WB lạc quan về kinh tế Việt Nam

Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố kết quả cập nhật tình hình kinh tế Đông Á - Thái Bình Dương cho thấy, nền kinh tế của khu vực này sẽ duy trì tích cực trong vòng 3 năm tới. Theo đó, dự báo về triển vọng kinh tế của Việt Nam trong trung hạn vẫn tích cực và GDP sẽ đạt mốc 6,3% trong năm 2017, trong khi GDP khu vực Đông Á - Thái Bình Dương nói chung chỉ đạt 6,2%.

Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố kết quả cập nhật tình hình kinh tế Đông Á - Thái Bình Dương cho thấy, nền kinh tế của khu vực này sẽ duy trì tích cực trong vòng 3 năm tới. Theo đó, dự báo về triển vọng kinh tế của Việt Nam trong trung hạn vẫn tích cực và GDP sẽ đạt mốc 6,3% trong năm 2017, trong khi GDP khu vực Đông Á - Thái Bình Dương nói chung chỉ đạt 6,2%.

Sự hồi phục tốt

Sở dĩ nền kinh tế khu vực được WB đánh giá có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất trên thế giới là nhờ “cầu” nội địa tăng mạnh, kinh tế toàn cầu dần hồi phục và giá hàng hóa nguyên vật liệu tăng trở lại. Do vậy, khu vực Đông Á - Thái Bình Dương sẽ đạt mức tăng trưởng 6,2% trong năm 2017 và 6,1% năm 2018. Trong đó, cao nhất là Lào đạt 7%, Myanmar 6,9% trong năm 2017 và 7,2% trong năm 2018, Philippines và Campuchia sẽ đạt mức tăng trưởng 6,9% trong năm 2017, 2018; Trung Quốc đạt 6,5% năm 2017… Tuy nhiên, lãnh đạo WB cũng cảnh báo, dự báo này có đạt được hay không còn phụ thuộc vào việc các nhà thiết lập chính sách có khả năng nắm bắt và điều chỉnh cho phù hợp với các bất ổn toàn cầu, cũng như yếu kém trong nước để bật dậy hay không. Nếu các nước chú ý đẩy mạnh xuất khẩu, tăng cường chính sách và khung thể chế hướng tới tăng năng suất lao động thì các chỉ tiêu dự báo sẽ đạt được trong tầm tay.

Theo WB, tầm nhìn trung hạn của Việt Nam khá tích cực và sẽ duy trì được tốc độ phát triển dài hạn nếu tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu nhằm hỗ trợ cho mô hình tăng trưởng dựa vào năng suất. Với sự phát triển hiện nay và hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài vững mạnh như thế, năm 2017 Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,3% và 2 năm tiếp theo, nền kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ đạt mức tăng trưởng 6,4%. Việc phát triển ở những năm sau được đánh giá là do sức cầu trong nước tăng mạnh, cùng với đó là các hoạt động chế tạo, chế biến xuất khẩu cũng tăng. Tình hình ngân sách sẽ được củng cố và hoạt động thoái vốn tăng nhanh.

Sản xuất cơ khí chính xác tại Tổng Công ty công nghiệp Sài Gòn. Ảnh: CAO THĂNG

Vẫn phải kiểm soát rủi ro

Dù triển vọng của Việt Nam trong trung hạn vẫn tích cực, nhưng những rủi ro vẫn còn đó. Cụ thể như việc chậm chuyển đổi cơ cấu có thể làm tăng nguy cơ dễ tổn thương về kinh tế vĩ mô và giảm tốc độ tăng trưởng tiềm năng. Ngoài ra, nếu kinh tế thế giới biến động mạnh và có tác động qua các kênh thương mại và đầu tư, có thể khiến triển vọng tăng trưởng của Việt Nam ảm đạm hơn.

Tâm lý bảo hộ và những rủi ro liên quan đến các biện pháp bảo hộ ở các nền kinh tế lớn cũng là những rủi ro lớn cho nền kinh tế đang trên đà mở cửa của Việt Nam. Bên cạnh đó, trước bối cảnh USD Mỹ mạnh lên và hầu hết đối tác thương mại chính của Việt Nam đều giảm mạnh tỷ giá, khả năng đồng Việt Nam tăng giá thực và khả năng ảnh hưởng tiêu cực của nó đến năng lực cạnh tranh xuất khẩu của Việt Nam vẫn là một quan ngại.

Trước tình hình tăng trưởng tín dụng mạnh trong khu vực và Việt Nam, các chuyên gia WB đề nghị Chính phủ Việt Nam cần tăng cường quản lý và giám sát. Đồng thời, WB kêu gọi Việt Nam và các quốc gia trong khu vực cần áp dụng các biện pháp kinh tế vĩ mô cẩn trọng, tiếp tục tập trung vào quản lý kinh tế vĩ mô và duy trì cân đối tài khóa bền vững trong kỳ trung hạn, nhằm đối phó với các rủi ro kinh tế của khu vực.

SĨ NHƠN

Tin cùng chuyên mục