Quảng cáo trên truyền hình - Cần định rõ trách nhiệm

Khi Công ty CP Mua sắm Hạnh phúc – một công ty bán hàng qua truyền hình, được biết đến với tên Happy Shopping, bị xử phạt vì có hành vi bán hàng giả, hàng nhập lậu, kinh doanh mỹ phẩm chưa có số đăng ký, kinh doanh hàng nhập khẩu không có nhãn phụ bằng tiếng Việt… thì câu chuyện về quảng cáo trên truyền hình đã như “giọt nước tràn ly”.
Quảng cáo trên truyền hình - Cần định rõ trách nhiệm

Khi Công ty CP Mua sắm Hạnh phúc – một công ty bán hàng qua truyền hình, được biết đến với tên Happy Shopping, bị xử phạt vì có hành vi bán hàng giả, hàng nhập lậu, kinh doanh mỹ phẩm chưa có số đăng ký, kinh doanh hàng nhập khẩu không có nhãn phụ bằng tiếng Việt… thì câu chuyện về quảng cáo trên truyền hình đã như “giọt nước tràn ly”.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Ngay sau sự việc của Happy Shopping, Cục Quản lý Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin - Truyền thông (TT-TT) đã có văn bản gửi các đài truyền hình, đài phát thanh đề nghị: “Khẩn trương rà soát các hoạt động quảng cáo của đài đang thực hiện liên quan đến sản phẩm của công ty Happy Shopping nói trên. Nếu có thực hiện quảng cáo cho các sản phẩm của công ty này, đề nghị đài xử lý theo quy định của pháp luật về quảng cáo và báo cáo bằng văn bản về Cục”.

Qua tìm hiểu được biết, dù việc kiểm tra chưa chính thức có kết luận cuối cùng nhưng thông qua những văn bản, giấy tờ mà các đài truyền hình, đài phát thanh trình lên cơ quan quản lý nhà nước đã hé lộ nhiều sự… bất ngờ. Hầu hết những sản phẩm quảng cáo thuộc lĩnh vực y tế như dược phẩm, mỹ phẩm, phòng khám y tế… đều có xác nhận của ngành y tế. Không chỉ xác nhận về tính năng, tác dụng của sản phẩm, ngành y tế còn xác nhận trên cả nội dung, kịch bản và như thế những sản phẩm này trên nguyên tắc đều hợp lệ khi phát sóng.

Theo Luật Quảng cáo, các sản phẩm có liên quan đến lĩnh vực y tế phải được ngành y tế cấp giấy tiếp nhận hồ sơ đăng ký quảng cáo. Các sản phẩm liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn phải được ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn cấp giấy tiếp nhận hồ sơ đăng ký quảng cáo (giấy xác nhận về tính năng, tác dụng của sản phẩm). Theo Luật Báo chí, các đài chịu trách nhiệm về nội dung phát sóng, kể cả nội dung quảng cáo.
 
Trước việc công chúng và dư luận đặt vấn đề các đài truyền hình phải chịu trách nhiệm về tất cả những quảng cáo sai tính năng, tác dụng của sản phẩm trong thời gian qua, ông Lưu Vũ Hải – Cục trưởng Cục Quản lý Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ TT-TT cho biết: “Chúng tôi vẫn đang trong quá trình kiểm tra và sẽ chính thức thông báo khi có kết luận cuối cùng. Cơ quan quản lý nhà nước kiên quyết làm rõ những đơn vị phải chịu trách nhiệm trong những sai phạm vừa qua và xử lý nghiêm khắc, tránh sự nhập nhằng, hiểu nhầm”.

Dự thảo Luật Quảng cáo mới chưa sát thực tế

Ông Ngô Huy Toàn – Trưởng phòng Thanh tra báo chí xuất bản, Bộ TT-TT cho biết: “Những sai phạm nhiều và chủ yếu trong quảng cáo trên truyền hình là quảng cáo quá mức tập trung vào khung giờ từ 18 đến 21 giờ, đáng chú ý trong thời gian gần đây là quảng cáo phòng khám chữa được bách bệnh, quảng cáo các loại thực phẩm chức năng dễ làm người tiêu dùng hiểu lầm đó là thuốc, quảng cáo không phù hợp truyền thống văn hóa dân tộc...

Quảng cáo phòng khám chữa được bách bệnh tràn lan trên nhiều kênh truyền hình.

Quảng cáo phòng khám chữa được bách bệnh tràn lan trên nhiều kênh truyền hình.

Tần xuất quảng cáo cho một sản phẩm dày đặc, liên tục. Ngoài ra là vô số các sản phẩm nói quá chức năng, tác dụng, gây hiểu nhầm và ảnh hưởng đến niềm tin, sức khỏe người tiêu dùng”. Theo dõi các kênh truyền hình hiện nay, nhất là mạng truyền hình trả tiền, tần xuất quảng cáo và nội dung quảng cáo khiến người xem “ngộp thở”. Việc “cắt nát” một chương trình để quảng cáo không còn là chuyện hiếm. Khán giả cũng thường gặp một sản phẩm được quảng cáo liên tục, lặp đi lặp lại trong một chương trình và kéo dài cả tháng mà theo quy định về quảng cáo thì một sản phẩm chỉ được quảng cáo liên tục trong 8 ngày, sau đó phải ngưng một thời gian rồi mới được xuất hiện trở lại.

