Giải mã căng thẳng biển Đông

Ngày 22-7, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐHQG TPHCM) đã tổ chức hội thảo về biển Đông chủ đề “Những xu hướng gần đây ở biển Đông” với sự tham gia của nhiều học giả trong và ngoài nước. Các bài tham luận của học giả tại hội thảo đã phần nào khái quát được tình hình căng thẳng trên biển Đông thời gian qua.
Giải mã căng thẳng biển Đông

Ngày 22-7, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐHQG TPHCM) đã tổ chức hội thảo về biển Đông chủ đề “Những xu hướng gần đây ở biển Đông” với sự tham gia của nhiều học giả trong và ngoài nước. Các bài tham luận của học giả tại hội thảo đã phần nào khái quát được tình hình căng thẳng trên biển Đông thời gian qua.

Các học giả tham gia hội thảo về biển Đông   Ảnh: ĐỖ VĂN

Học thuyết Monroe trên biển Đông?

Tiến sĩ Patrick Mendis, chuyên gia cấp cao của Trường Chính sách công thuộc ĐH George Mason (Mỹ) đã lý giải về yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở biển Đông bất chấp sự phản ứng của cộng đồng quốc tế. Tất cả những điều Trung Quốc làm, theo Tiến sĩ Mendis là để thực hiện mộng bành trướng của nước này. Kể từ khi được bầu làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc tháng 11-2012 và sau đó là Chủ tịch Trung Quốc vào tháng 3-2013, ông Tập Cận Bình đã đưa ra những ý tưởng lớn như “giấc mộng Trung Hoa” và “một vành đai, một con đường”.

Ý tưởng “một vành đai, một con đường” được bắt nguồn từ lịch sử như là sự tồn tại một con đường tơ lụa trên bộ và một con đường tơ lụa trên biển kết nối Trung Quốc với các nước châu Á, châu Phi và châu Âu. Sáng kiến xây dựng Con đường tơ lụa trên biển (MSR) được ông Tập Cận Bình đưa ra trong chuyến thăm Indonesia tháng 10-2013 với mục đích đưa kết nối về kinh tế và hàng hải đi vào chiều sâu. MSR sẽ bắt đầu ở Phúc Châu, tỉnh Phúc Kiến phía Đông Nam Trung Quốc và các đầu phía Nam Trung Quốc với các quốc gia ASEAN, qua eo biển Malacca và hướng tới các quốc gia phía Tây dọc theo Ấn Độ Dương trước khi gặp Con đường tơ lụa ở Venice qua biển Đỏ và Địa Trung Hải. Theo phạm vi của MSR, Trung Quốc có kế hoạch xây dựng các cơ sở hạ tầng “cứng” và “mềm” từ Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đến châu Phi, bao gồm vận tải, năng lượng, quản lý nước, thông tin liên lạc, cơ sở hạ tầng kinh tế và xã hội.

Nhưng liệu chính sách “một vành đai, một con đường” có thực sự chỉ dừng lại ở kết nối kinh tế hay nhằm để đối phó với các mục tiêu trong chính sách đối ngoại của Mỹ như xoay trục sang châu Á hay Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Ông Mendis đặt câu hỏi: Liệu Bắc Kinh có đang áp dụng Học thuyết Monroe trên biển Đông? (một chính sách của Mỹ bắt nguồn từ Tổng thống James Monroe rằng bất kỳ sự can thiệp của các cường quốc bên ngoài vào đời sống chính trị của khu vực châu Mỹ là một hành động tiềm tàng chống Mỹ).

Lối thoát cho căng thẳng

Chuyên gia Felix Heiduk của Viện Nghiên cứu các vấn đề an ninh và quốc tế của Đức thì “giải mã” những điểm nóng trên biển Đông trong thời gian qua, về mặt pháp lý, đó là tranh cãi về chủ quyền, Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ). Về quân sự, đó là việc xuất hiện các liên minh quân sự, chạy đua vũ trang do quan ngại từ những hành động ngang ngược của Trung Quốc. Về mặt ngoại giao, đó là yêu cầu Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế trong đó có Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) và sớm xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC). Về kinh tế, biển Đông được cho là nơi có trữ lượng dầu và khí đốt lớn, ngư trường và các nguồn lợi từ biển dồi dào.

Theo ông Heiduk, căng thẳng trên biển Đông đang đẩy các bên liên quan đứng trước những thách thức về an ninh không hề nhỏ. Chuyên gia này cho rằng, phán quyết mà Tòa Trọng tài Thường trực ở La Haye đưa ra hôm 12-7 vừa qua có phải là lối thoát cho xung đột về biển Đông hay không thực sự vẫn là một dấu hỏi, bởi Trung Quốc đã bác bỏ phán quyết này bất chấp việc nhiều quốc gia như Mỹ, Nhật Bản kêu gọi Trung Quốc tuân theo “phán quyết ràng buộc về pháp lý” này. Ông Heiduk cho rằng, để căng thẳng trên biển Đông từ xung đột đến hợp tác rất cần sự chung tay quyết liệt của các bên liên quan và cộng đồng quốc tế.

ĐỖ CAO

Tin cùng chuyên mục