Sai phạm tại VNCB là vụ án kinh tế lớn nhất trong lịch sử ngành ngân hàng

Ngày 16-8, phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ sai phạm xảy ra tại Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (gọi tắt là VNCB) bước sang phần tranh luận.
Sai phạm tại VNCB là vụ án kinh tế lớn nhất trong lịch sử ngành ngân hàng

>> Xét xử vụ sai phạm tại Ngân hàng Xây dựng

(SGGPO).- Ngày 16-8, phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ sai phạm xảy ra tại Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (gọi tắt là VNCB) bước sang phần tranh luận.

Mở đầu phần tranh luận, vào lúc 9 giờ 15 phút, đại diện Viện KSND TPHCM giữ quyền công tố tại phiên tòa đã trình bày nội dung luận tội. Công tố viên nhận định: "Đây là một trong những vụ án kinh tế lớn nhất, gây ra hậu quả đặc biệt lớn trong lịch sử ngành ngân hàng".

Theo đó, sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận chủ trương Phương án tái cơ cấu TrustBank, Phạm Công Danh đã nắm quyền kiểm soát, chi phối TrustBank (sau này đổi tên là VNCB), trong khi ngân hàng này đang bị Ngân hàng Nhà nước đặt vào tình trạng kiểm soát và mọi giao dịch có giá trị từ 5 tỷ đồng trở lên đều phải có ý kiến của Tổ giám sát - Ngân hàng Nhà nước. Do có nhu cầu cần tiền chi trả lãi ngoài chăm sóc khách hàng, chi trả nợ cho Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh và các doanh nghiệp trong Tập đoàn, chi một số khoản cho hoạt động của Tập đoàn Thiên Thanh và một số khoản chi khác, bị cáo Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị VNCB, Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh) đã chỉ đạo Hội đồng quản trị, Ban điều hành và Ban kiểm soát VNCB, cấp dưới thuộc Tập đoàn Thiên Thanh và các Chi nhánh VNCB, thực hiện các hành vi phạm tội, gây thiệt hại 9.000 tỷ đồng cho VNCB.

Bị cáo Phạm Công Danh (hàng trên, thứ tư từ trái sang) cùng đồng phạm nghe luận tội

Cụ thể, bị cáo Phạm Công Danh đã chỉ đạo các đồng phạm tạo dựng hồ sơ khống trong việc nâng cấp hệ thống CoreBanking, triển khai thực hiện khống để rút 63,276 tỷ đồng; ký hợp đồng khống thuê mặt bằng tại số 268 Tô Hiến Thành, quận 10, TPHCM và 816 Sư Vạn Hạnh, quận 10, TPHCM với hai công ty của Phạm Công Danh (Công ty Trung Dung, Công ty Hương Việt) nhằm chiếm đoạt 581,6 tỷ đồng của VNCB. Phạm Công Danh còn cùng đồng phạm còn gây thiệt hại khi rút 5.000 tỷ đồng nhưng không được sự đồng ý của chủ tài khoản và không có chữ ký của chủ tài khoản; rút 300 tỷ đồng không có hồ sơ vay; rút 903 tỷ đồng dưới hình thức ủy thác đầu tư mua trái phiếu...

Bên cạnh đó, Phạm Công Danh chỉ đạo xây dựng các bộ hồ sơ kinh doanh mua bán nguyên vật liệu khống, phương án trả nợ khống, lập các biên bản họp HĐQT không có thật; sử dụng các lô đất thuộc Sân vận động Chi Lăng, Đà Nẵng và lô đất tại 209 Trường Chinh, Đà Nẵng (thực chất là đất của Tập đoàn Thiên Thanh), định giá nâng giá trị các lô đất lên nhiều lần làm tài sản đảm bảo; chỉ đạo 15 cá nhân chuyển khoản hoặc rút tiền mặt trái phép bằng các hồ sơ vay VNCB với số tiền là 4.700 tỷ đồng để trả nợ cho một số ngân hàng và nhóm cá nhân, gây thiệt hại cho VNCB.

Về trách nhiệm dân sự, công tố viên cho rằng bị cáo Phạm Công Danh là người đề ra chủ trương và tổ chức chỉ đạo cho các đồng phạm thực hiện hành vi phạm tội nên phải chịu trách nhiệm đối với toàn bộ thiệt hại trong vụ án, các bị cáo khác phải liên đới chịu trách nhiệm.

Về số tiền 5.190 tỷ đồng do nhóm Trần Ngọc Bích cầm cố sổ tiết kiệm vay tiền vào các ngày 21 và 26-8-2013 đã được VNCB giải ngân, sau đó bị Hoàng Đình Quyết (nguyên Phó Giám đốc phụ trách VNCB chi nhánh Sài Gòn, Giám đốc VNCB chi nhánh Lam Giang) chuyển trái với ý muốn của bà Bích đến tài khỏaan của Phạm Công Danh và các tài khoản do Phạm Công Danh chỉ định, công tố viên cho rằng số tiền này phải được phục hồi trên cơ sở bà Bích phải hoàn trả các hợp đồng vay vào các ngày 21 và 26-8-2013. VNCB cần tiếp tục quản lý các sổ tiết kiệm để đảm bảo cho việc thu hồi số tiền này.

Các bị cáo tại phiên toà sáng nay

Đối với bà Trần Ngọc Bích, quá trình điều tra và thẩm vấn tại phiên tòa vẫn chưa làm rõ được việc bị cáo Danh trực tiếp bàn bạc, thỏa thuận vay tiền của bà Bích. Vì vậy chưa xác định được quan hệ vay và cho vay giữa bị cáo Danh và bà Bích nên chưa đủ cơ sở để xem xét trách nhiệm hình sự đối với bà Bích và những người có liên quan.

Công tố viên cũng đề nghị hội đồng xét xử khởi tố vụ án, yêu cầu Cơ quan Cảnh sát Điều tra - Bộ Công an điều tra xử lý Phạm Thị Trang (tức "Trang Phố Núi"). Vì với những tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án cùng kết quả thẩm vấn tại phiên tòa cho thấy Phạm Thị Trang là người tham gia giúp Phạm Công Danh thực hiện nhiều hành vi trái pháp luật, gây thiệt hại cho VNCB.

Đối với ông Nguyễn Việt Hà (Tổng giám đốc Công ty cổ phần quản lý Quỹ Lộc Việt), tuy không có mặt tại phiên tòa để trả lời những vấn đề có liên quan nhưng căn cứ vào lời khai của bị cáo Phạm Công Danh và các đồng phạm cùng những tài liệu khác cho thấy ông Hà biết quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về ủy thác và quy định của Chính phủ về phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Tuy nhiên, ông Hà vẫn tiếp tay cho Phạm Công Danh rút 903 tỷ đồng từ VNCB dưới hình thức ủy thác đầu tư mua trái phiếu của Tập đoàn Thiên Thanh thông qua Công ty Quỹ Lộc Việt. Vì vậy công tố viên kiến nghị Cơ quan Cảnh sát Điều tra - Bộ Công an và Viện KSND Tối cao xem xét trách nhiệm hình sự đối với ông Hà.

Lúc 10 giờ 50 phút, phiên tòa tạm nghỉ. Chiều nay, công tố viên tiếp tục luận tội và đề nghị mức án đối với từng bị cáo. Sau đó, các luật sư bắt đầu phần bào chữa cho các bị cáo.

ÁI CHÂN

Tin cùng chuyên mục