Sau cuộc họp vào chiều 4-2, theo đề nghị của doanh nghiệp, các chủ tàu vỏ thép hư hỏng đã thống nhất đi đến những buổi làm việc riêng, để có thỏa thuận cuối cùng về tiền bồi thường. Qua đó, các buổi họp riêng giữa ngư dân và doanh nghiệp đều phải có mặt của ban ngành chức năng các địa phương, chứng kiến và chủ trì.
Trước đó, theo thống kê, thiệt hại của 20 chủ tàu vỏ thép hư hỏng ở Bình Định là trên 33 tỷ đồng. Tuy vậy, đến khi làm việc riêng con số 33 tỷ đồng đã bắt đầu "xuống giá" thê thảm.
Cụ thể, chiều 5-4, Phòng Kinh tế huyện Hoài Nhơn (Bình Định) cho biết, vào ngày 4-4, 6 ngư dân có tàu vỏ thép đóng mới theo Nghị định 67 tại địa bàn đã có buổi làm việc với Giám đốc Công ty Nam Triệu tại UBND huyện này. Trước sự có mặt của ban ngành chức năng địa phương, phía nhà máy đóng tàu và ngư dân đã đi đến thống nhất bồi thường thiệt hại các tàu hư hỏng, nằm bờ.
Qua đó, có 2 chủ tàu được bồi thường 200 triệu đồng/tàu; 1 trường hợp là 238 triệu đồng và có 3 trường hợp được bồi thường 218 triệu đồng/ tàu. Các bên thống nhất, tiền bồi thường sẽ được chuyển theo 2 hình thức: Trao tiền mặt hoặc chuyển qua tài khoản ngân hàng, han chót trước ngày 4-5-2018.
Cùng ngày 5-4, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Định xác nhận, trong hai ngày 3 và 4-4, tại UBND các huyện Phù Mỹ, Phù Cát (Bình Định), 5 chủ tàu vỏ thép hư hỏng do Công ty Đại Nguyên Dương đóng, là các ông: Mai Văn Chương, Nguyễn Văn Lý, Nguyễn Văn Mạnh, Võ Tuân, Trần Minh Vương cũng đã đồng ý nhận tiền bồi thường từ phía chủ nhà máy đóng tàu.
Tuy vậy, số tiền bồi thường đã từ 5,3 tỷ đồng xuống còn 881 triệu đồng/ 5 tàu. Vì quá ngán ngẩm với những cuộc họp bàn, kiện tụng phía các ngư dân đành bấm bụng, gật đầu nhận tiền cho xong chuyện.
Theo Sở NN&PTNT Bình Định, hiện Công ty Đại Nguyên Dương và các chủ tàu vẫn chưa thống nhất mức bồi thường trả lãi ngân hàng trong thời gian sửa chữa tàu. Trong khi các chủ tàu yêu cầu Công ty Đại Nguyên Dương phải chịu 3% trong mức 6% lãi suất nợ quá hạn thì công ty này chỉ đồng ý 2,5%. Tuy vậy, phía doanh nghiệp đóng tàu lại tìm cách né trách nhiệm, để mặc ngư dân nợ ngân hàng quá hạn, thành nợ xấu.
Báo cáo của NHNN Việt Nam - Chi nhánh tại Bình Định, số tàu nợ quá hạn ngân hàng quá lớn, ảnh hưởng đến hiệu quả của chính sách. Hiện, toàn tỉnh Bình Định có 41 chủ tàu bị nợ quá hạn gốc và lãi ngân hàng; trong đó có 20 trường hợp tàu cá vỏ thép bị hư hỏng phải nằm bờ sửa chữa.
Hiện nay, các ngân hàng thương mại chưa có hướng dẫn cụ thể về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, phân loại nợ theo thẩm quyền để giải quyết cho các ngư dân.