Tệ nạn buôn bán phụ nữ, trẻ em qua biên giới: Nhiều biến tướng

* Nạn nhân bị dụ dỗ vì kém hiểu biết và hoàn cảnh kinh tế khó khăn
* Phòng ngừa còn yếu

Nếu như năm 2005, theo số liệu thống kê, cả nước có 499 nạn nhân bị những kẻ buôn người dụ dỗ, ép buộc để bán qua biên giới thì năm 2007, con số này đã lên đến 938. Và 6 tháng đầu năm 2008, trên cả nước đã xảy ra 198 vụ buôn bán người (đa phần là phụ nữ và trẻ em-PNTE) với 431 nạn nhân…

Thủ đoạn: Dụ dỗ, hôn nhân, xin con nuôi và... cướp!

Hầu hết hoạt động buôn bán PNTE diễn ra ở tuyến biên giới Việt-Trung, tập trung ở các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai và tuyến biên giới Việt Nam-Campuchia chủ yếu tại các tỉnh Tây Ninh, Đồng Tháp, Kiên Giang, Hậu Giang. Riêng tuyến biên giới Việt-Lào, bọn buôn người cũng đưa nạn nhân vượt biên bằng đường rừng ở các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình…

Đó là thông tin do Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐTBXH) đưa ra mới đây. Và hoạt động buôn bán PNTE không chỉ diễn ra bằng đường bộ. Các tổ chức tội phạm trong nước và quốc tế còn hợp pháp hóa hoạt động qua việc tổ chức cho nạn nhân đi du lịch, hợp tác lao động… bằng đường hàng không và đường biển, chủ yếu là đưa họ sang “thị trường” Hàn Quốc, Australia, Mỹ, Malaysia, Singapore, Hồng Công, Đài Loan (Trung Quốc)… để ép buộc bán dâm. Một minh chứng là theo thống kê (từ năm 1998 đến nay), có 6.684 PNTE bị buôn bán, trong đó 63,5% phụ nữ khoảng 16-30 tuổi.

Chỉ ra thủ đoạn phạm tội của bọn buôn người, Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội TPHCM Nguyễn Ngọc Thạch liệt kê: “Bọn chúng lợi dụng hoàn cảnh kinh tế khó khăn của chị em phụ nữ ở nông thôn, tình trạng thất nghiệp và hiểu biết kém của nạn nhân để dụ dỗ đi “hợp tác lao động, du lịch” rồi đem … bán. Trong số 6.684 PNTE bị lừa bán, có gần 50% không biết chữ và gần 40% mới học xong bậc tiểu học và 88% nạn nhân đều thuộc diện gia đình khó khăn”.

Không chỉ phụ nữ bị buôn bán để làm nô lệ tình dục hay làm vợ, mà trẻ em và ngay cả nam giới cũng bị… bán, đó là một sự thật cho thấy tính phức tạp của loại tội phạm buôn bán người hiện nay. Điển hình là vào đầu năm 2008, Công an Hà Nội đã bắt 6 đối tượng mua bán trẻ em. Bọn chúng khai nhận chỉ trong vòng 6 tháng cuối năm 2007, chúng đã bán 40 trẻ em với giá 10-30 triệu đồng/trẻ. Thủ đoạn của bọn này là “đặt mua” từ các phụ nữ có thai ngoài ý muốn, gia đình trục trặc… rồi bán lại theo hình thức “cho-nhận con nuôi”. Bộ LĐTBXH cũng thống kê trong 3 năm gần đây, đã có 8.050 trẻ em được “cho-nhận con nuôi” và không loại trừ một phần trong số này thực chất là buôn bán. Gần đây nhất, khi trẻ em trai trở nên “có giá”, bọn tội phạm đã gây ra 9 vụ cướp trẻ em ở Hà Giang, trong đó có vụ chúng giết luôn cha mẹ của trẻ.

Cần đẩy mạnh tuyên truyền

Phó Giám đốc Sở LĐTBXH TPHCM Nguyễn Văn Minh cho biết: “Hầu như các loại tội phạm buôn bán PNTE đều diễn ra tại TPHCM và Hà Nội. Tuy nhiên, các nạn nhân đều là dân nơi khác đến TPHCM nên rất khó hạn chế loại tội phạm này”.

Ở góc độ của mình, Phó Chủ tịch Hội LHPN TPHCM Nguyễn Thị Ngọc Hạnh khuyên: “Các tổ chức, đơn vị, các phương tiện thông tin đại chúng cần nói rõ cho phụ nữ (khi đi du lịch, xuất khẩu lao động, hôn nhân với người nước ngoài) rằng bất cứ lúc nào cũng phải mang 1 hộ chiếu bản chính và 1 hộ chiếu photo bên mình. Đơn giản là khi lừa bán, bọn tội phạm thường tìm cách thu giữ hộ chiếu của nạn nhân và khi ấy, bản photo rất có tác dụng”. Một vài điều cần biết nữa là khi ra nước ngoài, phụ nữ cần mang theo một ít tiền của nước sở tại, phải biết số điện thoại của đại sứ Việt Nam tại nước đó và tốt nhất là biết một ít ngoại ngữ.

Những năm qua, Hội LHPN TPHCM đã hình thành nhiều CLB tư vấn; trợ vốn cho nhiều chủ nhà trọ mua tivi, sách báo; phát 50.000 tờ rơi… nhằm tuyên truyền cho phụ nữ nhập cư hiểu và cảnh giác. Bà Nguyễn Thị Ngọc Hạnh cho biết thêm: “Bên cạnh đó, Trung tâm hỗ trợ kết hôn với người nước ngoài (thuộc Hội LHPN TPHCM) bao giờ cũng tìm cách khuyên phụ nữ nên cân nhắc kỹ và chỉ ra các nguy cơ khi kết hôn với người nước ngoài. Tuy nhiên nếu chị em phụ nữ vẫn “quyết tâm”, trung tâm sẽ dạy ngôn ngữ, dạy nấu ăn, dạy kỹ năng… và thậm chí còn tổ chức lễ cưới cho phù hợp pháp luật Việt Nam. Chủ yếu là đẩy mạnh tuyên truyền mới có thể hạn chế nạn buôn bán người”.

Đồng quan điểm với Hội LHPN TPHCM, Trung tá Trần Hữu Hiệp (Đội phó Đội chống TNXH-PC14-CA TPHCM) nói: “Trong số 21 vụ tổ chức môi giới hôn nhân trái pháp luật ở TPHCM bị công an phát hiện (2006 đến nay), 100% nạn nhân đều là người các tỉnh. Khi được công an khuyên nhủ, các cô gái trên đều cho rằng công an… phá quyết định hôn nhân của họ. Khi được hỏi có biết gì về nguy cơ bị “bán” không, 100% đều trả lời “chưa nghe, chưa biết, chưa thấy”. CA TPHCM cũng chuyển danh sách trên 1.000 cô gái “có nguyện vọng lấy chồng ngoại” (rất dễ trở thành nạn nhân bị buôn bán) về các tỉnh, thành”. Về mặt này, Trung tá Hiệp cho rằng tuyên truyền sâu rộng để mọi người đề phòng, cảnh giác và tố giác tội phạm là vấn đề tiên quyết.
 

Nam giới cũng bị buôn bán

Công an tỉnh Quảng Ninh mới đây đã thụ lý điều tra vụ án Đỗ Thị Hồng lừa bán anh thanh niên Nguyễn Văn Hòa, ngụ tại tỉnh Hải Dương sang Trung Quốc. Bên cạnh đó, Công an tỉnh Lào Cai vừa tiếp nhận hai thanh niên trốn từ lò gạch huyện Dương Hà (tỉnh Tây Giang Trung Quốc) về Việt Nam. Hai nạn nhân khai đã bị hai người phụ nữ lạ mặt lừa bán cùng với các nạn nhân khác là: Tẩn Seo Trọng, Phàn Quốc Sửu, Phàn Diu Phủ, Phàn Diu Phú, Phàn Văn Lìn.

MINH ANH

Tin cùng chuyên mục