Đánh vào tâm lý cần xe đi chơi tết của đa số người tiêu dùng, các đại lý ô tô cả tư nhân và chính hãng đều tranh thủ đẩy giá để chốt lời, đặc biệt là các dòng SUV. Gây sự chú ý nhất hiện nay trên thị trường là những dòng SUV hạng trung của các thương hiệu như Peugeot, Mazda, Honda, Nissan… Tháng 2 này, mẫu Honda crossover CR-V 2018 của Honda Việt Nam tăng giá khá mạnh, lên đến 130 triệu đồng cho phiên bản cao cấp nhất. Giá tăng mạnh nhưng mẫu ô tô này vẫn luôn trong tình trạng “cháy hàng”. Nguyên nhân là do tính đến đầu năm 2018, số đơn hàng đặt xe lên đến 2.000 chiếc nhưng Honda Việt Nam chỉ nhập hạn chế 750 chiếc.
Honda Việt Nam cho biết mẫu ô tô nói trên vẫn chịu thuế 30% chứ không phải 0%, nên giá bán lẻ đề xuất không giảm như nhiều người kỳ vọng! Trước sự khan hiếm nguồn cung, mức giá của mẫu crossover tăng lên 1,25 tỷ đồng và phải lắp thêm một số phụ kiện trang trí khác với giá khoảng 50 triệu đồng thì mới được nhận xe trước tết.
Tương tự, trong thông báo mới nhất của Thaco, dòng xe Mazda CX-5 mới phiên bản 2.5L 2WD tăng giá 30 triệu đồng/xe so với dự kiến (từ 939 triệu lên 969 triệu đồng); phiên bản 2.5L 4WD tăng giá 10 triệu đồng/xe (từ 989 triệu lên 999 triệu). Theo Thaco, giá bán mới đã được điều chỉnh theo mức thuế tiêu thụ đặc biệt mới đối với các dòng xe có dung tích động cơ từ 2.0L trở xuống. Từ 1-1-2018, những xe có động cơ từ 1.5L trở xuống áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt 35% thay vì 40% như trước, xe có động cơ trên 1.5L đến 2.0L áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt 40% thay vì 45%.
Đáng chú ý, chiếc Peugeot 5008 do Thaco phân phối cũng đang “làm mưa làm gió” trên thị trường, vì nhu cầu tăng mạnh nhưng nguồn cung khan hiếm. Do đó, so với công bố ban đầu chiếc Peugeot 5008 chỉ có giá hơn 1,3 tỷ đồng, nay được các đại lý đẩy lên hơn 1,5 tỷ đồng/chiếc. Dù vậy, khách hàng muốn nhận xe trước tết cũng “hên xui”, vì hiện nhiều đại lý không còn xe để giao do chưa về kịp.
Trước đó, mẫu SUV nhập khẩu nguyên chiếc từ Nhật Bản của hãng Toyota là Land Cruiser Prado cũng bất ngờ tăng giá tới 95 triệu đồng/xe, lên mức 2,262 tỷ đồng. Dòng SUV X-Trail của hãng Nissan cũng nằm trong danh sách “cháy hàng”. “Hiện cửa hàng chúng tôi không còn xe để giao cho khách dù họ đã đặt cọc, đặc biệt là dòng SUV X-Trail. Nguyên nhân là cửa hàng được hãng Nissan tại Việt Nam cho phân phối 300 chiếc trong mùa tết, nhưng sản xuất không kịp nên nợ lại 7 chiếc qua tết mới có”, đại diện Nissan Gò Vấp cho biết.
Do giá ô tô hiện tăng khá cao so với lúc đặt cọc nên nhiều khách hàng đành ngậm ngùi rút lại tiền, chuyển qua sử dụng phương tiện khác để du xuân. “Hai tháng trước tôi đã đặt cọc 200 triệu đồng để mua chiếc Peugeot 5008. Đại lý hẹn 20 ngày có xe nhưng đến nay đã thất hứa 3 lần rồi. Nếu đại lý không giao xe trước tết, tôi sẽ rút tiền cọc lại, bỏ ra một khoản để thuê xe đi chơi tết, không thể đợi được”, anh Nguyễn Văn Bảo (ngụ quận Gò Vấp) tâm sự.
Theo nhận định của giới kinh doanh xe cũng như của các chuyên gia, nguyên nhân khiến giá ô tô bị đẩy lên cao có yếu tố khách quan là do vướng quy định mới nên xe không thể nhập khẩu về kịp dịp tết. Tuy nhiên, không loại trừ nhiều hãng xe đang bắt tay với nhau để ghim hàng, tạo khan hiếm ảo nhằm đẩy giá và có thể đẩy mạnh mãi lực các mẫu hàng tồn kho năm 2017.
“Đa số các hãng ô tô vừa sản xuất trong nước vừa nhập khẩu, do đó câu chuyện “đi đêm” với nhau để thao túng thị trường rất dễ xảy ra. Với tình hình hiện nay, nếu Việt Nam chưa có một dòng xe đủ để cung cấp cho thị trường thì giá xe khó giảm, kể cả khi thuế nhập khẩu về 0%”, chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Minh Hải, Đại học Quốc gia TPHCM, đánh giá.