Thay mặt TAND tỉnh Bình Thuận, ông Bích Văn Liên, Phó Chánh án TAND tỉnh Bình Thuận thông tin, ngày 13-7-2017, TAND huyện Hàm Thuận Nam đã tổ chức xét xử sơ thẩm tuyên miễn hình phạt tù đối với 2 bị cáo Nam và Tuấn bị truy tố về tội nhận hối lộ do hành vi của 2 bị cáo chưa đến mức phải cách ly ra khỏi xã hội, có nhiều tình tiết được giảm nhẹ.
Sau đó, 2 bị cáo đã có đơn kháng cáo bản án sơ thẩm, đề nghị TAND tỉnh Bình Thuận xét xử phúc thẩm, tuyên các bị cáo không phạm tội.
Tại phiên tòa phúc thẩm, 2 bị cáo không thừa nhận mình phạm tội. Các luật sư bào chữa của các bị cáo cho rằng, 2 người nông dân này không có chức vụ quyền hạn, không làm sai bất cứ quy định nào trong thực hiện các thủ tục vay vốn cho người dân nên không phạm tội nhận hối lộ.
Tuy nhiên, qua thẩm vấn tại phiên tòa, nghiên cứu hồ sơ, tranh luận, HĐXX nhận thấy, các tổ viên Tổ tiết kiệm và vay vốn nông dân thôn Lò To do Hội Nông dân xã Hàm Cần quản lý đã tán thành bầu bị cáo Nam làm tổ trưởng còn bị cáo Tuấn làm tổ phó. Kết quả này được UBND xã Hàm Cần xác nhận, chấp thuận cho tổ được thành lập và hoạt động.
Ngoài ra, bị cáo Tuấn còn giữ chức vụ Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn Đoàn thanh niên thôn Lò To. Các tổ tiết kiệm vay vốn này đều được Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Hàm Thuận Nam lập hợp đồng ủy nhiệm theo quy định. Như vậy, Ban quản lý tổ tiết kiệm và vay vốn với đại diện là tổ trưởng được thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn nhất định, được ký kết với Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Hàm Thuận Nam.
HĐXX xét thấy, trong trường hợp này, 2 bị cáo trên đều là người có chức vụ, không phải không có chức vụ như các bị cáo trình bày và mặc dù 2 bị cáo không thừa nhận hành vi của mình nhưng các hộ dân có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án “2 nông dân bị truy tố về tội nhận hối lộ” ở tỉnh Bình Thuận đều khẳng định họ không tự nguyện đưa tiền cho các bị cáo mà do các bị cáo gợi ý, đặt điều kiện buộc phải đưa tiền cho các bị cáo thì họ mới làm thủ tục vay vốn.
Ngoài ra, các hộ dân khẳng định, các bị cáo cũng làm trái quy định khi không tổ chức họp các tổ viên trong tổ vay vốn để thực hiện bình xét công khai, dân chủ lựa chọn tổ viên có đủ điều kiện vay vốn mà các bị cáo tự ý điền các biểu mẫu có sẵn để hợp thức hóa hồ sơ cho những người cần vay vốn.
Đồng thời, theo quy định của Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Hàm Thuận Nam, ban quản lý các tổ tiết kiệm và vay vốn chỉ được thu tiền lãi, tiền gửi tiết kiệm của các tổ viên rồi sau đó sẽ được ngân hàng chi phần trăm hoa hồng. Ngoài ra, họ không được thu bất kỳ khoản thu nào khác.
Do vậy, HĐXX nhận thấy, các bị cáo đã lợi dụng hoàn cảnh khó khăn, sự thiếu hiểu biết của một số hộ dân nghèo để đưa ra các gợi ý, đòi hỏi phải có khoản bồi dưỡng nhất định thì các bị cáo mới lập hồ sơ, hoàn tất thủ tục vay vốn theo yêu cầu của các hộ dân. Trong đó, bị cáo Tuấn chủ động đề xuất, gợi ý, lấy lý do làm hồ sơ tốn kém, đi lại khó khăn nên từ ngày 17-7-2013 đến ngày 3-5-2014, Tuấn đã đòi và nhận của các hộ dân là hơn 16 triệu đồng.
Từ hành vi như vậy, TAND huyện Hàm Thuận Nam xử 2 bị cáo tội nhận hối lộ là có cơ sở.
Về hình phạt, HĐXX sơ thẩm đã cân nhắc mức độ, hành vi phạm tội của các bị cáo, về tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự như: khai báo thành khẩn, nhân thân tốt, đã khắc phục hậu quả kịp thời, số tiền nhận hối lộ không lớn, các bị cáo sinh sống nơi vùng kinh tế khó khăn… Do đó, HĐXX phúc thẩm xét thấy bản án sơ thấm của TAND huyện Hàm Thuận Nam là đúng pháp luật nên TAND tỉnh Bình Thuận tuyên xử giữ nguyên bản án sơ thẩm và tuyên bố 2 bị cáo phạm tội nhận hối lộ.