Diễn đàn Davos 2017: Khẳng định vai trò của doanh nghiệp trong phát triển bền vững

Phát biểu trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tại Davos, Thụy Sĩ ngày 20-1, tân Tổng thư ký Liên hiệp quốc (LHQ) Antonio Guterres nhấn mạnh, cần tạo dựng một quan hệ đối tác mới với giới doanh nghiệp, góp phần chống biến đổi khí hậu và giảm nghèo.
Diễn đàn Davos 2017: Khẳng định vai trò của doanh nghiệp trong phát triển bền vững

Phát biểu trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tại Davos, Thụy Sĩ ngày 20-1, tân Tổng thư ký Liên hiệp quốc (LHQ) Antonio Guterres nhấn mạnh, cần tạo dựng một quan hệ đối tác mới với giới doanh nghiệp, góp phần chống biến đổi khí hậu và giảm nghèo.

Diễn đàn Davos 2017: Khẳng định vai trò của doanh nghiệp trong phát triển bền vững ảnh 1

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp Tổng Thư ký Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) Angel Gurria

Những đồng minh tốt nhất

Ông Guterres đặc biệt đề cao các doanh nghiệp, nhấn mạnh họ như những “đồng minh tốt nhất” để đảm bảo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu vẫn được thực thi. Tổng Thư ký LHQ Guterres cũng nhận định, các đồng minh tốt nhất đối với thỏa thuận khí hậu Paris hiện nay hầu như hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh và điều quan trọng là phải huy động toàn bộ lực lượng này, góp phần thực thi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu vốn chính thức có hiệu lực từ ngày 4-11 năm ngoái.

Lý giải cho nhận định trên, ông Guterres cho rằng, các doanh nghiệp có thể đi đầu trong xu hướng bảo vệ môi trường bằng cách đầu tư mạnh mẽ vào nền kinh tế xanh, điều này phù hợp với mục tiêu của Hiệp định Paris, giúp thế giới không phụ thuộc vào các nguồn nhiên liệu hóa thạch - một trong những tác nhân chính gây ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu.

Nói “Không” với chủ nghĩa bảo hộ

Cùng ngày, bộ trưởng các nước thành viên Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã kêu gọi các nước tiếp tục hướng tới mục tiêu thương mại tự do và tăng trưởng toàn diện, cũng như bác bỏ chủ nghĩa bảo hộ. Chủ tịch G20, Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schauble cho rằng, G20 nên tăng cường nỗ lực nhằm thúc đẩy tăng trưởng toàn diện như một phần của thương mại tự do. Theo ông, tăng trưởng toàn diện tạo cơ hội cho mọi tầng lớp người dân, cũng như chia đều lợi ích từ sự thịnh vượng chung.

Chủ nghĩa bảo hộ đã trở thành mối quan ngại ngày càng lớn trong cộng đồng thương mại thế giới sau khi Anh quyết định rời Liên minh châu Âu (EU) hay còn gọi là Brexit, cũng như tương lai có thể không chắc chắn từ những quyết sách của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump. Bộ trưởng Schauble cho rằng, để các nền kinh tế có thể ổn định sau khi Anh rời EU, hướng đi duy nhất là đẩy mạnh tăng trưởng toàn diện và bền vững.

Việt Nam chung tay xây dựng Cộng đồng ASEAN vững mạnh

Trong khuôn khổ tham dự WEF, ngày 20-1, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự và phát biểu tại 3 phiên thảo luận; có các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc với Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres, Thủ tướng và Hoàng hậu Hà Lan, Tổng thống Thụy Sĩ, Thủ tướng Sri Lanka, nhiều lãnh đạo tổ chức kinh tế và tập đoàn hàng đầu thế giới.

Phát biểu khai mạc phiên thảo luận về “Triển vọng ASEAN sau chặng đường 50 năm thành lập và phát triển”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu bật các thành tựu phát triển của ASEAN, đánh giá cao nguyên tắc đồng thuận và “Phương cách ASEAN” tạo nên bản sắc của ASEAN; cho rằng ASEAN cần thực hiện hiệu quả lộ trình Cộng đồng Kinh tế ASEAN, tranh thủ tốt các hiệp định thương mại tự do (FTA) với các đối tác nhằm tạo cơ hội thu hút đầu tư, thương mại vào khu vực; khẳng định Việt Nam đóng góp quan trọng và có trách nhiệm vào củng cố đoàn kết và đồng thuận ASEAN, nỗ lực cùng các nước ASEAN xây dựng Cộng đồng ASEAN vững mạnh.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã tham dự phiên họp của hội nghị “Quản trị vững mạnh trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”. Tại phiên họp này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu bật những tác động của cuộc cách mạng công nghiệp này đối với chính phủ, doanh nghiệp và người dân. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, các chính phủ cần nỗ lực hoàn thiện thể chế, quy định và chính sách đáp ứng các yêu cầu phát triển đặt ra bởi cách mạng công nghiệp lần thứ tư; đồng thời tranh thủ cơ hội của cách mạng công nghiệp này để giải quyết các vấn đề toàn cầu như phát triển nguồn năng lượng mới, an ninh nguồn nước, nông nghiệp hữu cơ bền vững, ứng phó với thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu...

HẠNH CHI (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục