An toàn giao thông đường thủy ở TPHCM: Không thể lơ là

Tai nạn giao thông đường thủy có thể ít hơn so với giao thông đường bộ nhưng nếu xảy ra thiệt hại là rất lớn. Vì vậy, việc kiểm tra xử lý các hoạt động liên quan đến giao thông thủy không thể lơ là.

Tai nạn giao thông đường thủy có thể ít hơn so với giao thông đường bộ nhưng nếu xảy ra thiệt hại là rất lớn. Vì vậy, việc kiểm tra xử lý các hoạt động liên quan đến giao thông thủy không thể lơ là.

Hiện nay số lượng các bến đò hoạt động có phép lẫn không phép và không đảm bảo an toàn cho khách đi đò tại TPHCM gồm: bến Hòa Bình trên kênh Tàu Hủ quận 5; bến Cây Me, Kinh Ngang 1, Bình Đông trên kênh Tàu Hủ quận 6; bến Chuẩn Y Viện, Lò Than trên kênh Đôi và bến Rạch Cát trên kênh Lò Gốm quận 8; bến Long Đại trên sông Tắc, bến Hãng Da, Bờ Sông, Trường Thịnh, Chùa Hội Sơn trên sông Đồng Nai quận 9; bến Miếu Nổi trên sông Vàm Thuật quận Gò Vấp; bến Láng Le trên kênh Xáng, bến Ấp 4 Tân Nhựt, Tân Bửu trên sông Bến Lức huyện Bình Chánh; bến Xã Đội Bình Mỹ trên sông Sài Gòn huyện Củ Chi...

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn khu vực Nam bộ, mùa mưa bão năm nay diễn biến phức tạp và thất thường, nếu các bến này chỉ cần sơ suất nhỏ là hậu quả xảy ra khó lường. Thông tư 15/2012/TT-BGTVT Bộ trưởng Bộ GTVT ban hành quy định về trang bị và sử dụng áo phao cứu sinh, dụng cụ nổi cứu sinh cá nhân trên phương tiện thủy nội địa vận tải hành khách ngang sông.

Nhằm đảm bảo an toàn giao thông đường thủy cũng như độ an toàn của các bến đò, bến tàu du lịch, tàu cánh ngầm, Sở GTVT TPHCM phối hợp các đơn vị liên quan lập các đoàn kiểm tra liên ngành tổ chức đợt cao điểm tổng kiểm tra các phương tiện thủy nội địa chở khách. Ông Phạm Công Bằng, Trưởng phòng Quản lý giao thông đường thủy Sở GTVT cho biết: Sở đã lập các đoàn tập trung kiểm tra toàn diện về các điều kiện an toàn của cảng, bến nội địa; điều kiện an toàn kỹ thuật phương tiện; thủ tục đăng ký, đăng kiểm; phương tiện phao cứu sinh, cứu hộ, cứu nạn trên tàu; bằng cấp, tiêu chuẩn, trình độ của thuyền trưởng, máy trưởng... Trong hàng chục bến đang hoạt động trên địa bàn TPHCM được kiểm tra, có khoảng 10 bến không đảm bảo an toàn cho khách, số bến này đã bị xử phạt hành chính và đề nghị ngưng hoạt động nếu không đáp ứng đủ điều kiện về an toàn. Đoàn kiểm tra yêu cầu chủ bến và địa phương có biện pháp duy trì trật tự giao thông tại bến vì đa số các bến đò khi không có lực lượng kiểm tra, đều chở quá tải, các phương tiện cứu sinh đều thiếu hoặc không đúng tiêu chuẩn, người điều khiển phương tiện khi không có giám sát kiểm tra thường khoán trắng cho người khác... Nếu đoàn kiểm tra phát hiện bến hoạt động không có giấy phép, sẽ bị đình chỉ hoạt động ngay tức khắc và kiến nghị với chính quyền địa phương có biện pháp yêu cầu và hướng dẫn chủ bến đến cơ quan chức năng lập thủ tục xin phép mở bến. Trong trường hợp bến hoạt động có giấy phép nhưng không đảm bảo an toàn phương tiện, tùy mức độ sẽ áp dụng các khung phạt theo đúng các điều khoản trong Nghị định 40/CP về việc đảm bảo trật tự, an toàn giao thông thủy nội địa.

Thanh tra giao thông, chính quyền địa phương cấp xã phải thường xuyên theo dõi, kiểm tra hoạt động vận tải hành khách tại các bến khách ngang sông trên địa bàn mình. Đình chỉ hoạt động đối với trường hợp phương tiện không trang bị đầy đủ áo phao, dụng cụ nổi cá nhân theo quy định.

Quốc Hùng - Lương Thiện

Tin cùng chuyên mục