Việt Nam chia buồn sâu sắc với nhân dân Cuba

Báo chí thế giới nói về lãnh tụ Fidel Castro
Việt Nam chia buồn sâu sắc với nhân dân Cuba

(SGGP).- Được tin đồng chí Fidel Castro Ruz, nguyên Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cuba, nguyên Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa Cuba, Lãnh tụ của nhân dân Cuba anh em, đã từ trần vào đêm 25-11 (giờ La Habana), tức trưa 26-11 (giờ Hà Nội), hưởng thọ 90 tuổi, ngày 26-11, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước, Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã gửi điện chia buồn tới Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cuba, Hội đồng Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội Chính quyền nhân dân nước Cộng hòa Cuba. Bức điện viết:

Các đồng chí thân mến,

Chúng tôi vô cùng xúc động và đau buồn sâu sắc được tin đồng chí Fidel Castro Ruz, nguyên Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cuba, nguyên Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa Cuba, Lãnh tụ của nhân dân Cuba anh em, nhà lãnh đạo cộng sản và cách mạng kiên cường của các dân tộc Mỹ Latinh và phong trào đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, tự do và Chủ nghĩa xã hội, đã từ trần vào ngày 25-11-2016 vừa qua.

Lãnh tụ vĩ đại, huyền thoại cách mạng Cuba, Fidel Castro

Cuộc đời trong sáng và sự nghiệp bất tử của đồng chí Fidel Castro sẽ sống mãi trong sự nghiệp Cách mạng vẻ vang của nhân dân Cuba và các dân tộc đang nỗ lực đấu tranh nhằm xây dựng một thế giới công bằng, văn minh, dân chủ, phồn vinh và hạnh phúc.

Đồng chí Fidel Castro đã tiếp nối xứng đáng sự nghiệp cao cả của các Anh hùng Simón Bolívar, José Martí và các vị Anh hùng tiền bối của Cuba và Mỹ Latinh, cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng cao đẹp, kiên cường đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân và đế quốc; đi đầu và lãnh đạo nhân dân Cuba từ Moncada đến Sierra Maestra, đập tan chế độ độc tài tay sai đế quốc, đưa đất nước và nhân dân Cuba vào kỷ nguyên độc lập, tự do thực sự kể từ ngày 1 tháng Giêng năm 1959; không ngừng nâng cao vị thế của cách mạng, cũng như phẩm giá của nhân dân Cuba trên trường quốc tế; đưa đất nước Cuba từ đói nghèo, lạc hậu trở thành tấm gương của các nước đang phát triển về giáo dục, y tế, thể thao - văn hóa, công nghệ sinh học và đặc biệt là tinh thần quốc tế hào hiệp đối với các dân tộc anh em khác ở Mỹ Latinh, cũng như ở châu Phi và châu Á.

Hơn nửa thế kỷ với cương vị là người đứng đầu và lãnh tụ Cách mạng Cuba, đồng chí Fidel Castro cũng là người đồng chí, anh em thân thiết của lãnh đạo và nhân dân Việt Nam; luôn sát cánh cùng Việt Nam trong những năm tháng gian khổ của cuộc đấu tranh giành độc lập, thống nhất Tổ quốc, cũng như trong ngày vui thắng lợi và công cuộc “xây dựng đất nước Việt Nam đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong muốn. Trong trái tim của những người Việt Nam luôn khắc sâu câu nói bất hủ của đồng chí Fidel Castro: “Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình”.

Đồng chí Fidel Castro qua đời, Đảng Cộng sản Cuba, Nhà nước, Chính phủ và nhân dân Cuba anh em, cũng như nhân dân các nước Mỹ Latinh và Phong trào Cộng sản, Cách mạng thế giới mất đi một nhà lãnh đạo kiên cường, quả cảm và dày dạn kinh nghiệm; Đảng Cộng sản, Nhà nước và nhân dân Việt Nam mất đi một người đồng chí, anh em chiến đấu vô cùng thân thiết và quý mến. Chúng tôi tin tưởng chắc chắn rằng, trong giờ phút đau thương này của Đảng Cộng sản và nhân dân Cuba anh em, của tất cả những người cộng sản, cách mạng và nhân dân yêu chuộng hòa bình, tự do, công lý và tiến bộ xã hội trên thế giới, những người cộng sản Cuba và nhân dân Cuba anh hùng tiếp tục đoàn kết nhất trí dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Cuba quang vinh do đồng chí Raúl Castro đứng đầu, nhất định sẽ thực hiện thắng lợi những di huấn của đồng chí Fidel Castro, bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền và xây dựng thành công Chủ nghĩa xã hội trên đất nước Cuba tự do và tươi đẹp.

