Vượt lên nỗi đau

Tối 9-7, tại Hà Nội, buổi giao lưu những điển hình tiên tiến nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đã được  tổ chức trong không khí  trang trọng, xúc động và chia sẻ. Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (VAVA) và nhiều nạn nhân chất độc da cam đã tham gia chương trình.

 (SGGP).- Tối 9-7, tại Hà Nội, buổi giao lưu những điển hình tiên tiến nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đã được  tổ chức trong không khí  trang trọng, xúc động và chia sẻ. Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (VAVA) và nhiều nạn nhân chất độc da cam đã tham gia chương trình.

Khán phòng của buổi giao lưu không còn một chỗ trống, rất nhiều nạn nhân chất độc da cam đến từ mọi miền đất nước, mỗi người một số phận, một hoàn cảnh khác nhau nhưng tất cả đều có chung một nỗi đau do chất độc da cam hành hạ. Thế nhưng, dù có đau đớn đến mấy, rất nhiều nạn nhân chất độc da cam Việt Nam đã nỗ lực vươn lên trong cuộc sống.

Chiến tranh đã lùi xa hàng chục năm qua nhưng đâu đó trong rất nhiều làng quê Việt Nam vẫn có những vết thương âm ỉ, đau nhói cho tới tận ngày hôm nay. Họ là những người lính trận trở về sau chiến tranh với biết bao nhiêu thương tật, nhưng đau đớn nhất vẫn là nỗi đau nhiễm chất độc da cam, không chỉ dày vò cơ thể họ mà còn hành hạ cả những thế hệ con, cháu của người lính.

Chia sẻ với những người cùng cảnh ngộ, chị Khổng Thị Thúy, sinh năm 1959, Đồng Quan, Đông Sơn, Yên Dũng, TP Bắc Giang cho biết, cuối năm 1981 chị lập gia đình với một thương binh từng tham gia chiến đấu tại mặt trận phía Nam. Tưởng rằng hạnh phúc gia đình được trọn vẹn nhưng cả 3 đứa con của vợ chồng chị đều bị bệnh hiểm nghèo vì ảnh hưởng của chất độc da cam từ người cha. Cuộc sống gia đình chị Thúy ngày một cơ cực.

Thế nhưng, không chấp nhận cảnh nghèo, vợ chồng chị đưa nhau vào Tây Nguyên làm kinh tế. Sau những năm tháng chăm chỉ làm ăn, có “của ăn của  để”, vợ chồng chị trở lại Bắc Giang và năm 2010, chị tham gia Hội Nạn nhân chất độc da cam Bắc Giang, mở cơ sở chăm sóc nuôi dưỡng dạy nghề cho các cháu nạn nhân chất độc da cam. Mặc dù chỉ mới hoạt động hơn một năm nhưng cơ sở đã nuôi dưỡng, dạy nghề, phục hồi chức năng cho gần 200 cháu.

Còn ông Lê Bá Phán, sinh năm 1948, ở Thiệu Hóa, Thanh Hóa, sau khi chiến đấu tại chiến trường miền Đông Nam bộ từ năm 1968 tới năm 1975, ông trở về quê hương, với di chứng của chất độc da cam. Cuối năm 1977, ông Phán lấy vợ rồi sinh con gái đầu lòng nhưng niềm vui chẳng được bao lâu khi con gái ông bị câm điếc, chậm phát triển trí tuệ. Lần lượt 4 đứa con nữa của ông Phán ra đời nhưng tất cả đều tật nguyền. Mặc dù hoàn cảnh gia đình rất éo le nhưng năm 1984, ông Phán cùng vợ con quyết tâm vào Phước Long lập nghiệp.

Với sự giúp đỡ của chính quyền địa phương và đồng đội, đến nay gia đình ông đã có cuộc sống khá giả. “Ngọt bùi nhớ lúc đắng cay”, hàng năm ông dành ra từ 70-100 triệu để giúp đỡ bà con hàng xóm, những người có hoàn cảnh khó khăn phát triển kinh tế.

 Sinh năm 1983, anh Trần Tuấn Kiệt ở Phổ Vinh, Đức Phổ, Quang Ngãi bị liệt cả 2 chân, có một người em cũng bị tật nằm một chỗ vì ảnh hưởng chất độc da cam. Thế nhưng anh Kiệt vẫn nỗ lực học tập, tốt nghiệp đại học với tấm bằng kỹ sư tin học. Trở về quê hương, Kiệt mở một cửa hàng làm nơi đào tạo nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật.

Còn rất nhiều tấm gương nạn nhân chất độc da cam/dioxin khác, bằng nghị lực và ý chí  đã vượt qua nỗi đau để vươn lên trong cuộc sống. Chia sẻ tại buổi giao lưu, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch VAVA nhấn mạnh: “Buổi giao lưu không chỉ để mọi người, dư luận trong nước và thế giới hiểu rõ hơn về nỗi đau nhiễm chất độc da cam, ý chí  vươn lên của nạn nhân chất độc da cam mà còn là một thông điệp gửi tới cộng đồng, kêu gọi đồng bào ta và nhân dân các nước trên thế giới đoàn kết đấu tranh với vũ khí giết người hàng loạt, hưởng ứng lời kêu gọi “nói không” với vũ khí hóa học của Liên hiệp quốc và ủng hộ cuộc đấu tranh đòi công lý của nạn nhân chất độc da cam”.

NGUYỄN QUỐC

Tin cùng chuyên mục