Những quy định về quảng cáo trước đây không được thực hiện nghiêm. Chính vì thế, dự thảo Luật Quảng cáo mới do Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) soạn thảo đang được nhiều ban ngành và các đơn vị liên quan chú ý. “Với thực trạng quảng cáo như hiện tại, không chỉ làm mất đi tính trang trọng của tác phẩm báo chí mà còn thể hiện rằng sự tôn trọng khán giả chưa được quan tâm đúng mức. Đã đến lúc chúng ta phải cùng nhau nhìn nhận vấn đề một cách nghiêm túc để chấn chỉnh, đưa hoạt động quảng cáo truyền hình đi đúng quỹ đạo” – Ông Ngô Huy Toàn nhấn mạnh.

Một vấn đề khiến không ít người quan tâm đến lĩnh vực quảng cáo băn khoăn: Bộ TT-TT là đơn vị quản lý nhà nước quản lý đến 95% lĩnh vực quảng cáo trên báo tờ, báo điện tử, tạp chí, phát thanh, truyền hình, mạng internet, bảng điện tử, xuất bản phẩm (tờ rơi, catalog, lịch), mạng viễn thông, các ấn phẩm bưu chính, quảng cáo  trên điện thoại di động… Bộ VH-TT-DL quản lý khoảng 5% còn lại trên pano, áp phích, băng rôn nhưng lại là đơn vị soạn thảo Luật Quảng cáo. Chính vì thế, nhiều ý kiến góp ý rằng một số quy định quảng cáo trong dự thảo còn chung chung, thiếu cụ thể và có phần xa rời thực tế.

Đơn cử, trong Chương III, mục 1, điều 22 dành cho quảng cáo trên báo nói, báo hình quy định: quảng cáo không quá 7% tổng thời lượng chương trình của một ngày phát sóng; không được xen quảng cáo trong chương trình có thời lượng phát sóng dưới 15 phút; chương trình có thời lượng phát sóng từ 15 đến 30 phút được ngắt để quảng cáo một lần, từ phút 31 trở lên cứ 30 phút được tăng thêm một lần ngắt để quảng cáo, mỗi lần không quá 5 phút. Cứ xét theo điều này, các đài vẫn quảng cáo theo kiểu “dội bom” trong một vài khung giờ được gọi là “giờ vàng”; chương trình vẫn bị “cắt nát” để quảng cáo mà không phạm luật vì nhà đài “lách” được bằng cách - bắt đầu vào chương trình có quảng cáo, được 15 phút lại ngắt để quảng cáo, đến phút 30 lại ngắt cho quảng cáo và hết chương trình tiếp tục quảng cáo. Tính tổng thời lượng cho phép 5 phút/quảng cáo thì một chương trình trung bình có tới 20 phút quảng cáo. Như thế có nghĩa dự thảo luật mới cũng không khống chế và giảm bớt được thời lượng phát sóng trong chương trình, như trước đây.

Một mẫu quảng cáo quá tính năng, tác dụng sản phẩm của Công ty Happy Shopping trên truyền hình.

Một mẫu quảng cáo quá tính năng, tác dụng sản phẩm của Công ty Happy Shopping trên truyền hình.

Nếu tính 7% trên tổng thời lượng phát sóng của một ngày, sẽ không có đài nào vi phạm vì không thể sử dụng hết thời lượng này. Một đài nhiều kênh, mỗi kênh thường phát 24/24 nên tính ra 7% là một tỷ lệ quá lớn? Luật cần quy định về thời lượng quảng cáo trong từng chương trình cụ thể, chứ không thể tính theo tổng thời lượng của một ngày vì dễ xảy ra tình trạng có khung giờ dày đặc quảng cáo, có khung giờ không có quảng cáo... Thực tế hiện nay, các chương trình truyền hình có thời lượng 10 phút, 15 phút là khá phổ biến. Đó cũng là xu thế chung của thế giới. Trong dự thảo luật mới không cho phép quảng cáo khi chương trình có thời lượng dưới 15 phút cũng gây tranh cãi. Lẽ ra, nên quy định cụ thể: chương trình 15 phút thì được quảng cáo bao nhiêu phút, cũng như thế cho thời lượng 30, 60, 90 phút…

Một băn khoăn nữa trong việc quản lý nhà nước về quảng cáo là nên chăng quy về “một mối” để có sự quản lý, điều hành, điều chỉnh nhất quán, kịp thời, hiệu quả.

NHƯ HOA

Tin cùng chuyên mục