Mặt trái đạo đức công vụ

Bài 1: Cận cảnh
Mặt trái đạo đức công vụ

Bài 1: Cận cảnh

Đánh giá về đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ công chức (CBCC) cơ quan công quyền cả nước nói chung, TPHCM nói riêng, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Phương Thảo đúc kết: “Hiện tại, người dân đến cơ quan công quyền vẫn còn gặp 3 cái khó là cửa khó vào, người khó gặp, mặt khó coi…”. Theo phản ánh của người dân, Báo SGGP đã tìm về cơ sở, ghi nhận những câu chuyện cười ra nước mắt về đạo đức công vụ của một bộ phận CBCC.

Văn phòng UBND phường 14 quận 6 vắng bóng cán bộ (Ảnh chụp lúc 10 giờ 54 phút ngày 29-6). Ảnh: Hồng Nhung

Văn phòng UBND phường 14 quận 6 vắng bóng cán bộ (Ảnh chụp lúc 10 giờ 54 phút ngày 29-6). Ảnh: Hồng Nhung

1. Sáng 1-7-2011, tại bộ phận tiếp nhận và trả hồ sơ UBND phường 12, quận Bình Thạnh, khá đông người dân chờ đợi. Phía sau bàn chứng thực, một nữ cán bộ không đeo bảng tên lên tiếng: “Bùi Thanh Hương là ai?”. Một bà cụ ngoài 60 tuổi tìm đến: “Dạ, tôi là Bùi Thanh Hương, có gì không cô?”. Cộc lốc, nữ cán bộ trả lời: “Hồ sơ này 11 giờ ghé lấy”. Bà cụ nói tiếp: “Sớm hơn được không cô?”. “Không được, đã bảo 11 giờ rồi”. “Nhưng tôi làm hồ sơ cho 2 cháu đi học, sợ trễ quá…”. “Thì 11 giờ bà lấy, chiều đi nộp hồ sơ. Mà bà đi photo thêm hộ khẩu đi, ở đây giữ lại 1 bản”.

10 phút sau, bà lão quay lại: “Xin cho tôi bổ sung hồ sơ Bùi Thanh Hương”. Nhìn qua, cô cán bộ nói tiếp: “Ai biểu bà đi photo 1 bản, bà làm hồ sơ cho 2 đứa cháu thì photo 2 bản chứ. Mà bà photo hết người trong hộ khẩu chi vậy? Photo 2 đứa đi học thôi”. Thấy bà lão ngần ngừ, cô gắt gỏng: “Đi photo mỗi đứa 1 bản rồi quay lại đây”.

2. 10 giờ ngày 30-6, tại UBND phường Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, một thanh niên bước đến bàn sao y chứng thực. Một cán bộ nam chừng 25 tuổi không đeo bảng tên, xẵng giọng: “Lấy số, cầm hồ sơ, ra ghế ngồi chờ!”. Khoảng 10 phút sau. “37… 37… Số 37 đâu?”. Một thanh niên bước đến, anh cán bộ hỏi: “Làm gì đây?”. Người thanh niên đưa bộ hồ sơ đơn xin việc làm.

Xem qua 1 lượt, vị cán bộ nói: “Lấy bản chính rồi đi photo”. “Đây nè anh”. “Không, đây là bản sao y, lấy bản chính rồi đi photo, bản gốc đâu?”. “Dạ, đây anh”. “Lấy bản đó đi photo ra 2 bản, ở đây sao y giữ lại 1 bản. Photo đóng cuốn đàng hoàng để đóng giáp lai. Photo xong rồi quay lại đây”.

3. 10 giờ 10 phút sáng ngày 29-6, tại UBND phường 14, quận 6, một phụ nữ khoảng 30 tuổi bế theo đứa con gái nhỏ, trên tay là xấp hồ sơ xin nhập học cấp 1. Chị bước đến bàn làm việc có để bảng “Giáo dục phổ cập: K.K.Trang”. Ngồi chờ chừng 15 phút không thấy cán bộ, chị lân la đến bàn thuế nhà đất bên cạnh hỏi han và nhận được câu trả lời: “Cán bộ đi họp rồi, mai ghé”. Người phụ nữ cố hỏi thêm: “Chiều được không cô?”. “Không, họp cả ngày, sáng mai cô lên đi”. Chị bế đứa bé quay ra cửa với gương mặt thất vọng.

4. 15 giờ ngày 29-6, tại UBND phường 10, quận 6. Một thanh niên cầm bộ hồ sơ xác nhận tình trạng hôn nhân kèm theo bộ đơn xin việc làm. Ngồi ở bàn hộ tịch 10 phút, không thấy cán bộ đâu, anh đứng dậy bước ra dãy ghế chờ dành cho người dân. 15 phút trôi qua cũng không thấy cán bộ thụ lý hồ sơ, anh thanh niên đến bàn sao y chứng thực: “Cán bộ làm việc hộ tịch đâu rồi chị?”. “Đi họp rồi! Anh cần gì?”. “Em nhờ xác nhận tình trạng hôn nhân để xin việc làm”. “Vậy sáng mai lên đi, họp chi bộ rồi”.

Ngay sau đó, một người đàn ông chừng 50 tuổi đến ngồi trước bàn làm hộ tịch, chờ đợi vì không biết hỏi ai. Đợi một lát thật lâu không thấy ai thụ lý, ông sang bàn bên cạnh hỏi thì nhận được câu trả lời: “Cán bộ hộ tịch đi họp, mai ghé”.

10 giờ 30 phút ngày 29-6, tại UBND phường 14, quận 6, một cán bộ nữ (không đeo bảng tên), sau một hồi sắp xếp đồ đạc, cô lôi trong tủ ra chiếc túi chào hết lượt đồng nghiệp trong phòng, rồi bước ra khỏi UBND. Chừng 20 phút sau, vị cán bộ ngồi bàn “Xóa đói giảm nghèo” cũng dọn dẹp bàn ghế, đứng lên đi về.

Khoảng vài phút sau, tại bàn đối diện có đề bảng “Thuế nhà đất T.T.B.K.Ngân”, một cán bộ cũng nhanh chóng thu xếp đồ đạc, bước ra khỏi cổng ủy ban. Lúc này, đồng hồ trong phòng báo 10 giờ 55 phút. Thấy chúng tôi thắc mắc, một người dân ngồi chờ làm thủ tục kế bên tặc lưỡi: “Chắc cán bộ đi… cơ sở!”.

Hồng Hiệp - Hồng Nhung


Bài 2: Những hình ảnh méo mó

Đánh giá về đạo đức công vụ của đội ngũ CBCC các cơ quan công quyền, nhiều chuyên gia cho rằng, điều lo nhất và còn rất nặng nề trong các cơ quan công quyền là thói quan liêu, xa rời quần chúng của đội ngũ CBCC. Bởi, thủ tục dù đơn giản nhưng nếu CBCC cố tình gây khó thì cũng trở thành phức tạp và ngược lại.

Hành đủ kiểu!

Kể về trường hợp xin cấp phép xây dựng của gia đình, ông T.T.D. ở đường số 4 cư xá Đô Thành phường 4 quận 3 vẫn còn nguyên bức xúc: “Tôi nộp đúng quy định chung nhưng Tổ tiếp nhận hồ sơ của UBND quận 3 “đẻ” ra thêm nhiều yêu cầu vô lý, như bản chính đơn đề nghị cấp giấy phép xây dựng (quy định là 1 bản, phải nộp 2); bản sao đơn xin xác nhận số nhà mới (quy định không yêu cầu); bổ sung giấy cam kết không có tranh chấp, khiếu nại ranh giới thửa đất có chứng thực (quy định không yêu cầu)…

Công chức có thái độ tốt, tận tâm sẽ góp phần quyết định hiệu quả công tác CCHC. (Ảnh: Tư vấn thủ tục thuế tại Cục Thuế TP). Ảnh: Hồng Hiệp

Công chức có thái độ tốt, tận tâm sẽ góp phần quyết định hiệu quả công tác CCHC. (Ảnh: Tư vấn thủ tục thuế tại Cục Thuế TP). Ảnh: Hồng Hiệp

