Không thể bất lực

Chúng tôi đã hỏi ông Lê Hoàng Hà, Phó chủ tịch UBND quận Gò Vấp TPHCM: “Chẳng lẽ quận Gò Vấp bất lực trước nhiệm vụ lập lại trật tự lòng lề đường?”. Ông Lê Hoàng Hà trả lời: “Trong khả năng của mình, quận Gò Vấp đang nỗ lực thực hiện một số giải pháp. Thứ nhất, giao cho ngành thương mại tổ chức đưa hàng hóa có giá cả, chất lượng phù hợp đến phục vụ nhu cầu mua bán của người dân. Thứ hai, tìm địa điểm hợp lý, tổ chức cho những người buôn bán hàng rong vào kinh doanh. Hiện nay phường 13 của quận đã đi đầu trong công tác này bằng cách vận động người dân vào kinh doanh tại các khu vực quy định. Người dân nào có đất trống, rộng được động viên cho người khác vào cùng kinh doanh.

Ở quận 2, ông Lê Xuân Viên, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận, cho biết, quận phối hợp với ngành giao thông điều chỉnh lại luồng giao thông cho hợp lý hơn. Giao thông thông suốt cũng giúp hạn chế tình trạng dừng, đậu rồi hình thành nên các điểm mua bán sai phép. Cụ thể, quận đã từng xóa được “nút thắt cổ chai” ở khu vực đường Quốc Hương và Xuân Thủy bằng cách vận động người dân di dời để có mặt bằng “mở nút thắt” và sau đó tổ chức lại giao thông theo hướng một chiều hóa. Theo ông Lê Xuân Viên, chỉ cần có thêm lực lượng kiểm tra, kiểm soát thường xuyên thì giải pháp này tỏ ra rất hữu hiệu trong bối cảnh vẫn còn một số người dân phải “bám” vỉa hè để mưu sinh.

Trong số báo xuất bản cách nay hơn 2  tuần, Báo SGGP có trích đăng ý kiến của các chuyên gia đô thị về vấn đề này. Họ cũng cho rằng, nếu xe cộ và các quán bán hàng được sắp xếp gọn gàng, hợp lý thì vỉa hè, lòng đường TPHCM sẽ gọn gàng, ngăn nắp hơn. Lòng, lề đường có thể chưa thật sự thông thoáng như chúng ta kỳ vọng, nhưng trong hoàn cảnh hiện nay đây là giải pháp khả thi nhất cho… “nhiệm vụ bất khả thi”.

AN NHIÊN

Tin cùng chuyên mục