế, Vietsovpetro; Nguyễn Hoài Vũ, chuyên viên chính, Phòng Kỹ thuật sản xuất, Xí nghiệp khai thác, Vietsovpetro; Nguyễn Minh Tâm, chuyên gia DCS/ESD, Đội trưởng Xưởng đo lường - Tự động hóa Nhà máy Đạm Phú Mỹ với nhiều sáng kiến, hợp lý hóa sản xuất làm lợi cho công ty hàng chục tỷ đồng...

Nguyễn Thu Tuyết

Tin cùng chuyên mục