Cán bộ thụ lý tiếp tục yêu cầu tôi đưa tiếp giấy phép mua bán, chuyển dịch nhà cửa. Nhận giấy, cán bộ lại chê: “Giấy “nát” thế này sao mà photo chứng thực?”. Tức mình, ông D. mang tờ giấy lên UBND phường Đa Kao quận 1 sao y chứng thực thì cán bộ phường này làm ngay không thắc mắc. Đến lúc hẹn trả hồ sơ lần đầu, UBND quận hẹn ông 32 ngày (quy định là không quá 15 ngày làm việc). Lần hẹn thứ hai, UBND quận ghi 21 ngày. Hết chịu nổi, ông D. phản ánh vụ việc lên Tổ Đề án 30 của UBND TP. Sau khi Tổ Đề án 30 can thiệp, đại diện lãnh đạo phường 4 quận 3 mới chịu nhận sai, đến nhà ông D. xin lỗi.

Không may mắn như ông D., gần chục hộ dân ấp 5 xã Xuân Thới Sơn, huyện Hóc Môn chờ đợi mòn mỏi nhiều năm trời đến nay vẫn chưa được cấp giấy chủ quyền. Bà Nguyễn Thị Thúy Lan (ngụ 45E1 ấp 5) đưa ra hàng loạt giấy hẹn của UBND xã Xuân Thới Sơn từ năm 2007, bức xúc: “Mới đầu bổ sung giấy thuế, gần một năm sau trả về bắt bổ sung tiếp. Trước đó đã phải bổ sung liên tục bản vẽ nhà đất trong các năm 1998, 1999, 2003, 2004 và sau đó là bản vẽ kỹ thuật số từ năm 2008. Đến 2010 lại phải bổ sung tiếp. Bản vẽ bổ sung xong lại bị trả ra bổ sung giấy tái xác nhận mua bán…

Nhiều quá đến mức hết nhớ nổi”. Bà Lan cho biết thêm, khi lên Phòng TN-MT huyện Hóc Môn hỏi nhận được câu trả lời là vì cán bộ địa chính xã không chịu lên huyện nhận hồ sơ của cả ấp. Các hộ dân lại kéo về ấp hỏi thì cán bộ địa chính cho biết: “Bận quá chưa lên lấy được”. Quá bức xúc, các hộ dân phản ánh lên Tổ Đề án 30 của UBND TP. Sau đó, cán bộ xã có lên huyện nhận hồ sơ về. “Cán bộ địa chính hứa trả ngay nhưng đến nay vẫn chưa phát cho ai ở ấp. Sao lại vô cảm với bức xúc của người dân đến vậy?”, bà Nguyễn Văn Bé Em, ngụ 13A ấp 5 xã Xuân Thới Sơn, nói.

Tùy tiện

Năm 1992, ông Nguyễn Văn Tư, ngụ số 53 đường số 8, phường 4, quận 8 chết. Vợ ông bán căn nhà bên cạnh cho cháu ruột là bà Trần Thị Thuận. Nhưng ông Lưu Chí Kiệt, ngụ nhà số 52 bên kia đường đứng ra tranh chấp mảnh đất trống cạnh nhà bà Thuận. Tại cuộc họp ngày 15-8-1996, ông Kiệt đã bị UBND phường 4 quận 8 bác đơn vì không chứng minh được nền đất này là của ông. Đến cuối năm 1996, ông Kiệt trưng ra giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của mình vừa được cấp. Phía bà Thuận không chấp nhận vì gia đình bà đang sử dụng mảnh đất liên tục và công khai đã lâu.

Trong 6 tháng đầu năm 2011, ngành thuế TP đã xử lý 13 công chức vi phạm đạo đức công vụ. Trong đó, buộc thôi việc 1 người, khiển trách 11 người, cảnh cáo 1 người.

Đến năm 2002, phát hiện giấy tờ của ông Kiệt là giả mạo nên UBND quận 8 cho thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp. Sau đó, đến ngày 2-1-2009, gia đình bà Thuận được UBND quận 8 cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 001 cho ông Nguyễn Chinh Phục (con trai bà Thuận).

Thế nhưng, đến ngày 7-7-2010, gia đình bà Thuận đột ngột nhận được Quyết định số 8047 về việc thu hồi, hủy bỏ giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở đã cấp cho ông Phục với lý do “Có tranh chấp, khiếu nại rất phức tạp, kéo dài nhiều năm giữa ông Lưu Chí Kiệt và bà Trần Thị Thuận…”.

