Cộng đồng ASEAN, kỳ vọng phía trước

(SGGP).- Nhân dịp Ngày ASEAN 8-8-2016, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh có bài viết “Cộng đồng ASEAN: Một năm khởi đầu và kỳ vọng phía trước”. Theo Phó Thủ tướng, ngày 31-12-2015, việc thành lập Cộng đồng ASEAN đã đi vào lịch sử, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong tiến trình liên kết khu vực. ASEAN là Cộng đồng đầu tiên được hình thành ở khu vực châu Á.

Gần một năm qua, Cộng đồng ASEAN đã vận hành trên nền tảng hội nhập toàn diện về chính trị - an ninh, kinh tế và văn hóa - xã hội. ASEAN ngày càng gắn kết chặt chẽ với sự đan xen hài hòa về lợi ích giữa các quốc gia thành viên và khu vực. Lợi ích của hợp tác trong ASEAN đã được chứng minh bằng thực tế trong suốt chiều dài nửa thế kỷ tồn tại và phát triển của Hiệp hội. Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 mới được triển khai từ ngày 1-1-2016, song đến nay đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ trên tất cả các kênh hợp tác. Ở trụ cột chính trị - an ninh, 140/290 dòng hành động trong Kế hoạch tổng thể 2025 đang được triển khai hiệu quả, làm nổi bật thế mạnh của ASEAN trong việc thúc đẩy đối thoại, xây dựng lòng tin và các chuẩn mực ứng xử chung. Nhờ đó, mặc dù tình hình khu vực, nhất là tình hình biển Đông thời gian qua diễn biến hết sức phức tạp, song các cơ chế hợp tác do ASEAN dẫn dắt như ARF, EAS, ADMM+, ASEAN+1, ASEAN+3… vẫn là những khuôn khổ quan trọng hàng đầu trong việc duy trì hòa bình, ngăn ngừa xung đột, tạo thói quen hợp tác, thúc đẩy phát triển.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới phục hồi chậm chạp, kinh tế ASEAN vẫn được dự đoán sẽ tiếp tục tăng trưởng khoảng 5%/năm trong thập kỷ tới, cao gần gấp đôi mức tăng trưởng trung bình của thế giới. Đáng chú ý, trong bối cảnh dòng vốn FDI toàn cầu năm 2014 giảm 16%, FDI vào ASEAN vẫn liên tiếp tăng đều đặn trong 3 năm từ 2013-2015, đưa ASEAN trở thành điểm sáng trên bản đồ thế giới về thu hút đầu tư nước ngoài. Thời gian tới, một thị trường với 635 triệu dân, GDP trên 2.600 tỷ USD và có mức độ liên kết, hội nhập ngày càng cao sẽ đưa Cộng đồng ASEAN trở thành “miền đất hứa” đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Tháng 9-2016, Hội nghị Cấp cao ASEAN sẽ thông qua các kế hoạch về Kết nối ASEAN 2025 và Hợp tác giai đoạn III về thu hẹp khoảng cách phát triển nhằm cụ thể hóa việc triển khai Tầm nhìn 2025 trên hai lĩnh vực ưu tiên hàng đầu là liên kết hạ tầng giao thông, con người và phát triển đồng đều.

Với tầm nhìn vượt qua những lợi ích riêng của mình, ASEAN đã và đang thể hiện tiếng nói ngày càng mạnh mẽ, có trách nhiệm đối với những mối quan tâm chung của cộng đồng quốc tế, đặc biệt trong các lĩnh vực hợp tác, phát triển bền vững, chống khủng bố, ứng phó biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai, bệnh dịch... Vừa qua, việc gắn kết triển khai Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 với Chương trình nghị sự 2030 của Liên hiệp quốc về phát triển bền vững cho thấy tuy chỉ là một cộng đồng khu vực, nhưng ASEAN đã và sẽ tiếp tục khẳng định tư duy và tầm nhìn chiến lược mang tính toàn cầu.   

Trước những diễn biến phức tạp gần đây, đã xuất hiện không ít hoài nghi, băn khoăn về đoàn kết và đồng thuận của ASEAN. Lịch sử hình thành và phát triển của ASEAN non nửa thế kỷ qua đã chứng tỏ một chân lý rằng đoàn kết là sức mạnh, còn chia rẽ là tự hủy hoại lợi ích của chính mình và của cả cộng đồng. Hơn bao giờ hết, đây chính là lúc ASEAN cần nỗ lực chung sức, đồng lòng để phát huy vai trò trung tâm, củng cố đoàn kết để bảo vệ những lợi ích chung và chính đáng của mình. Một trong những cơ sở bền vững và quan trọng hàng đầu cho lợi ích thực sự của một quốc gia là sự phù hợp, kết hợp hài hòa với những mục tiêu lành mạnh và lợi ích chính đáng chung của khu vực và quốc tế.

Mời bạn đọc xem toàn văn bài viết của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh

NGUYỄN PHÚC

Tin cùng chuyên mục