Lật lại những sai sót về dự báo khí tượng thủy văn: Khổ vì… dự báo thời tiết

Lật lại những sai sót về dự báo khí tượng thủy văn: Khổ vì… dự báo thời tiết

Sau khi cơn “đại hồng thủy” ở miền Bắc đã trôi qua và nỗi khiếp đảm vẫn còn hằn trong tâm trí của nhiều người thì vấn đề mà nhiều người đang lật lại để mổ xẻ, đó là chất lượng dự báo thời tiết của chúng ta hiện nay đang ra sao? Bởi lẽ, một điều rất khó chấp nhận là trước một trận mưa lũ kinh hoàng như vậy lại không hề được dự báo trước. Hậu quả là cả miền Bắc có gần 90 người chết và mất tích, không chỉ chịu thiệt hại về vật chất gần 7.000 tỷ đồng, người dân còn bị một phen sống cảnh khóc dở mếu dở…

Nín thở vì dự báo sai

Lật lại những sai sót về dự báo khí tượng thủy văn: Khổ vì… dự báo thời tiết ảnh 1

Người dân Hà Nội đã phải gánh chịu trận lụt lịch sử do không được dự báo trước. Ảnh: Ngập lụt trên đường Nguyễn Lương Bằng (Hà Nội) ngày 3-11-2008. Ảnh Trần Bình

Khi lật tìm lại các bản tin dự báo thời tiết của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương vào đêm 30-10 vừa qua, nhiều người không thể tin nổi khi trung tâm dự báo rằng: trời ít mây, có mưa rào nhẹ và dông nhiều nơi…

Sự thật từ đêm 30 rạng sáng 31-10, trời đã mưa như trút nước. Cứ 1-2 phút ngớt, trời lại dội thêm một trận mưa sủi bọt mới, mỗi trận mưa kéo dài từ 10-15 phút. Mưa trải rộng trên toàn miền Bắc, trở thành trận mưa lịch sử gần 40 năm, kéo dài trong 3 ngày, từ ngày 31-10 cho đến 2-11 vừa qua. Nhiều nơi thuộc khu vực Hà Nội, lượng mưa lên mức kỷ lục từ trước đến nay: Hà Đông 820mm, Ứng Hòa 900mm. Lượng mưa phổ biến là 300-500mm.

Rõ ràng, bản tin của trung tâm đã không bắt được đúng bệnh của thời tiết. Và chính cách dự báo này đã làm người dân cũng như các cấp chính quyền, cơ quan chức năng chủ quan, bị động. Điều đó cũng là dễ hiểu bởi từ trước đến nay, phần lớn người dân chúng ta quen tin cậy và dựa vào thời tiết. Vì chủ quan, bị động nên không chuẩn bị được các phương án ứng phó, dẫn đến làm nặng thêm hậu quả của đợt mưa ngập ở Hà Nội cũng như 10 địa phương ở miền Bắc.

Trong khi trận mưa lịch sử bắt đầu vào ngày 31-10, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương đã từng hoàn toàn bất lực trong việc dự báo thì đến tối 4-11, ngay tại cuộc giao ban của Ban chỉ đạo PCLB Trung ương, ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, lại làm cả miền Bắc cùng “nín thở” khi đưa ra dự báo rằng, bắt đầu vào đêm 6 đến ngày 8-11, ở miền Bắc lại tiếp tục có một đợt mưa mới với lượng mưa 200-300mm, cá biệt sẽ có những nơi mưa lên trên 300mm. Cụ thể, sẽ có mưa trong một ngày ở khu vực Tây-Tây Bắc sau đó chuyển sang Đông Bắc.

Trong bối cảnh, mực nước sông tại miền Bắc vẫn đang dâng cao, khu vực Hà Nội vẫn đang ngập trong nước lũ; ba con sông Đáy, Bùi, Nhuệ đã vượt mức báo động 3, nhiều nơi nước đã tràn đê và chỉ cần thêm một trận mưa nhỏ nữa là vỡ đê nên sau khi thông tin trên được nêu ra, người dân Hà Nội đã đổ xô đi mua lương thực, thực phẩm, chuyển nhà… Đơn giản vì họ tin rằng, theo đúng như dự báo thì những nơi đã ngập lại càng ngập hơn, nhiều làng mạc ở ven sông, trong vùng chậm lũ, phân lũ còn chưa ngập cũng có thể chìm trong nước lũ do nước có thể tràn đê, đê vỡ. Khắp nơi, đâu đâu cũng râm ran, lo lắng nước lũ còn lên cao nữa. Hà Nội đã ngộp thở vì lũ rồi, giờ lũ lại chồng lên lũ.