Việc cấp giấy - thu hồi - cấp - thu hồi giấy chủ quyền cho trường hợp căn nhà đang tranh chấp nói trên phần nào thể hiện rõ sự tùy tiện, cẩu thả, thiếu trách nhiệm của những cán bộ có liên quan. Hậu quả là người dân bức xúc vì quyền lợi bị thiệt hại nặng nề, khiếu kiện kéo dài vượt cấp suốt nhiều năm nay.

Những con sâu...

Từ sự tố cáo của người dân và đảng viên, mới đây quận 11 TPHCM đã kỷ luật hàng loạt CBCC có dấu hiệu tiêu cực. Dù đã xử lý kiên quyết nhưng hình ảnh của đội ngũ thực thi công vụ ở cơ sở đã trở nên “méo mó” trong mắt người dân. Có thể kể đến trường hợp bà N.T.T., Chủ tịch Hội Phụ nữ phường 9 quận 11. Từ năm 2008 đến tháng 1-2011, bà N.T.T. đã nhận ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội quận 11 cho 109 hộ vay tiền từ chương trình của Hội LHPN.

Qua quá trình quản lý, bà T. đã chiếm dụng vốn của 88/109 hộ vay với tổng số tiền hơn 993 triệu đồng. Tương tự, bà L.T.K.L., Trưởng ban Tổ chức Quận đoàn 11, từ tháng 1-2009 đến tháng 6-2010, đã nhận ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội quận 11 cho 68 hộ vay vốn. Qua quá trình quản lý, bà L. chiếm dụng của 33/68 hộ vay với tổng số tiền hơn 199 triệu đồng. Liên quan đến vụ việc này còn có ông P.H.T.P., Bí thư Đoàn phường 10, từ tháng 12-2009 đến tháng 7-2010, khi thu tiền các hộ trong chương trình của Ngân hàng Chính sách xã hội giúp bà L., ông này chiếm dụng của 19 hộ vay với tổng số tiền hơn 51 triệu đồng.

Trường hợp khác là ông L.H.P., Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự phường 2, quận 11. Ông P. lợi dụng chức vụ nhận tiền hối lộ để lo cho thanh niên không tham gia dân quân tự vệ phường và lo cho thanh niên đào ngũ được nhập hộ khẩu với số tiền 5 triệu đồng.

HỒNG HIỆP - HỒNG NHUNG


Bài 3: Cần có bộ quy tắc ứng xử

Phải xây dựng cơ chế quản lý sao cho cán bộ công chức (CBCC) không cần, không muốn, không dám và không thể làm sai, tham nhũng trong thực thi công vụ bởi sự nghiêm minh và công bằng của luật pháp, bởi sự minh bạch, công khai, dân chủ của các hoạt động Nhà nước và bởi đồng lương công chức hoàn toàn có thể sống được.

Lương, chính sách đãi ngộ đối với cán bộ công chức là một vật cản trong tiến trình cải cách hành chính. Ảnh: VIỆT DŨNG

Lương, chính sách đãi ngộ đối với cán bộ công chức là một vật cản trong tiến trình cải cách hành chính. Ảnh: VIỆT DŨNG

Lương không đủ sống

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhũng nhiễu trong CBCC là do công tác quản lý, tuyển dụng, thuyên chuyển, đề bạt CBCC chậm thay đổi. Các phương pháp khoa học trong đánh giá kết quả công tác của từng CBCC chậm được thay đổi. Việc đánh giá dựa vào tập thể là chủ yếu, chưa có cơ chế tuyển dụng những người thật sự có đức có tài vào làm việc, thi tuyển cạnh tranh chưa được thực hiện.

Thách thức còn nằm ngay trong văn bản pháp lý quản lý đội ngũ CBCC, điển hình là Luật Công vụ công chức đang tồn tại những điều khoản cản trở sự sa thải những người không đáp ứng vị trí công việc do chỗ người trong biên chế được đảm bảo làm việc suốt đời. Do vậy, khó đưa ra khỏi hệ thống những CBCC không đáp ứng yêu cầu.

Chính sách tiền lương chưa thỏa đáng dẫn đến đời sống của CBCC còn nhiều khó khăn. Lương thấp có nhiều nguyên nhân. Trước hết do bộ máy tổ chức của chúng ta vẫn còn cồng kềnh. Hệ quả kéo theo số lượng người hưởng lương từ ngân sách nhà nước cũng tăng.