Trong giờ phút đau thương vô hạn này, những người cộng sản và nhân dân Việt Nam một lần nữa xin khẳng định lại tình đoàn kết chiến đấu kiên định với những người Cộng sản và nhân dân Cuba anh em.

Đồng chí Fidel Castro sống mãi trong sự nghiệp cách mạng Cuba và của các dân tộc anh em trên thế giới.

Đồng chí Fidel Castro Ruz sinh ngày 13-8-1926 tại vùng Biran, tỉnh Oriente cũ, nay là tỉnh Holguín ở miền Đông Cuba. Đồng chí Fidel Castro đã lãnh đạo cách mạng thắng lợi, giành chính quyền tại Cuba từ ngày 1 tháng Giêng năm 1959.

Từ năm 1959 đến năm 1976, đồng chí giữ cương vị Thủ tướng nước Cộng hòa Cuba; từ năm 1965, thời điểm Đảng Cộng sản Cuba chính thức được thành lập, đến tháng 4-2011, đồng chí liên tục giữ cương vị Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cuba; từ năm 1976 đến năm 2008, đồng chí luôn được bầu vào Quốc hội của Chính quyền Nhân dân và được bầu làm Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa Cuba.

Ngày 31-7-2006, vì lý do sức khỏe, đồng chí Fidel Castro đã trao quyền lãnh đạo đất nước cho đồng chí Raúl Castro, lúc đó là Bí thư thứ hai Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cuba, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Nhà nước và Chính phủ nước Cộng hòa Cuba.

Tháng 2-2008, đồng chí Fidel Castro tuyên bố không ứng cử vào Quốc hội Cuba khóa VII và các chức vụ lãnh đạo Nhà nước; đồng chí cũng thôi giữ chức Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cuba tại Đại hội VI Đảng Cộng sản Cuba tổ chức vào tháng 4-2011.

Đối với Việt Nam, đồng chí Fidel Castro và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chính thức thiết lập và dày công vun đắp mối quan hệ Việt Nam - Cuba từ ngày 2-12-1960; cùng nhiều thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước không ngừng củng cố, vun đắp, phát triển mở rộng mối quan hệ đoàn kết anh em, hợp tác toàn diện và tin cậy lẫn nhau giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước trong suốt hơn nửa thế kỷ qua.

Đồng chí Fidel Castro đã thăm chính thức Việt Nam 3 lần vào tháng 9-1973, tháng 12-1995 và tháng 2-2003; là Nguyên thủ nước ngoài đầu tiên tới thăm vùng mới được giải phóng ở Quảng Trị vào tháng 9-1973.

Đồng chí Fidel Castro cũng là Nguyên thủ quốc gia đi đầu trong phong trào quốc tế ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam vì độc lập dân tộc và thống nhất đất nước trước đây, cũng như trong sự nghiệp tái thiết, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa sau này.

Với những công lao và đóng góp to lớn đó, đồng chí Fidel Castro đã được Đảng và Nhà nước ta trao tặng Huân chương Sao Vàng vào năm 1982 và Huân chương Hồ Chí Minh năm 1989.

THÀNH NAM


“Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình”

Vừa qua, việc báo đài đưa tin và ảnh Chủ tịch nước Trần Đại Quang đến chào lãnh tụ Fidel Castro làm tôi vui mừng vì thấy Fidel sắc thái khỏe mạnh, tươi cười bắt tay Chủ tịch nước ta. Nhưng, hôm nay tin lãnh tụ cách mạng Cuba qua đời đến đột ngột đối với tôi, làm tôi vô cùng xúc động và thương tiếc.

Nói đến Fidel Castro, mọi người dân Việt Nam đều nghĩ đến câu nói tận đáy lòng của Người: “Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình”. Năm 1966, Mỹ tăng cường chiến tranh xâm lược nước ta. Trong một cuộc mít tinh quần chúng khổng lồ đoàn kết Việt Nam, Fidel quyết định đặt tên năm 1966 là “Năm Việt Nam anh hùng”, đồng thời tuyên bố những lời lịch sử đó.

Trên thực tế, Fidel đã nghĩ như vậy và người dân Cuba đã làm theo lời nói đó của Fidel, ngay từ những ngày đầu sau khi Cách mạng Cuba thành công. Qua tiếp xúc với các bạn Cuba, tôi cảm nhận được rằng người Cuba, từ lãnh đạo cao nhất đến người dân bình thường, coi đoàn kết với sự nghiệp chống Mỹ cứu nước của dân tộc Việt Nam là một việc làm đương nhiên của những người bạn cùng chung chiến hào chống kẻ thù chung, theo tiếng gọi của trái tim mình, không đắn đo suy nghĩ, tính toán thiệt hơn. Vì vậy, Cuba luôn đi đầu trong hoạt động đoàn kết với Việt Nam.

Cuba là nước đầu tiên trên thế giới công nhận Mặt trận Dân tộc Giải phóng là “người đại diện chân chính và hợp pháp của nhân dân miền Nam Việt Nam”. Fidel tuyên bố như vậy trong cuộc mít tinh kỷ niệm cuộc tấn công vào pháo đài Moncada của chế độ tay sai Mỹ với sự có mặt của đồng chí Lê Văn Thịnh (tức Lê Toàn Thư), trưởng phái đoàn Đại diện thường trú của Mặt trận vừa mới đến Cuba tháng 7-1962.

Cuba cũng là nước đầu tiên trên thế giới thành lập “Ủy ban Cuba Đoàn kết với miền Nam Việt Nam” (ngày 25-9-1963), sau đổi tên thành Ủy ban Cuba Đoàn kết với Việt Nam. Đây là một tổ chức đặc thù, chỉ có ở Cuba, chỉ dành riêng cho Việt Nam, bởi vì nó vừa mang tính chất một tổ chức quần chúng nhân dân (bao gồm tất cả các đoàn thể nhân dân), vừa mang tính chất nhà nước (bao gồm nhiều cơ quan nhà nước như Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Ngân hàng Nhà nước…). Khẩu hiệu hành động của ủy ban là “Việt Nam - Cuba đoàn kết nhất định thắng!”.

Sau khi ký Hiệp định Paris về Việt Nam, Bộ Ngoại giao Cuba liền “nâng cấp” cơ ngơi Đại sứ quán Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam cho không thua kém các Đại sứ quán khác, bằng cách cấp cho ta một trụ sở mới, với đầy đủ tiện nghi, tại Đại lộ số 5, con đường đẹp nhất của thủ đô La Habana, nơi tập trung nhiều Đại sứ quán sang trọng.

Cuba là nước đầu tiên và duy nhất thành lập Đại sứ quán trong vùng giải phóng tỉnh Tây Ninh, mà bạn gọi bằng cái tên hình tượng là “Đại sứ quán trong rừng” (Embajada en la selva). Cơ ngơi Đại sứ quán chỉ là một cái chòi (nhà nhỏ) vừa mới cất xong bằng cây gỗ đốn trong rừng, mái lợp bằng vải dù chiến lợi phẩm từ máy bay Mỹ, chưa kịp làm vách. Tuy nhiên, bên ngoài vẫn có tấm bản đề “Đại sứ quán Cuba” bằng 2 thứ tiếng Tây Ban Nha và Việt Nam. Quốc kỳ Cuba treo vào cột nhà phía trước. Lễ trình Quốc thư diễn ra lúc 9 giờ 30 sáng 4-3-1973. Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Cuba Raul Valdes Vivo trịnh trọng trình Quốc thư lên Chủ tịch Hội đồng cố vấn Chính phủ cách mạng lâm thời Nguyễn Hữu Thọ.

Trong diễn văn trình Quốc thư, Đại sứ Vivo nhắc lại tuyên bố lịch sử của Chủ tịch Fidel: “Từ khi bắt đầu cuộc chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam, Tổng tư lệnh tối cao của chúng tôi là đồng chí Fidel khẳng định rằng, cuộc chiến đấu của nhân dân Việt Nam là cuộc chiến đấu của chính nhân dân Cuba và thay mặt toàn thể nhân dân Cuba, Người tuyên bố “Vì Việt Nam, Cuba sẵn sang hiến dâng cả máu của mình”.

Từ lâu, Chủ tịch Fidel Castro muốn thăm Việt Nam để tận mắt trông thấy cuộc chiến đấu kiên cường và thắng lợi vẻ vang của quân và dân ta trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, đặc biệt muốn được hội kiến với Chủ tịch Hồ Chí Minh, người mà Fidel hết lòng ngưỡng mộ.

Chủ tịch Fidel Castro, sau khi tham dự Hội nghị thượng đỉnh lần thứ tư phong trào không liên kết họp tại Alger (Algeria) tháng 9-1973, từ đó bay thẳng đến Hà Nội để thăm miền Bắc, sau đó thăm vùng giải phóng miền Nam ở tỉnh Quảng Trị. Lúc đó, tôi là thành viên Đoàn đại biểu miền Nam tham dự Hội nghị thượng đỉnh Alger, xin “quá giang” máy bay Cuba để kịp về nước đón Fidel. Bạn bố trí tôi ngồi chung khoang với Fidel. Tôi có dịp trò chuyện với Fidel rất nhiều, thực chất là trả lời những câu hỏi về tình hình miền Nam sau ngày ký Hiệp định Paris, về vùng giải phóng ở tỉnh Quảng Trị.

Chủ tịch Fidel Castro cùng Đoàn cấp cao Cuba, sau khi thăm thủ đô Hà Nội, vào thăm vùng giải phóng miền Nam bằng chuyên cơ nhỏ theo hành trình Gia Lâm - Đồng Hới, từ đó đi tiếp bằng ô tô. Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng cùng đi với đoàn bạn. Tôi, với tư cách Đại sứ miền Nam tại Cuba, và vài cán bộ Bộ Ngoại giao miền Nam có mặt tại sân bay Đồng Hới để đón chào đoàn khách. Sáng sớm ngày 16-9-1973, đoàn xe của Fidel vượt vĩ tuyến 17. Đón Chủ tịch Fidel tại phía Nam cầu Hiền Lương có Bộ trưởng Quốc phòng Trần Nam Trung trong bộ quân phục quân giải phóng miền Nam, Thứ trưởng Ngoại giao Hoàng Bích Sơn cùng đông đảo bà con cô bác trong xóm, ấp lân cận.

Tại đồi 241 còn ngổn ngang xác xe tăng, đại bác quân thù, Fidel dự cuộc mít tinh chào mừng của quân và dân tỉnh Quảng Trị. Tại đây, Fidel một lần nữa khẳng định lời cam kết lịch sử trước kia và cập nhật hóa nó bằng cách tăng cường viện trợ không hoàn lại trị giá gần cả trăm triệu đô la để xây dựng 5 công trình kinh tế - xã hội quan trọng, mặc dù Cuba còn rất nhiều khó khăn kinh tế do bao vây cấm vận kéo dài của Mỹ. Kết thúc cuộc mít tinh, khi Chủ nhiệm chính trị Sư đoàn Vinh Quang trao cờ truyền thống của sư đoàn, Fidel hai tay phất cao lá cờ, dõng dạc hô to như ra lệnh: “Các đồng chí hãy đem lá cờ bách chiến bách thắng này cắm trên đất Sài Gòn giải phóng!”. Ngày 30-4-1975, lòng tin mãnh liệt đó của Fidel đã trở thành sự thật.

Chủ tịch Fidel Castro trở thành vị nguyên thủ quốc gia nước ngoài đầu tiên và duy nhất thăm vùng giải phóng miền Nam tại tỉnh Quảng Trị, nơi chỉ cách tuyến đầu của quân thù không đầy 20km đường chim bay.

Kết thúc chuyến thăm lịch sử hai miền Bắc - Nam Việt Nam, Chủ tịch Fidel Castro xúc động phát biểu trong cuộc chiêu đãi trọng thể tại Phủ Chủ tịch ở Hà Nội: “Chúng tôi đến đất nước anh hùng này với lòng khâm phục lớn lao. Chúng tôi rời khỏi chốn này với lòng khâm phục càng lớn lao hơn. Những chiến công và tấm gương tuyệt vời của các đồng chí là sự cổ vũ to lớn đối với chúng tôi. Chúng tôi vô cùng biết ơn lòng mến khách và sự trìu mến mà các đồng chí dành cho chúng tôi. Tuy nhiên, khi ra về, chúng tôi mang theo một nỗi buồn khôn nguôi vì không đến Việt Nam trước ngày 3-9-1969, không hân hạnh được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người còn sinh tiền, là người mà chúng tôi hết lòng ngưỡng mộ. Tuy nhiên, chúng tôi được bù đắp lại phần nào bằng việc tận mắt trông thấy và tiếp xúc với nhân dân Việt Nam. Chúng tôi thấy rằng, sự nghiệp, những lời giáo huấn, đức tính cần cù lao động, tấm gương, lòng dũng cảm, sự khiêm tốn của Người được thể hiện trong lòng người dân Việt”.

VÕ ANH TUẤN
Cựu Đại sứ Chính phủ cách mạng lâm thời
Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Cuba


Người vinh dự nhiều lần được diện kiến lãnh tụ Fidel Castro

Bà Trần Thị Hải, Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Cuba TPHCM may mắn được học tập tại Cuba từ năm 1967-1973. Bà cho biết, được học tập tại Cuba và nhiều lần diện kiến lãnh tụ Fidel Castro là niềm vinh dự lớn trong cuộc đời của bà.

Lãnh tụ Fidel Castro và bà Trần Thị Hải chụp ảnh lưu niệm vào tháng 11-2000
tại thủ đô La Habana. Ảnh: T.L.

Bà kể, năm 1969, Cuba tập trung mọi nguồn lực để sản xuất đường và trong 2 năm 1969-1970, sản lượng đường Cuba đạt đỉnh điểm với 8 triệu tấn. Mọi người được vận động ra cánh đồng mía để canh tác đường. Cả sinh viên Việt Nam cũng ra đồng tham gia lao động như trồng mía, bón phân, thu hoạch mía. Một hôm, khi bà và các bạn cùng lớp đang hăng say thu hoạch mía thì nhận được thông báo lãnh tụ Fidel Castro đến thăm cánh đồng mía mà lớp bà đang lao động. Mọi người ùa ra nơi Fidel và chứng kiến vị lãnh tụ Cuba cũng tham gia chặt mía. Dường như, với lãnh tụ Fidel Castro, không có khoảng cách giữa lãnh đạo và người dân.

Nhưng ấn tượng nhất phải là lần bà tham gia đoàn đại biểu Việt Nam dự “Cuộc gặp gỡ thế giới đoàn kết với nhân dân Cuba” lần thứ hai, diễn ra vào tháng 11- 2000 tại thủ đô La Habana. Cuộc gặp thu hút hơn 4.000 đại biểu từ 115 nước tham dự. Bà được vinh dự đại diện đoàn Việt Nam và cả châu Á tham gia cuộc gặp bàn tròn với đại diện các châu lục khác tại Đài truyền hình nhà nước Cuba. Cuộc ghi hình vinh dự được đón lãnh tụ Fidel Castro đến động viên.

Trước khi bà phát biểu, lãnh tụ Fidel Castro nhìn thấy cờ Việt Nam trước chỗ ngồi của bà và đến gần nói: “Qué tal tu español?” (tiếng Tây Ban Nha của cháu như thế nào?). Ngay sau bài phát biểu của mình, bà được đích thân lãnh tụ Fidel Castro tới bắt tay thân mật và chụp ảnh lưu niệm. Bức ảnh được bà phóng lớn treo trang trọng tại phòng khách nhà riêng của mình.

THỤY VŨ (ghi)


Báo chí thế giới nói về lãnh tụ Fidel Castro

Phương tiện truyền thông thế giới trong ngày 26-11 đã có nhiều bài viết ca ngợi vai trò của của lãnh tụ Cuba Fidel Castro trong sự nghiệp lãnh đạo cách mạng Cuba.

Trang nhất website của hãng thông tấn Prensa Latina đăng bài xã luận kèm hình ảnh lãnh tụ Fidel Castro trong bộ quân phục màu ôliu thân quen.

Bài viết nhấn mạnh: “Fidel Castro qua đời, Cuba và hàng triệu người trên thế giới thương tiếc sự ra đi của ông - người đã cống hiến cuộc đời mình để đấu tranh chống bất công, trong đó nổi lên là nhà lãnh đạo không thể tranh cãi của những người không có tiếng nói. Hôm nay, ngôi sao dẫn đường huyền thoại sẽ tỏa sáng trên bầu trời, và tên của ông sẽ được ghi nhớ mãi mãi, trong tâm trí của những người mong muốn một thế giới công bằng hơn và tốt hơn”.

Báo chí và truyền hình Argentina thông tin đậm nét về sự ra đi của nhà lãnh đạo lịch sử của cách mạng Cuba, Fidel Castro. Hầu hết các báo nước này đăng hình ảnh của lãnh tụ Fidel Castro trong quân phục với các tiêu đề nêu bật ý nghĩa vĩ đại của cách mạng Cuba đã gây tiếng vang toàn thế giới.

Tờ Clarin với tiêu đề: “Fidel Castro, cha đẻ của cuộc cách mạng Cuba qua đời” mô tả lãnh tụ Fidel Castro là biểu tượng vĩ đại của cách mạng ở châu Mỹ Latinh và là một trong những nhân vật chính của thế kỷ 20.

Trong khi tờ La Nacion xuất bản ấn phẩm phụ chuyên đề về lãnh tụ Fidel Castro đi kèm với một loạt hình ảnh của ông, nhắc lại mối quan hệ giữa các du kích Argentina với lãnh tụ Cuba Fidel Castro, đồng thời nêu bật sự nghiệp lãnh đạo cách mạng Cuba của lãnh tụ Fidel Castro.

Trang web InfoNews viết: Sốc và đau buồn khi lãnh tụ Fidel Castro qua đời. Hàng ngàn tin nhắn tại Argentina về sự qua đời của lãnh tụ Fidel Castro cũng đã chia sẻ trên mạng xã hội twitter, nhiều người chia sẻ hình ảnh và những kỷ niệm với đất nước Cuba và cả với lãnh tụ Fidel Castro.

Các phương tiện truyền thông hàng đầu của Italia dành thời lượng lớn để thông tin lãnh tụ Fidel Castro qua đời.

Truyền hình SkyTG24 và Tgcom24 đưa thông tin liên tục về sự kiện này. Cơ quan thông tấn ANSA AGI; cổng thông tin của Đài phát thanh và truyền hình Italia (RAI); các tờ báo lớn như La Repubblica, Correire della Sera, La Stampa, Il Sole 24 Ore, Il Messaggero… đăng tin tức chiếm diện tích rộng trên trang bìa về sự ra đi của lãnh tụ Fidel Castro.

Tất cả các phương tiện truyền thông Italia nhấn mạnh, con đường cách mạng của Cuba dưới sự lãnh đạo của Fidel Castro trong cuộc chiến chống lại nhà độc tài Batista cũng như sự kiên định và sự chính trực của Fidel Castro trong con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội bất chấp bị Mỹ liên tiếp bao vây, cấm vận và cả xâm lược.

Các mạng xã hội và phương tiện truyền thông kỹ thuật số tại Uruguay ngày 26-11 cũng thông tin đậm nét về lãnh tụ của Cách mạng Cuba Fidel Castro. Các tờ báo lớn của Uruguay đưa tin lãnh tụ Fidel Castro qua đời với bức ảnh lớn của Fidel Castro trong vai trò Tổng tư lệnh quân đội Cuba trên các trang bìa và trích dẫn những câu nói nổi tiếng của ông.

KHÁNH MINH (tổng hợp)

>> Cuba: Lãnh tụ Fidel Castro qua đời

>> Vĩnh biệt Chủ tịch Fidel Castro - Người bạn lớn của Nhân dân Việt Nam

Tin cùng chuyên mục