Cho đến chiều 6-11, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương vẫn giữ nguyên thông tin dự báo của mình. Nhưng sự thật lại hoàn toàn khác hẳn. Đến ngày 7 và 8-11, trời Hà Nội vẫn nắng long lanh, chẳng hề có bóng dáng của cơn mưa…

Phải thay đổi cung cách cũ

Trong cuộc giao ban của Ban chỉ đạo PCLB Trung ương để chỉ đạo công tác ứng phó với bão số 9 vào tối 7-11, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng nhận xét rằng, cách dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương còn rất chung chung, khô cứng, làm người dân rất khó hiểu. Bởi vậy, Phó Thủ tướng yêu cầu, cần phải đổi mới cách thức dự báo, đưa tin kịp thời, chính xác, rõ ràng, tăng thời lượng, chẳng hạn như dự báo bão thì phải nói rõ vị trí của bão ứng với tỉnh nào, khu vực nào, phạm vi ảnh hưởng ra sao… để người dân dễ nghe, dễ hiểu, chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại có thể xảy ra.

Cho đến nay, bài học về dự báo sai trong cơn bão Chanchu năm 2006, làm hơn 200 người chết và mất tích ở miền Trung vẫn để lại trong mỗi chúng ta nỗi đau xé lòng. Khi cơn bão xuất hiện, tâm bão Chanchu còn ở Philippines thì Đài Khí tượng Hồng Kông đã dự báo đường đi của bão là không đổ bộ vào Việt Nam. Thế nhưng Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương lại dự báo bão đi thẳng vào Việt Nam.

Sau đó, khi cơn bão hướng lên phía Bắc, vào vùng biển giữa đảo Hải Nam và lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc), trung tâm vẫn tiếp tục khẳng định tâm bão cách bờ biển Quảng Ngãi - Phú Yên 690km về phía Đông, bão sẽ di chuyển theo hướng giữa Tây-Tây Bắc và Tây Bắc. Sự thật, bão đã di chuyển theo đúng hướng dự báo của Đài Khí tượng Hồng Kông.

Mãi sau đó, vào hồi 9 giờ 30 ngày 15-5-2006, trung tâm của chúng ta mới phát đi một bản tin muộn mằn khẳng định bão đã quặt hướng đột ngột, nhưng đã quá muộn. Hàng trăm tàu đánh cá của ngư dân trên đường đi tránh bão đã gặp bão do tin vào cách dự báo của trung tâm. Sau sự việc này, người đứng đầu Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương đã bị điều chuyển sang công việc khác.

Thế nhưng, cho đến nay, chất lượng dự báo của chúng ta vẫn không hề được cải thiện. Cách đây chưa lâu, vào cuối tháng 9-2008 vừa qua, khi dự báo về cơn bão số 7 đổ vào miền Trung, trong khi Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Trung ương vẫn còn dự báo đến buổi chiều bão mới đổ vào đất liền thì ngay từ buổi sáng sớm, bão đã đổ ập vào bờ, quần thảo tại Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế…

Đến lượt cơn bão số 9 vừa suy yếu thành áp thấp nhiệt đới rạng sáng qua, 10-11, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cũng lại có cách dự báo khiến ngay cả ngư dân đang đánh cá trên biển và các cơ quan chỉ huy phòng chống lụt bão cũng như người dân ở đất liền cũng chẳng biết đâu mà lần khi “khẳng định” theo kiểu “dự đoán” hơn là dự báo: bão sẽ có 3 hướng di chuyển: một là dọc các tỉnh từ miền Trung đến Cà Mau, hai là quay ngược ra biển Đông và ba là đi thẳng vào miền Trung. Trong khi đó, Đài Khí tượng Hồng Kông chỉ khẳng định một hướng đi là bão số 9 chúc xuống vịnh Thái Lan, hầu như không có ảnh hưởng tới Việt Nam và đã đúng.

Ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương: Sẽ nghiêm túc rút ra bài học

(SGGP).- Hôm qua, 10-11, trao đổi với báo giới, ông Bùi Minh Tăng- Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, thanh minh rằng, trong đợt mưa lũ lớn ở miền Bắc vừa qua, theo dự báo chỉ có thể nói có mưa đến mưa vừa. Còn các mô hình dự báo của các nước và ở ta cho kết quả rất khác nhau. Mô hình dự báo ít nhất dự báo lượng mưa 10-20mm, mô hình dự báo lớn nhất cũng chỉ đưa ra kết quả là 118mm. Đây là các mô hình của Mỹ, Đức, Nhật. Không một mô hình nào phát hiện được lượng mưa dù chỉ bằng một nửa lượng mưa thực tế. Các số liệu vệ tinh, radar thời tiết cũng không có biểu hiện gì đặc biệt để giúp cho dự báo. Từ những căn cứ nói trên, chúng tôi đưa ra dự báo 50-100mm. Phải nói lượng mưa từ 100mm trở lên trong một ngày vào tháng 10 và 11 cũng là loại hiếm.

“Tuy nhiên, chúng tôi sẽ phải mổ xẻ, tìm hiểu đợt mưa này làm bài học trong công tác dự báo. Hy vọng sẽ không gặp phải trường hợp nào như thế này nữa. Về kế hoạch lâu dài, hiện chúng tôi đang thực hiện kế hoạch hiện đại hóa công tác dự báo khí tượng thủy văn”- ông Bùi Minh Tăng hứa.

VĂN PHÚC HẬU

Tin cùng chuyên mục