Thúc đẩy môi trường kinh doanh thuận lợi, tăng cường kết nối doanh nghiệp Việt Nam - Singapore

° Tổng Giám đốc điều hành WB: Thành công của Việt Nam là kết quả của các chính sách tốt

° Tổng Giám đốc điều hành WB: Thành công của Việt Nam là kết quả của các chính sách tốt

(SGGP).- Ngày 23-3, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì lễ đón và hội đàm với Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đang thăm chính thức Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long chứng kiến lễ ký bản ghi nhớ về việc phát triển Khu công viên phần mềm Đà Nẵng giữa UBND TP Đà Nẵng và Công ty Sembcorp

Tại hội đàm, hai Thủ tướng nhấn mạnh sự phát triển mạnh mẽ của quan hệ hợp tác thương mại, đầu tư và kinh tế giữa hai nước là trụ cột vững chắc của quan hệ đối tác chiến lược và khẳng định thúc đẩy môi trường kinh doanh thuận lợi, tăng cường kết nối các doanh nghiệp.   

Hai bên nhất trí, bên cạnh tiếp tục phát huy hiệu quả Hiệp định khung kết nối hai nền kinh tế sẽ tích cực hợp tác, tìm tòi những hướng đi mới, sáng tạo và bắt kịp với làn sóng cách mạng công nghệ đang diễn ra. Singapore sẽ hỗ trợ Việt Nam trong phát triển thành phố thông minh, đưa công nghệ vào cuộc sống, nâng cao chất lượng sống người dân; cũng như chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực khoa học - công nghệ, tiếp cận được các dòng vốn từ các quỹ đầu tư, nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, kết nối giữa một số thành phố lớn của Việt Nam với Singapore.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Lý Hiển Long chia sẻ giá trị chung về một khu vực hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và phát triển thịnh vượng, cam kết tiếp tục đẩy mạnh quan hệ hợp tác an ninh-quốc phòng. Hai nhà lãnh đạo bày tỏ quan ngại về vấn đề khủng bố và cướp biển đang ngày càng gia tăng trong khu vực, nhất trí tăng cường chia sẻ thông tin, kinh nghiệm về chống khủng bố, an ninh mạng, an ninh hàng hải và tội phạm xuyên quốc gia.

Hai Thủ tướng nhất trí duy trì tham vấn và hợp tác chặt chẽ với nhau cũng như với các nước ASEAN khác nhằm xây dựng một ASEAN đoàn kết, thống nhất, năng động, sáng tạo, phát huy vai trò trung tâm của hiệp hội trong việc xử lý các vấn đề chiến lược ở khu vực, đặc biệt là vấn đề biển Đông.

Sau hội đàm, hai Thủ tướng đã chứng kiến lễ ký các văn kiện hợp tác: Trao thư của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho Ngân hàng UOB của Singapore về việc Ngân hàng UOB lập chi nhánh 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam; bản ghi nhớ giữa Bộ Công thương và Tập đoàn Sembcorp về phát triển Dự án BOT tuốc-bin khí hỗn hợp Dung Quất 2; bản ghi nhớ về việc phát triển Khu công viên phần mềm Đà Nẵng giữa UBND TP Đà Nẵng và Liên doanh Tập đoàn Sembcorp; bản ghi nhớ giữa Hội Hữu nghị Việt Nam - Singapore và Quỹ quốc tế Singapore; bản ghi nhớ giữa Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước và Công ty TNHH Keppel Land Việt Nam; bản ghi nhớ về việc xây dựng Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore tại tỉnh Quảng Trị giữa UBND tỉnh Quảng Trị và Liên doanh Tập đoàn Sembcorp và Becamex.

Sáng cùng ngày, Thủ tướng Lý Hiển Long đã đến đặt vòng hoa tại Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chiều 23-3, Thủ tướng Lý Hiển Long đã tới chào xã giao Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; gặp Chủ tịch nước Trần Đại Quang và hội kiến với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.

° Ngày 23-3, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp Tổng Giám đốc điều hành Ngân hàng Thế giới (WB) Kristalina I.Georgieva. Tại buổi tiếp, Thủ tướng cho biết, trong giai đoạn 5 năm tới, mục tiêu hàng đầu của Việt Nam là ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, bảo đảm an sinh xã hội, chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, phấn đấu đạt mức tăng trưởng bình quân 6,5% - 7%. Tuy nhiên, Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn, thách thức trong quá trình hội nhập, phát triển kinh tế và là nước chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, nên rất cần sự hỗ trợ của cộng đồng tài trợ nói chung và WB nói riêng. Thủ tướng đề nghị WB cung cấp hỗ trợ ổn định vĩ mô và thực hiện các giải pháp tái cơ cấu kinh tế trong 3 lĩnh vực trọng tâm, gồm: tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu khu vực doanh nghiệp Nhà nước và tái cơ cấu hệ thống ngân hàng. Nhu cầu đầu tư và hỗ trợ của Việt Nam rất lớn, do vậy, bên cạnh nguồn vốn IDA, Việt Nam cũng mong muốn WB tăng cường hỗ trợ từ các tổ chức khác trong nhóm WB (IBRD, MIGA, IFC…) để tối đa hóa hiệu quả hỗ trợ cho Việt Nam. Thủ tướng khẳng định Việt Nam coi trọng và cam kết luôn bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn vay của cộng đồng quốc tế nói chung và WB nói riêng.

Bày tỏ ấn tượng khi đến thăm và chứng kiến những tiến bộ mà Việt Nam đạt được, bà Kristalina I.Georgieva nhận định, thành công của Việt Nam là kết quả của các chính sách tốt. “Chúng tôi mong muốn hợp tác với Chính phủ Việt Nam để xác định động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế, cũng như hỗ trợ Việt Nam chống chịu các cú sốc về kinh tế và do thiên nhiên”, bà Kristalina I.Georgieva nói và cho rằng Việt Nam còn có nhiều dư địa phát triển kinh tế.

Chiều cùng ngày, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã tiếp Tổng Giám đốc điều hành WB Kristalina I.Georgieva. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, 166 dự án do WB tài trợ cho Việt Nam đã được thực hiện rất tốt, đồng thời cảm ơn WB đã xây dựng cơ chế hỗ trợ vốn vay ưu đãi cho Việt Nam. Với vai trò là cơ quan giám sát, Quốc hội Việt Nam sẽ giám sát chặt chẽ những dự án do WB thực hiện sao cho hiệu quả, đúng đối tượng.

NHÓM PV

>> Lễ đón chính thức Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long

Tin cùng chuyên mục