Thủ tướng Việt Nam mang tới WEF thông điệp mạnh mẽ về đổi mới, hội nhập

Sáng 17-1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam rời Hà Nội, lên đường dự Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tại Davos (Thụy Sĩ) từ ngày 17 đến 21-1, theo lời mời của Chủ tịch WEF Klaus Schwab.
Thủ tướng Việt Nam mang tới WEF thông điệp mạnh mẽ về đổi mới, hội nhập

Sáng 17-1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam rời Hà Nội, lên đường dự Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tại Davos (Thụy Sĩ) từ ngày 17 đến 21-1, theo lời mời của Chủ tịch WEF Klaus Schwab.

Tổng thống Thụy Sĩ Doris Leuthard phát biểu trong phiên khai mạc WEF

Lo ngại xu hướng bảo hộ

Chiều 17-1 (theo giờ Việt Nam), Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) năm 2017 đã khai mạc tại thành phố Davos  của Thụy Sĩ. Với chủ đề  “Lãnh đạo chủ động và có trách nhiệm”, hội nghị lần này tiếp tục quy tụ lãnh đạo cấp cao nhiều quốc gia và chủ tịch các tập đoàn trên thế giới bàn luận về những vấn đề kinh tế-phát triển và thời sự thế giới. Theo kế hoạch, đoàn đại biểu Việt Nam do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu, sẽ tham dự hội nghị này vào ngày 18-1.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Tổng thống nước chủ nhà Doris Leuthard bày tỏ lo ngại về chủ nghĩa cực đoan, chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa bảo hộ và tình trạng bất ổn ở châu Âu gây trở ngại cho nỗ lực hợp tác của các quốc gia. Bên cạnh đó là tình trạng bất bình đẳng, thất nghiệp tràn lan ở nhiều nước và tình trạng biến đổi khí hậu đáng lo ngại. Bà Leuthard cho rằng, các nước cần làm việc với nhau để vượt qua thách thức bằng cách đầu tư vào đào tạo lớp trẻ, thu ngắn khoảng cách giữa người giàu và người nghèo.

Sự hiện diện của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Diễn đàn WEF năm nay đánh dấu lần đầu tiên nhà lãnh đạo cao nhất của quốc gia đông dân nhất thế giới tham gia diễn đàn này. Phát biểu tại hội nghị, ông Tập Cận Bình cho rằng, theo đuổi chính sách bảo hộ giống như việc tự cô lập bản thân. Nhà lãnh đạo Trung Quốc khẳng định có rất nhiều vấn đề đang tồn tại trên thế giới mà không phải do tiến trình toàn cầu hóa kinh tế gây nên. Mỹ có hai đoàn đại biểu đại diện với một bên là Phó Tổng thống sắp mãn nhiệm Joe Biden và Ngoại trưởng của chính quyền Obama, John Kerry, và một bên là nhiều thành viên trong nhóm chuyển giao của Tổng thống mới đắc cử Donald Trump.

Thông điệp của Việt Nam tại WEF

Trước thềm Hội nghị, Đại sứ Dương Chí Dũng, Trưởng phái đoàn Việt Nam tại Geneva (Thụy Sĩ), đã trả lời phỏng vấn TTXVN về quan hệ giữa Việt Nam và WEF, cũng như những diễn đàn và sự kiện mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ưu tiên tham dự. Theo Đại sứ Dương Chí Dũng, hiện nay WEF mong muốn tăng cường hợp tác nhiều mặt với Việt Nam, quốc gia có sự phát triển năng động, có vai trò tích cực trong khu vực và thế giới.

Cũng theo Đại sứ Dương Chí Dũng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, lần đầu tiên tham dự WEF, với tư cách người đứng đầu Chính phủ mới, nhiệm kỳ 2016-2020 của Việt Nam, sẽ mang tới diễn đàn những thông điệp mạnh mẽ về đường lối, định hướng, chính sách và quyết tâm của Việt Nam về đổi mới toàn diện đất nước và hội nhập quốc tế giai đoạn 2016-2020. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng sẽ khẳng định cam kết xây dựng Chính phủ hành động và kiến tạo phát triển; đề cao vai trò và nỗ lực của Chính phủ trong nhiệm kỳ mới, trong công cuộc đổi mới toàn diện đất nước nhằm củng cố lòng tin của cộng đồng doanh nghiệp quốc tế, góp phần thúc đẩy các dòng vốn đầu tư chất lượng cao của các tập đoàn hàng đầu thế giới vào Việt Nam. Nhân dịp dự Hội nghị lần này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng sẽ tập trung quảng bá vị thế, vai trò của Việt Nam trên cương vị chủ tịch và chủ nhà của Hội nghị cấp cao APEC 2017 nhằm thu hút sự quan tâm và ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với các hoạt động đăng cai trong Năm APEC 2017.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham dự và có bài phát biểu quan trọng tại phiên đối thoại giữa các nhà lãnh đạo kinh tế thế giới (IGWEL) với chủ đề “Lãnh đạo chủ động và có trách nhiệm trong một thế giới đa cực”, nhằm khẳng định các cam kết và nỗ lực của chính phủ Việt Nam trong công cuộc đổi mới toàn diện của Việt Nam.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng tham gia thảo luận với các nhà lãnh đạo chính trị, các lãnh đạo doanh nghiệp về các vấn đề kinh tế, chính trị toàn cầu và khu vực phù hợp với quan tâm và lợi ích của Việt Nam, như: tái cơ cấu kinh tế, phát triển bền vững, cách mạng công nghiệp lần thứ tư, vai trò và triển vọng của Cộng đồng ASEAN…

HUY QUỐC (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục