Việt Nam luôn sẵn sàng mọi biện pháp để duy trì hòa bình, an ninh ở khu vực

Ngày 14-7, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi của phóng viên về khả năng Trung Quốc phản ứng tiêu cực sau phán quyết của Tòa trọng tài bằng cách gia tăng các hành động gây căng thẳng trên biển Đông và Việt Nam có chuẩn bị biện pháp để bảo vệ ngư dân khi nguy cơ va chạm giữa tàu cá của các nước gia tăng trên biển Đông trong thời gian tới, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình nêu rõ:

(SGGP).- Ngày 14-7, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi của phóng viên về khả năng Trung Quốc phản ứng tiêu cực sau phán quyết của Tòa trọng tài bằng cách gia tăng các hành động gây căng thẳng trên biển Đông và Việt Nam có chuẩn bị biện pháp để bảo vệ ngư dân khi nguy cơ va chạm giữa tàu cá của các nước gia tăng trên biển Đông trong thời gian tới, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình nêu rõ:

“Chúng tôi kêu gọi các bên kiềm chế, tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), không có hành động làm phức tạp tình hình, góp phần duy trì hòa bình, ổn định, an ninh ở biển Đông và trong khu vực. Về phía Việt Nam, Đảng, Nhà nước, Chính phủ và nhân dân Việt Nam luôn sẵn sàng mọi biện pháp để góp phần vào duy trì hòa bình, an ninh ở khu vực. Trong thời gian qua, Đảng, Nhà nước và Chính phủ luôn có những biện pháp hỗ trợ ngư dân bám biển và duy trì đánh bắt thường xuyên trên các ngư trường truyền thống từ bao đời nay”.

Về bình luận của Việt Nam trước thông tin Hãng thông tấn Nhật Bản Kyodo đưa tin ASEAN sẽ không ra tuyên bố chung về phán quyết của Tòa trọng tài, ông Lê Hải Bình khẳng định: “Duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải hàng không trên biển Đông là lợi ích và trách nhiệm chung của các nước trong và ngoài khu vực. Lập trường nhất quán của ASEAN là giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, bao gồm các tiến trình ngoại giao và pháp lý, trên cơ sở tôn trọng Hiến chương Liên hiệp quốc, luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hiệp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS), nêu cao tinh thần đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN trong việc nỗ lực đóng góp vào duy trì hòa bình, ổn định và thúc đẩy quan hệ hợp tác với các đối tác”.

Trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc Trung Quốc hạ cánh máy bay dân sự cũng như đưa vào hoạt động một số hải đăng tại các cấu trúc thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, ông Lê Hải Bình nhấn mạnh: “Việt Nam một lần nữa khẳng định có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của mình đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Bất chấp phản đối của Việt Nam và quan ngại của cộng đồng quốc tế, những hoạt động nêu trên của Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, phi pháp và không thể làm thay đổi sự thực về chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hoạt động vi phạm chủ quyền của Việt Nam, nghiêm túc tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS, DOC, không có thêm các hành động làm phức tạp tình hình ở biển Đông”.

° Trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Việt Nam trước việc Tổ chức Ân xá quốc tế Amnesty International ra báo cáo về tình hình trại giam tại Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nêu rõ: “Các thông tin mà tổ chức Ân xá quốc tế đưa ra là hoàn toàn sai sự thật. Chính sách nhất quán của Việt Nam là bảo đảm và thúc đẩy các quyền con người, phù hợp với Hiến pháp Việt Nam và các chuẩn mực quốc tế. Là thành viên của 7 điều ước quốc tế cơ bản về quyền con người, trong đó có Công ước Chống tra tấn, Việt Nam luôn thực hiện nghiêm túc và đầy đủ các cam kết và nghĩa vụ của một quốc gia thành viên. Các nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong lĩnh vực bảo đảm và thúc đẩy các quyền con người được cộng đồng quốc tế ghi nhận rộng rãi”.

THÀNH NAM


Phản ứng từ Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Trung Quốc

Ngày 14-7, Ủy ban Đối ngoại Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc (Quốc hội) Trung Quốc đã ra tuyên bố về phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực (PCA) trong vụ kiện liên quan tới tranh chấp chủ quyền ở biển Đông giữa Philippines với Trung Quốc. Theo ủy ban này, các tuyên bố của Bộ Ngoại giao và Chính phủ Trung Quốc liên quan tới phán quyết ngày12-7 của PCA đã nêu rõ lập trường của Bắc Kinh rằng, phán quyết đó không có hiệu lực bắt buộc với Trung Quốc. Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Trung Quốc kiên định ủng hộ lập trường đó.

Theo ủy ban trên, vụ kiện đơn phương của Philippines vi phạm thỏa thuận giữa Trung Quốc và Philippines nhằm giải quyết những tranh chấp liên quan thông qua đàm phán...


Trung Quốc chặn ngư dân Philippines đến bãi Scarborough

Ngày 14-7, hãng thông tấn Kyodo (Nhật Bản) đưa tin, lực lượng hải cảnh Trung Quốc cùng ngày đã chặn các ngư dân Philippines đi vào bãi Scarborough ở biển Đông bất chấp phán quyết ngày 12-7 của Tòa Trọng tài thường trực (PCA). Theo Kyodo, một phóng viên của hãng ABS-CBN News đã đi cùng một nhóm ngư dân Philippines đến bãi Scarborough từ đảo Luzon, khẳng định, các tàu hải cảnh Trung Quốc đã ở gần bãi Scarborough chiều 14-7. Theo bài viết của phóng viên trên, một tàu hải cảnh Trung Quốc đã theo sau tàu ngư dân Philippines trong khi một tàu khác chặn lối vào bãi Scarborough. Sau đó, 2 xuồng cao tốc lại gần và bao vây ngư dân. Những nhân viên Trung Quốc trên các xuồng cao tốc nói qua loa bằng cả tiếng Anh và tiếng Trung rằng họ là lực lượng hải cảnh, đồng thời tuyên bố đang tiến hành các hoạt động thực thi pháp luật và yêu cầu ngư dân Philippines rời khỏi khu vực này.

Trước đó cùng ngày, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cho biết sẽ cử cựu Tổng thống Fidel Ramos tới Trung Quốc để đàm phán, sau khi PCA ra phán quyết về vụ kiện của Philippines với Trung Quốc liên quan tranh chấp ở biển Đông, theo đó bác bỏ các yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh ở vùng biển này. Tuy nhiên, ông Duterte không nói cụ thể thời gian tiến hành việc này.

HẠNH CHI (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục