Công nhân thu gom rác dân lập: Nhiều thiệt thòi

“Sinh nghề tử nghiệp”
Công nhân thu gom rác dân lập: Nhiều thiệt thòi

Không được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, không được trang bị bảo hộ lao động, không được nghỉ thứ bảy và chủ nhật hàng tuần, đó là thực cảnh của nhiều công nhân đã và đang hoạt động trong lĩnh vực thu gom rác dân lập. Họ đang phải làm việc cật lực từ 9 - 12 giờ mỗi ngày với đồng lương khoảng 1 triệu đồng/tháng.

Lao động vất vả trong môi trường độc hại, nhưng anh Thắng và chị Hoa chỉ thu nhập hơn 2 triệu đồng/tháng.

Lao động vất vả trong môi trường độc hại, nhưng anh Thắng và chị Hoa chỉ thu nhập hơn 2 triệu đồng/tháng.

“Sinh nghề tử nghiệp”

Ông Tống Văn Thơm, nghiệp đoàn thu gom rác dân lập quận 5, TPHCM tâm sự: “Chúng tôi gắn bó với nghề thu gom rác hơn 30 năm. Có những thành viên trong tổ gồm 5 người đã truyền nghề qua cho con vì không còn đủ sức khỏe để làm. Mỗi ngày chúng tôi đều phải làm từ 10 tiếng đến 12 tiếng đồng hồ. Mỗi năm chỉ được nghỉ đúng một ngày vào mồng một tết”.

Tiếp tục lần dò theo những chuyến xe thu gom rác tại quận 2, chúng tôi gặp gia đình anh Trần Văn Thắng và chị Nguyễn Thị Kim Thoa (ngụ Định Quán, Đồng Nai). Anh Thắng cho biết, ban đầu cả hai anh chị đều đi phụ hồ, nhưng thấy sức khỏe không đảm bảo nên anh chị chuyển sang nghề thu gom rác theo một lời giới thiệu của người bạn. Vợ chồng anh làm cái nghề này đã hơn 10 năm nay với mức thu nhập khoảng hơn 2 triệu đồng/tháng (bao gồm tiền lương và tiền nhặt phế liệu) nhưng chưa bao giờ anh nhận được một bản hợp đồng, bảo hiểm y tế gì hay đồ bảo hộ lao động nào. Những phương tiện lao động như xe đẩy, găng tay, khẩu trang anh chị cũng phải tự xoay sở. Số tiền lương hàng tháng anh chị cũng nhận từ người bạn đã giới thiệu công việc chứ thực sự không biết chủ đường dây rác là ai.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, những người thu gom rác dân lập hiện nay ở TPHCM đa số là những người thất nghiệp hoặc không biết phải làm gì để kiếm sống nên họ phải chọn cái nghề mà không ai muốn làm. Họ đến làm thuê cho những chủ đường dây rác mà không rõ người đó là ai. Do vậy, họ không tiếp cận được với các chính sách xã hội hay phúc lợi xã hội, thậm chí cũng không có bất kỳ một giao kèo gì giữa người thuê và người làm thuê. Chỉ biết, đến tháng những người làm thuê sẽ được trả một số lương ít ỏi khoảng 700.000 - 800.000 đồng - mức thu nhập thấp hơn rất nhiều so với công nhân vệ sinh trong các công ty công ích.

Tuy nhiên, có lẽ, số phận chung của những người thu gom rác dân lập chính là vì cuộc sống mưu sinh mà họ đang phải bán dần sức của mình để cố gắng làm việc, kiếm tiền. Hơn ai hết, ước mơ của họ chỉ khiêm tốn ở mức mong muốn có một danh phận, được vào một công ty hay tổ chức nào đó để thấy an tâm hơn khi làm việc. Thế nhưng, dường như ước mơ đó lại đang quá xa xỉ với họ.

Trách nhiệm cơ quan chức năng

Theo bà Đỗ Thị Thanh Huyền, Giám đốc Enda Việt Nam, kết quả nghiên cứu thời gian qua cho thấy, đa số lực lượng thu gom rác dân lập sống nhờ vào chi phí thu được từ chủ nguồn thải và một phần nào đó là thu từ ve chai, phế liệu. Người thu gom rác dân lập thường phải đối mặt với nhiều rủi ro rất khác nhau nhưng bản thân họ chưa quan tâm, hay nói đúng hơn là chưa biết quan tâm và cũng không có biện pháp phòng ngừa. Khi bị khó khăn về sức khỏe và kinh tế họ thường rơi vào cảnh bần cùng.

Thu gom rác là công việc độc hại do phải tiếp xúc với nguồn ô nhiễm hàng ngày, nhưng gần 50% người thu gom rác dân lập không được trang bị lao động bảo hộ, họ cũng chưa được hỗ trợ chế độ độc hại như công nhân Công ty Công ích.

Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Chi, Viện nghiên cứu Chiến lược TPHCM cũng cho rằng, vấn đề quản lý của nhà nước đối lực lượng thu gom rác dân lập còn nhiều hạn chế, dẫn đến sự khác biệt rất lờn giữa lực lượng thu gom rác dân lập và công lập. Cùng đặc thù công việc với như nhau, song người thu gom rác của các công ty công ích, hay nhóm thu gom rác do phường, quận quản lý lại có đầy đủ chế độ và thu nhập cũng cao. Ngược lại, nhóm thu gom rác dân lập lại trắng tay.

Do vậy, việc tăng cường năng lực tổ chức cho người thu gom rác dân lập nên được coi là một mục tiêu chiến lược trọng tâm trong kế hoạch chiến lược cải thiện, hoàn chỉnh công tác quản lý chất thải rắn của thành phố. Điều đáng nói là để làm được điều này thì ngay từ bây giờ, TP phải xây dựng chính sách để mỗi người thu gom rác dân lập sẽ tham gia vào một tổ chức phù hợp với nhu cầu và mong muốn của họ.

Một số hình thức tổ chức hoạt động được xem là khá phù hợp với lực lượng lao động này là hợp tác xã, tổ hợp tác, thành lập công ty tư nhân, tổ tự quản hoặc tổ tương trợ… Đây cũng là điều kiện tiên quyết, là nền tảng, cơ sở cho sự thành công của chương trình vận động TPHCM trở thành thành phố văn minh, sạch đẹp.

Minh Xuân - Hải Thanh

Tin cùng chuyên mục