Từ đó dẫn đến hệ lụy là lương quá thấp, chưa đủ chi phí là một trong những hiện tượng “tham nhũng vặt” tràn lan. Lương thấp, ít CBCC sống được bằng lương nên phát sinh tình trạng nhũng nhiễu làm trái luật pháp. Lương tối thiểu của Việt Nam hiện thấp hơn các nước 40%, mặc dù ngân sách hàng năm chi một khoản không nhỏ để trả lương CBCC.

Công tác kiểm tra, thanh tra công vụ và xử lý răn đe CBCC có vi phạm pháp luật làm không thường xuyên và không nghiêm. Chính vì vậy, đạo đức công vụ, thái độ phục vụ dân, tổ chức của CBCC không được nâng lên. Hơn nữa, chúng ta chưa xây dựng được hệ thống tiêu chuẩn cho từng loại cơ sở đào tạo, bồi dưỡng CBCC để phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao, chưa có những quy định cụ thể cho các hành vi đạo đức công vụ khi thực thi công vụ…

Gắn trách nhiệm với quyền lợi

Chương trình cải cách hành chính (CCHC) giai đoạn tới cần xây dựng các giá trị cốt lõi, hình thành bộ quy tắc ứng xử; làm rõ các nguyên tắc; cụ thể hóa các quy tắc ứng xử; tuyên truyền cho người dân về quyền của họ và nghĩa vụ của công chức; giáo dục đạo đức công vụ cho công chức; nêu gương lãnh đạo; công khai, minh bạch các thủ tục hành chính có liên quan đến các cam kết WTO; gắn kết đạo đức công vụ với phòng chống tham nhũng; kiểm soát và cuối cùng là thực hiện cam kết phục vụ với khách hành.

Thực hiện các vấn đề trên cần có thời gian. Nhưng trước mắt cần xây dựng và ban hành ngay bộ quy tắc ứng xử, buộc các công chức khi thực thi nhiệm vụ phải tuân thủ đúng những nguyên tắc hành vi đạo đức công chức đó, tránh những hành vi lệch chuẩn. Đó cũng là công cụ để đánh giá, giám sát các hành vi trong khi thực thi công vụ của đội ngũ CBCC.

Phải có chế độ tiền lương hợp lý, đủ đáp ứng những nhu cầu, lợi ích tối thiểu để họ yên tâm làm việc, dốc toàn bộ năng lực, trí tuệ làm tốt công việc được giao. Để có thể thỏa mãn nhu cầu và lợi ích của CBCC ngày càng hợp lý và bình đẳng hơn, phải thay đổi cách đánh giá quản lý CBCC với nguyên tắc cơ bản là phải gắn với quyền lợi, kỷ luật, khen thưởng… của người lao động với chính công việc mà họ đang đảm nhận.

Thực hiện “Khoán 10” trong cải cách hành chính. Đó là gắn quyền lợi trực tiếp của CBCC với lợi ích của CCHC. Nhiều CBCC còn bàng quan với CCHC là vì họ chưa thấy quyền lợi trực tiếp từ công cuộc cải cách này.

Bên cạnh đó, cần thay đổi cách đưa người vào các cơ quan hành chính Nhà nước, chỉ tuyển những người có chuyên môn phù hợp với vị trí tuyển dụng. Điều này rất quan trọng. Vì đạo đức công vụ thể hiện trước hết ở mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các công chức. Tuyển đúng người, đúng việc là tạo điều kiện cho công chức hoàn thành tốt công việc.

Cuối cùng, chúng ta phải xây dựng cơ chế quản lý sao cho CBCC không cần, không muốn, không dám và không thể làm sai, tham nhũng trong thực thi công vụ bởi CBCC không muốn làm sai xuất phát từ đạo đức và sự vinh dự khi trở thành một CBCC. Không dám làm sai xuất phát từ tâm lý sợ hãi bởi sự nghiêm minh, công bằng của luật pháp. Không thể làm sai xuất phát từ sự minh bạch, công khai, dân chủ của các hoạt động Nhà nước…

TS Đỗ Thị Ngọc Lan (Học viện Hành chính tại TPHCM)

Tin cùng chuyên mục